Bích Ngọc ·
22 tuần trước
 9909

Việt Nam đứng thứ mấy trên thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền số?

Theo thống kê của Triple-A, Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu tiền số cao nhất thế giới.

Được biết, UAE đứng đầu danh sách quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu tiền số cao nhất thế giới với 34,4%. Tripple-A cho biết tỷ lệ sở hữu tiền số ở UAE cao xuất phát từ chính sách thân thiện của chính phủ với công nghệ mới. Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính FSRA-ADGM đã có những hướng dẫn và quy định liên quan đến việc mua và bán tiền số, như đề xuất miễn thuế cho các chủ sở hữu và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiền số.

Trong khi đó, Việt Nam không cho phép giao dịch hàng hóa bằng tiền số, còn việc sở hữu tiền số vẫn trong vùng xám, khiến đây trở thành tài sản hấp dẫn.

Theo ông Lê Thanh - nhà sáng lập startup blockchain Ninety Eight, những năm gần đây có nhiều báo cáo về tỷ lệ người dân sở hữu tiền số. Hầu hết xếp Việt Nam ở mức cao.

Ông thanh cho hay, nhìn vào những con số thống kê mới của Triple-A cũng cho thấy tiền số đang dần trở thành nhóm tài sản mới, được thế hệ trẻ ưa chuộng. Không chỉ thế, một số thống kê trước đó cũng chỉ ra đa số người sở hữu tiền số trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thuộc Gen Z và Y. Đây là thế hệ tiếp xúc sớm và dành nhiều thời gian trên Internet. Điều này cũng phần nào lý giải tỷ lệ sở hữu tiền số tăng dần theo thời gian.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Dựa trên 1.200 mẫu khảo sát thực hiện vào tháng 12 năm 2023, Coin98 Insights chỉ ra tuổi trung bình của nhà đầu tư tiền số Việt từ 26 đến 36 tuổi (47,1%). Nhóm người trẻ từ 18 đến 25 tuổi chiếm 37,9%.

Vào tháng 3, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu blockchain Chainalysis của Mỹ cũng cho thấy người chơi tại Việt Nam kiếm lời từ tiền số nhiều thứ ba thế giới, lợi nhuận đạt 1,18 tỷ USD năm 2023. Nước ta cũng là một trong 8 nước có lợi nhuận từ tiền số đạt trên một tỷ USD.

Nhìn vào báo cáo về chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu 2023 (Global Crypto Adoption Index - GCAI) do Chainalysis công bố cuối năm ngoái cũng cho thấy hai năm Việt Nam giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng, trước khi bị tụt xuống vị trí thứ ba với tổng điểm 0,568 điểm (trên thang điểm 1).

Theo một thống kê khác của WSJ hồi tháng 5 năm 2023 cũng chỉ ra rằng người Việt giao dịch tiền số nhiều thứ tư thế giới, tính trên sàn giao dịch Binance. Theo đó, các nhà đầu tư Việt Nam giao dịch khoảng 20 tỷ USD, và hình thức Future (hợp đồng tương lai) chiếm 90%.

Dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đánh giá, trong năm 2023 chính sách tiền tệ của Việt Nam đã hỗ trợ rất nhiều cho nền kinh tế đất nước, trên cơ sở đó, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025. Fitch Ratings cũng tin rằng các yếu tố cơ bản trong trung hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn tích cực và triển vọng tăng trưởng trung hạn có thể khoảng 7%/năm nhờ động lực tăng trưởng từ dòng vốn FDI mạnh mẽ và nguồn lao động dồi dào.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo, vào năm 2024 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ lên mức 6% khi thị trường bên ngoài phục hồi tốt hơn so với năm 2023.

Còn  Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng trong năm 202 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ là 5,5% và năm 2025 là 6%. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Dưới góc nhìn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam trong năm 2024 cũng khá tích cực với mức tăng 5,8% và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. 

Nhìn chung, theo các tổ chức quốc tế, trong năm 2024 triển vọng tăng trưởng của Việt Nam cũng như trong trung hạn được đánh giá tích cực nhờ sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, xuất nhập khẩu hàng hóa và việc đẩy mạnh đầu tư công, gia tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7789620287764326