TM ·
2 năm trước
 3763

Vì sao phải thu thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm hàng hóa?

Với vai trò là một loại công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, thuế bảo vệ môi trường góp phần hạn chế sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm gây ô nhiễm, hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường là một phần trong các biện pháp để đảm bảo tính bền vững và phát triển bền vững đất nước. Tại Khoản 1 Điều 2 Luật thuế bảo vệ môi trường quy định: Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hoá (sau đây gọi chung là hàng hoá) khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường”.

Theo đó, mục đích định hướng tiêu dùng được thể hiện khá rõ ràng ở loại thuế này. Các mặt hàng thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường đều có tác động xấu đến môi trường khi sử dụng chúng. Ví dụ, khi nói đến túi nilon được làm từ màng nhựa polyetilen là nói đến sản phẩm khó có khả năng phân huỷ; hoặc các loại thuốc diệt cỏ, diệt mối, nhóm chất gây suy giảm tầng ozon đều ảnh hưởng đến môi trường trong hiện tại và tương lai.

Với những lý do đó, giảm thiểu việc sử dụng các hàng hoá gây tổn hại môi trường bằng việc làm tăng giá thanh toán đối với hàng hoá đó, tạo điều kiện để người tiêu dùng chuyển thói quen sang sử dụng hàng hoá thân thiện với môi trường là điều cần thiết. Cũng chính từ yếu tố “hạn chế tiêu dùng” nêu trên nên luật pháp cũng định rõ (liệt kê) các hàng hoá nằm trong diện chịu thuế của loại thuế này.

Bên cạnh đó, thuế bảo vệ môi trường chia sẻ mục tiêu bảo vệ môi trường thông qua thuế của một số loại thuế tiêu dùng khác. Thay bằng việc thay đổi mức thuế suất hoặc mở rộng diện chịu thuế đối với thuế giá trị gia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thậm chí thuế nhập khẩu, việc đánh thuế bảo vệ môi trường không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (trong đó có sử dụng cho việc tái tạo môi trường) mà còn chia sẻ mục tiêu cho các loại thuế khác.

Với vai trò là một loại công cụ kinh tế trong việc quản lý môi trường, thuế bảo vệ môi trường đã được xây dựng và áp dụng hiệu quả tại Việt Nam. Bên cạnh việc tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chính sách thuế có thể góp phần bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên.

Khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường hơn

Thuế bảo vệ môi trường sẽ làm tăng giá sản phẩm, hàng hóa. Từ đó có thể sử dụng thuế để kích thích và điều chỉnh sản xuất và tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường. Đối với cả người tiêu dùng (muốn mua với giá thấp hơn) và nhà sản xuất (bán được nhiều sản phẩm hơn, lợi nhuận cao hơn), thuế bảo vệ môi trường sẽ có tác dụng khuyến khích, điều chỉnh định hướng sản xuất và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường hơn.

Giảm ô nhiễm môi trường là mục đích chính của những nỗ lực làm thay đổi hành vi. Thuế là công cụ đem lại hiệu quả nhất về chi phí trong việc giảm ô nhiễm môi trường so với việc ban hành các quy định hành chính khác. Nghĩa vụ đóng thuế tạo động cơ thúc đẩy người gây ô nhiễm tìm phương pháp giảm ô nhiễm mới. Đây là ưu điểm của thuế và là một trong những lý do khiến công cụ thuế cho phép giảm chi phí quản lý ô nhiễm, khuyến khích các cuộc cách mạng về bảo vệ môi trường.

Mặt khác, thuế bảo vệ môi trường góp phần hạn chế sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm gây ô nhiễm của các tổ chức, cá nhân; khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm bớt các tác động tiêu cực đến môi trường (khí Cacbon, lưu huỳnh thải ra khi sử dụng xăng, dầu, than, HCFC ảnh hưởng tới môi trường không khí và tầng ôzôn, tăng hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, gây hiệu quả nghiêm trọng đối với con người và thiên nhiên cũng như tổn thất về kinh tế). Từ đó, hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Tăng nguồn vốn đầu tư cải tạo môi trường

Với khung thuế quy định tại Luật, số thu thuế bảo vệ môi trường thu sẽ tăng. Đây là nguồn thu đáng kể, nhằm đầu tư cải tạo môi trường.

Luật thuế bảo vệ môi trường là công cụ quan trọng, cùng với hệ thống các công cụ khác: Giáo dục, đầu tư, hành chính,… nhằm thực hiện được các mục tiêu bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Do đó, chính sách thuế bảo vệ môi trường là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, điều hoà các quan hệ lợi ích giữa xã hội và doanh nghiệp, từ đó, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, khuyến khích ý thức tiết kiệm, giảm bớt sự lãng phí trong quá trình khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả cộng đồng

Cơ sở kinh tế ban hành thuế bảo vệ môi trường là sự cần thiết khách quan của việc đưa chi phí “gây ô nhiễm môi trường” (các yếu tố ngoại ứng) và giá bán của hàng hóa. Theo đó, thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải chi trả”, buộc các chủ thể gây ô nhiễm và các liên đới phải chịu trách nhiệm về chi phí do hoạt động gây ô nhiễm của họ bằng cách đưa chi phí ngoại ứng vào giá.

Thuế bảo vệ môi trường sẽ đưa chi phí ngoại ứng vào giá “nội hóa các chi phí ngoại ứng”, nhờ đó chi phí xã hội và chi phí cá nhân của các nhà sản xuất tiến gần nhau hơn. Từ đó, tạo cơ hội thúc đẩy các hoạt động có hiệu quả hơn đối với các khu vực thị trường, giao thông hoặc năng lượng. Nội hóa các chi phí ngoại ứng cũng sẽ dẫn đến phân bổ lại nguồn lực của nền kinh tế theo hướng tạo ra các “mức giá công bằng và hiệu quả hơn” do phân phối lại chi phí.

Đồng thời, thuế bảo vệ môi trường còn góp phần thực hiện các mục tiêu khác về môi trường như khuyến khích các hành vi “sạch hơn”, khuyến khích thực hiện các cuộc “cách mạng” thân thiện với môi trường và góp phần tăng thu ngân sách.

Lan Anh (T/h)

Nguồn: Kinh tế Môi trường