Ngày 31/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp.
Sau gần 2 năm dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, việc Thủ tướng tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP26 cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy và thực thi các cam kết quốc tế, nhất là trong các vấn đề toàn cầu, đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực và là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Hội nghị thượng đỉnh COP26 đặt ra kỳ vọng các quốc gia sẽ đạt được thỏa thuận cụ thể về cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính của mỗi nước để đạt mục tiêu duy trì nhiệt độ Trái Đất không tăng thêm quá 2 độ C vào cuối thế kỉ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.
COP năm nay sẽ dựa trên những công việc đã thực hiện tại COP21, nơi đã ký kết Thỏa thuận Paris. Ảnh: AP
Đây cũng là dịp để Việt Nam thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, các tổ chức quốc tế và các đối tác đa phương khác, tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết Hội nghị COP 26 có ý nghĩa hết sức quan trọng vì 3 lý do.
Thứ nhất là để rà soát lại việc chuẩn bị của các quốc gia, trong đó có bộ Quy tắc hướng dẫn thi hành Thỏa thuận Paris, để thực hiện từ 2021 trở đi.
Thứ hai, COP 26 sẽ đánh giá nỗ lực của các quốc gia trong giảm nhẹ, thích ứng với BĐKH và cung cấp phương tiện thực hiện (tài chính, công nghệ, hỗ trợ, kinh nghiệm…).
Thứ ba, đề ra phương hướng phục hồi sau những tác động của dịch bệnh COVID-19 theo hướng thích ứng với BĐKH, thân thiện với môi trường.
Việt Nam là một trong những nước rất tích cực, chủ động ứng phó với BĐKH. Ngay sau khi Thỏa thuận Paris được thông qua năm 2015, Chính phủ đã giao cho các bộ, các ngành chủ trì là Bộ TN&MT xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris.
Do có sự chuẩn bị cho nên khi Chính phủ thông qua Nghị quyết về gia nhập Thỏa thuận Paris thì chúng ta cũng thông qua kế hoạch thực hiện Thỏa thuận này. Đây là điểm rất khác biệt của Việt Nam so với các nước khác, vì có kế hoạch thực hiện ngay khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực.
Bên cạnh đó, ngoài kế hoạch triển khai Thỏa thuận Paris từ năm 2016 đến năm 2030, chúng ta đã đưa nội dung cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris vào trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2020. Trong Luật có 1 chương về ứng phó với BĐKH, chỉ rõ thích ứng với BĐKH phải làm gì, làm thế nào để thu hút nguồn lực xã hội và huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia và ứng phó BĐKH.
Đây cũng là điểm sáng thứ 2 của Việt Nam đối với việc thực hiện Thỏa thuận Paris.
Tại COP 26, Việt Nam là một trong các nước đang phát triển đầu tiên đưa quy định thực hiện Thỏa thuận Paris vào quy định pháp luật để toàn dân thực hiện.
Việt Nam tham dự COP 26 có đoàn cấp cao và đoàn kỹ thuật. Đối với đoàn cấp cao, Việt Nam sẽ thể hiện vị thế là một nước tích cực chủ động trong ứng phó BĐKH và có đóng góp cụ thể cho ứng phó với BĐKH toàn cầu.
Đến 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính và tăng lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương, đa phương. Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít các nước tăng mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật.
Từ đầu tháng 4/2021, Việt Nam triển khai chương trình trồng một tỉ cây xanh đến 2025, điều này sẽ hấp thụ 2-3% lượng phát thải vào 2030…
Đầu tháng 10/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.
Đó là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định.