Tê tê được coi là loài động vật có vú bị buôn lậu nhiều nhất thế giới. Toàn bộ giống tê tê đều trở thành mục tiêu ăn thịt và làm thuốc theo cách chữa bệnh cổ truyền Trung Quốc.
Có tám loài tê tê sống ở Châu Phi và Châu Á, và tất cả đều đang gặp hiểm nguy.
Một con tê tê non, bé xíu, bám vào người mẹ sau khi được thả. Gần 100 con tê tê sống đã được thu giữ khi đang trên đường vận chuyển sang Trung Quốc, nơi chúng sẽ bị đưa lên bàn ăn. (Ảnh từ nhiếp ảnh gia Paul Hilton)
Tại cuộc họp của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (Cites) tại Nam Phi hồi tháng Chín 2016, loài động vật này đã được thêm những bảo hộ chống lại nạn buôn bán bất hợp pháp.
Dù việc buôn bán tê tê đã bị cấm ở phương diện quốc tế từ tháng 1/2017, nhưng tình trạng buôn lậu vẫn tiếp diễn.
Từ năm 2010 đến 2015,chính quyền ở 67 quốc gia đã bắt được những đợt vận tải hàng có khoảng 27.000 con tê tê nguyên con, và vì một số đợt bắt giữ tính bằng khối lượng thay vì đếm cá thể - thì có thêm 120 tấn tê tê nguyên con và từng phần khác cũng bị thu giữ.
Nghiên cứu cũng nhận thấy kẻ buôn lậu cực kỳ linh hoạt, sử dụng hơn 150 tuyến đường độc đáo và mỗi năm lại có thêm 27 hành trình mới. Tê tê thường đi chậm và vẫy chiếc đuôi dài phía sau, điều này bất lợi cho chúng.
Nhiếp ảnh gia chuyên chụp đời sống hoang dã Paul Hilton ghi lại những hình ảnh về cảnh ngộ khốn khổ của loài vật này. Ông đã giành được giải nhiếp ảnh Wildlife Photographer of the Year, hạng mục phóng viên ảnh, cho bức hình "Tiêu hủy Tê tê" (The Pangolin Pit).
Bức ảnh chụp khoảng 4.000 con tê tê đã chết đang được để rã đông, nặng chừng năm tấn. Đây được cho là lần thu giữ được với số lượng lớn nhất loài động vật này từ trước tới nay. Bên cạnh những con đã chết còn có 96 con tê tê sống, được cho sống bởi kích cỡ của chúng. Việc nhồi nhét cho ăn khiến chúng to ra, và có giá hơn đối với những kẻ săn trộm.
Cảnh sát Indonesia đứng trước một trong những vụ thu giữ tê tê lớn nhất từ trước tới nay (Ảnh từ nhiếp ảnh gia Paul Hilton)
Ở Đông Nam Á, tê tê Sunda bị săn trộm và buôn bán lậu từ đường bộ đến đường biển vào Việt Nam và Trung Quốc. Hầu hết các phần thịt tê tê đều bị bán vào Trung Quốc. Vào tháng 11/2017, chính quyền Trung Quốc bắt giữ 11,9 tấn vảy tê tê từ cảng biển đông đúc ở miền nam. Số vảy này đến từ khoảng 20.000 con tê tê ở Châu Phi.
Lý do vì sao? Người ta nói rằng thịt và vảy tê tê được coi là thần dược có tác dụng chữa bệnh.
Tê tê là loài nổi tiếng khó nuôi nhốt và hầu hết sẽ chết trong vòng sáu tháng. Vì ta thấy tê tê bị bắt nhốt nhiều hơn tê tê ngoài môi trường hoang dã, mạng lưới các trung tâm giải cứu phải là ưu tiên hàng đầu, một nhà nghiên cứu tê tê lý giải.