Lan Anh ·
2 năm trước
 3938

Việt Nam cam kết mạnh mẽ phát triển bền vững khu vực biển

Việt Nam mong muốn được hợp tác với tất cả các nước trong khu vực để cùng nhau hành động, chia sẻ các kinh nghiệm, thực tiễn tốt, nhằm hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững khu vực các biển Đông Á.

Hướng tới Chương trình Phát triển Xanh

Tại Đại hội biển Đông Á (East Asian Seas Congress - EASC) lần thứ 7, thuộc khuôn khổ Quan hệ đối tác Quản lý môi trường các vùng biển Đông Á (PEMSEA), đại diện Việt Nam khẳng định tiếp tục thực hiện mục tiêu chung là phát triển bền vững khu vực các biển Đông Á.

Việt Nam có lợi thế về giao thông đường biển, khi gần các tuyến đường hàng hải quốc tế và khu vực. Vùng biển Việt Nam nằm tại khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và là cầu nối giữa nhiều cường quốc kinh tế và chính trị trên thế giới. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển ngành hàng hải, công nghiệp tàu thủy và logistics, nhất là khi có tới 114 cửa sông, 52 vịnh nước sâu ven bờ miền Trung (vũng, vịnh, đầm phá chiếm 60% chiều dài đường bờ biển), hơn 100 vị trí có thể xây dựng các cảng biển lớn.

Mặt khác, vị trí thuận tiện cho giao thông và các vũng, vịnh kín có độ sâu lớn, không gian rộng lớn ở ven biển và trên bờ biển rất thuận lợi làm cảng biển và phát triển các khu kinh tế ven biển.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ phát triển bền vững khu vực biển - Ảnh 1
Việt Nam khẳng định tiếp tục thực hiện mục tiêu chung là phát triển bền vững khu vực các biển Đông Á. (Ảnh: baochinhphu.vn) 

Theo đó, chủ đề của EASC lần thứ 7 là “Hướng tới Chương trình Phát triển Xanh: Các hệ sinh thái đại dương khỏe mạnh và Thịnh vượng chung”, đồng thời khởi động Lộ trình PEMSEA 2030 thông qua Tuyên bố cấp Bộ trưởng. Tham gia đại hội có các quan chức Chính phủ cấp cao từ các 11 quốc gia thành viên, Ủy ban điều hành PEMSEA, các đối tác phi quốc gia, các tổ chức phi chính phủ…

Đại hội diễn ra trong 2 phiên họp từ ngày 1 đến 2/12 tại Campuchia. Trong phiên 1 của đại hội là Phiên họp toàn thể, diễn ra vào ngày 1/12 tập trung trao đổi và thông qua các hoạt động cụ thể trong khuôn khổ PEMSEA.

Theo đó, đại hội đã giới thiệu về Mạng lưới Trung tâm Học tập PEMSEA (PNLC) gồm 10 trường đại học và viện nghiên cứu từ các quốc gia thành viên; thông qua bản Điều lệ nhằm chính thức hóa PNLC (Điều lệ PNLC). Điều lệ PNLC quy định các quy tắc cơ bản về tư cách thành viên; xác định các hoạt động và thành quả chung giữa các thành viên; tìm ra các giải pháp bền vững và hỗ trợ tài chính thông qua các khoản đóng góp của thành viên tự nguyện hoặc các sáng kiến gây quỹ chung.

Tại Phiên 2 của đại hội là Diễn đàn Bộ trưởng lần thứ 7, diễn ra vào ngày 2-12. Tại phiên này, trưởng đoàn từng quốc gia thành viên của PEMSEA đã đã có bài phát biểu ngắn, thông qua và cùng ký bản Tuyên bố chung Diễn đàn Bộ trưởng theo hình thức trực tuyến.

Tuyên bố Bộ trưởng của các quốc gia thành viên đều xem xét tiến độ và mở rộng phạm vi các thực tiễn tốt trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA), lập kế hoạch hành động của các quốc gia thành viên trong thập kỷ mới để đạt được tầm nhìn về các đại dương, con người và nền kinh tế lành mạnh; hưởng ứng lời kêu gọi toàn cầu về chiến lược phục hồi xanh sau đại dịch Covid-19. 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân khẳng định: “Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là PEMSEA, Việt Nam đã thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á. Cụ thể: Nhân rộng Quản lý tổng hợp vùng bờ tại các địa phương ven biển; Ban hành và thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Ban hành Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Xây dựng và công bố Báo cáo quốc gia về hiện trạng biển và vùng bờ; Hướng tới nền kinh tế biển xanh 2018; Báo cáo Hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia, giai đoạn 2016-2020; Thành lập có chế điều phối đa quốc gia và địa phương”. 

Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn được hợp tác với tất cả các nước trong khu vực để cùng nhau hành động, chia sẻ các kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhằm hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững khu vực các biển Đông Á. Đại diện Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam cam kết tiếp tục ủng hộ và đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á tại Việt Nam.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ phát triển bền vững khu vực biển - Ảnh 2
Việt Nam mong muốn được hợp tác với tất cả các nước trong khu vực nhằm hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững khu vực các biển Đông Á. (Ảnh: vntravellive)

Có thể thấy, phát triển kinh tế biển là một lựa chọn đúng để phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, đòi hỏi các hoạt động phát triển của các ngành kinh tế biển cần chuyển từ nền kinh tế khai thác và gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế biển xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên trong chuỗi kết nối hữu cơ, từ trong đất liền ra đến biển, giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ngay từ trong đất liền.

7 cam kết tại EAS lần thứ 7

1. Tái khẳng định và xây dựng dựa trên các Tuyên bố hoặc cam kết cấp Bộ trưởng trước đây của khu vực nhằm hỗ trợ việc thực hiện SDS-SEA và các thỏa thuận quốc tế quan trọng.

2. Nhận thức được các tác động và cơ hội của đại dịch toàn cầu.

3. Đánh dấu sự tiến bộ trong khu vực thông qua nền tảng hợp tác và đối tác PEMSEA cũng như các năng lực chính của PEMSEA hoàn thành các báo cáo khu vực vùng bờ và mười báo cáo Quốc gia về hiện trạng biển và vùng bờ- SOC về Kinh tế Xanh; Mở rộng quy mô quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICM) bao gồm khoảng 40% đường bờ biển của khu vực và các khu vực đầu nguồn tiếp giáp; tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, thông qua và thực hiện các chính sách, kế hoạch hành động và chương trình về ven biển, sông ngòi, các khu vực đầu nguồn liên quan và các hệ sinh thái đại dương).

4. Nhận thức được những thách thức dai dẳng và đang nổi lên trong khu vực và cần tiếp tục hợp tác và hành động trong khu vực.

5. Cam kết triển khai thực hiện Lộ trình PEMSEA đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện SDS-SEA 2023-2027, được định hướng bởi các mục tiêu/ưu tiên chiến lược chính về Đại dương, Con người và Nền kinh tế khỏe mạnh.

6. Kêu gọi các nước khu vực hành động nhằm xây dựng lại tốt hơn khắc phục khỏi tác động của đại dịch toàn cầu thông qua quan hệ đối tác tăng cường.

7. Hướng tới một nền quản trị đại dương có trách nhiệm và mạnh mẽ dựa trên các nguyên tắc phát triển bền vững và nền kinh tế xanh. 

Theo TS Tạ Đình Thi – Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, phát triển bền vững kinh tế biển là một trong những xu thế tất yếu của nhân loại. Thế kỉ 21 là thế kỉ của đại dương, hầu hết các quốc gia đều hướng ra biển. Trong số 21 nền kinh tế mạnh nhất trừ Thụy Sĩ đều là cường quốc về biển. Theo đó, Việt Nam cũng tiếp cận xu hướng phát triển của quốc tế và đưa tư tưởng này vào Nghị quyết của Đảng.

Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, đảo được triển khai chủ động, toàn diện; Giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi chính đáng của quốc gia, dân tộc, nâng cao vị thế đất nước; Mở rộng, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác và tin cậy chính trị với các nước láng giềng, các đối tác lớn, quan trọng; Chủ động, tích cực giải quyết và xử lý các tranh chấp, bất đồng trên biển. Hợp tác quốc tế được triển khai tích cực ở các cấp, các ngành với nhiều đối tác, đa dạng về hình thức và trải rộng trên các lĩnh vực, góp phần nâng cao năng lực quản lý, khai thác, sử dụng biển, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai…

Nguồn: