Tạ Nhị ·
1 năm trước
 6470

Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD để khắc phục tác động của biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam mất khoảng 12% -14,5% GDP mỗi năm sau 2050.

Theo Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm kể từ sau năm 2050. 1 triệu người có thể rơi vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Ảnh Minh hoạ.

Nội dung trên vừa được công bố trong Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới.

Theo WB, 100 triệu người dân Việt Nam thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của khí hậu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro dọc theo bờ biển dài 3.260 km và các vùng trũng thấp rộng lớn của đất nước. Nguy cơ đối với các khu đô thị và khu công nghiệp, đặc biệt là trong và xung quanh trung tâm kinh tế Tp.HCM, đặt nhiều bộ phận lớn của nền kinh tế vào rủi ro.

Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của 18 triệu người, đã và đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; hơn 70% diện tích đất của một số tỉnh thành có thể bị ngập trong vòng 80 năm nữa.

Khi nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam tiến dần đến vị thế là nước có thu nhập cao, Việt Nam cũng cần phải giảm cường độ carbon. Đóng góp của Việt Nam vào tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu tương đối nhỏ, chỉ ở mức 0,8%. Tính theo bình quân đầu người, lượng phát thải của Việt Nam chưa bằng một nửa lượng phát thải bình quân đầu người của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

"Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam đã tăng lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người lên gấp 4 lần trong thế kỷ này, từ 0,79 tấn carbon dioxide (CO2) tương đương vào năm 2000 lên 3,81 tấn CO2 vào năm 2018, và lượng khí thải đang tăng với tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Ô nhiễm liên quan đến khí thải này ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm năng suất; tình trạng cạn kiệt tài nguyên và các tác động của biến đổi khí hậu đã làm tổn hại đến thương mại và đầu tư", báo cáo nêu rõ.

Hiện tại, Việt Nam đã cam kết chấm dứt phá rừng vào năm 2030, giảm 30% lượng khí thải mêtan và chấm dứt mọi hoạt động đầu tư vào sản xuất điện than mới, mở rộng quy mô triển khai năng lượng tái tạo và loại bỏ điện than vào những năm 2040. Những cam kết này cao hơn đóng góp do quốc gia xác định năm 2020, trong đó Việt Nam cam kết đạt mục tiêu giảm phát thải không điều kiện là 9% vào năm 2030 so với năm cơ sở 2014 và mục tiêu giảm phát thải có điều kiện là 27%.

Để giúp Việt Nam xây dựng chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai, báo cáo đưa ra một gói các khuyến nghị, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu, bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương, cải cách cơ chế, khuyến khích nông dân và doanh nghiệp, định giá carbon và huy động nguồn vốn.

Ước tính, giá trị đầu tư thêm từ nay đến năm 2040 có thể lên đến khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương khoảng 368 tỷ USD. Số vốn này có thể được huy động từ cả khu vực công, khu vực tư nhân và quốc tế.

TH