Tạ Nhị ·
2 năm trước
 3542

Việt Nam ưu tiên phát triển mạnh mẽ năng lượng sạch

Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt thì việc tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo là cần thiết cho phát triển bền vững. Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo theo phương thức tự cung tự cấp, tiêu thụ tại chỗ.

Không phát triển mới các nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VIII

Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF - World Economic Forum), Đài Loan xếp thứ 15 toàn cầu và thứ 4 châu Á (năm 2018) về phát triển năng lượng tái tạo, đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường.

Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng xanh, sạch, bên cạnh những thuận lợi về điều kiện tự nhiên còn là sự chủ động định hướng dài hạn của Chính phủ.

Tại buổi làm việc với Tư vấn đặc biệt và Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc ông Selwin Hart, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, định hướng phát triển trong dự thảo Quy hoạch điện 8 của Chính phủ Việt Nam là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia trong đó ưu tiên phát triển năng lượng sạch, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế đặc biệt là khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng.

Trên cơ sở cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Quy hoạch điện VIII với nguyên tắc: Phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện; Ưu tiên sử dụng hết lượng khí khai thác trong nước có thể cung cấp được cho sản xuất điện để tăng tính tự chủ trong sản xuất điện, chuyển dần sang đốt kèm nhiên liệu hydrogen khi công nghệ này được chứng thực…

Đồng thời đẩy mạnh phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện và tính kinh tế chung của hệ thống điện. Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo theo phương thức tự cung tự cấp, tiêu thụ tại chỗ, không phát điện lên lưới quốc gia.

Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo theo phương thức tự cung tự cấp, tiêu thụ tại chỗ, không phát điện lên lưới quốc gia.

“Việt Nam sẽ không phát triển mới các nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030 chỉ triển khai tiếp các dự án đang trong quá trình xây dựng hoặc đã có cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT. Sau 2030 Việt Nam định hướng đốt trộn than và armonia hoặc biomass để hướng tới chuyển đổi hoàn toàn nhiên liệu”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết. Bên cạnh đó, để đầu tư theo dự thảo Quy hoạch điện VIII Việt Nam cần mỗi năm trung bình từ 8-14 tỷ USD, con số này phụ thuộc vào kịch bản phát triển kinh tế. Trong đó 25% số tiền đầu tư cho phát triển lưới truyền tải, 75% còn lại cho nguồn phát.

Hiện Việt Nam, đã đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó đặt mục tiêu điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là 7 GW và đến năm 2045 là khoảng 65GW.

Rà soát lại Quy hoạch điện VIII

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 238/TB-VPCP ngày 9/8/2022, thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp ngày 7/8/2022 về rà soát một số nội dung chuẩn bị cho cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, gọi tắt là Quy hoạch điện VIII.

Thứ nhất, đánh giá cao Bộ Công thương đã tập trung, chỉ đạo, hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch điện VIII cơ bản bám sát các chỉ đạo, kết luận của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ và đã trình Thủ tướng Chính phủ tại tờ trình số 2279/TTr-BCT ngày 29/4/2022 và bổ sung, làm rõ tại các công văn số 2751/BCT-ĐL ngày 20/5/2022, số 378/BCT-ĐL ngày 4/7/2022; trình Thường trực Chính phủ tại công văn số 4329/BCT-ĐL ngày 25/7/2022.

Thứ hai, vấn đề xây dựng Quy hoạch điện VIII với thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn tới năm 2050 thay cho tầm nhìn tới năm 2045 không ảnh hưởng tới kỳ quy hoạch 2021-2030 và bảo đảm tầm nhìn phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26 đến năm 2050 đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.

Thứ ba, về vấn đề điện mặt trời, việc tiếp tục quy hoạch điện mặt trời tới năm 2030 sẽ gây ảnh hưởng về hiệu quả kinh tế và an ninh năng lượng. Theo báo cáo của Bộ Công thương, hiện nay có 24 dự án điện mặt trời đã và đang triển khai ở các mức độ khác nhau (có chủ trương đầu tư, cấp đất, mua sắm thiết bị, đã lắp đặt), nếu loại bỏ những dự án này sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân khoảng 12.700 tỷ đồng và có rủi ro về mặt pháp lý. Do vậy báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét việc giữ lại quy hoạch điện mặt trời tới năm 2030 là 2.428,42 MW của 24 dự án nói trên. Bộ Công thương cần phân tích chi tiết theo nhóm các dự án trên (có chủ trương đầu tư, cấp đất, mua sắm thiết bị, đã lắp đặt).

Thứ 4, Thông báo 238/TB-VPCP cho hay, trong Báo cáo, Tờ trình của Bộ Công thương cần so sánh Quy hoạch điện VIII trình Thường trực Chính phủ kỳ này với Quy hoạch điện VIII trình tháng 3/2021 với các nội dung tổng hợp quy hoạch nguồn, cơ cấu nguồn điện, phân bổ vùng miền về chi phí nguồn và lưới điện.

 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc tổ chức Quy hoạch điện VIII theo đúng mục tiêu thì đến 2050 sẽ có năng lượng vừa đủ để phát triển nhưng cũng góp phần tích cực vào giảm khí thải. Đây là hành động thể hiện quyết tâm của Chính phủ về lĩnh vực môi trường.

Doanh nghiệp đồng hành cùng phát triển năng lượng sạch

Chuyển đổi xanh là vấn đề cốt lõi để tạo ra giá trị của quá trình phát triển bền vững. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường chính là ưu tiên của các quốc gia, doanh nghiệp hiện nay. Để mục tiêu này thành công thì tất cả các doanh nghiệp cùng chuyển đổi phương thức sản xuất - kinh doanh, từng bước “xanh hóa” doanh nghiệp của mình.

Trong những năm qua, ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp một phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm đã ảnh hưởng tích cực đến việc thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường, huy động được nguồn nhân lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế nòng cốt, đặc biệt là các doanh nghiệp. 

Việt Nam đang là thị trường năng lượng tái tạo hấp dẫn nhất trong khu vực và trên thế giới.

Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) hiện là nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT); tiên phong trong việc triển khai các dự án NLTT tích hợp hệ thống truyền tải điện tầm cỡ. Với các dự án NLTT đã thực hiện tại Ninh Thuận, Trà Vinh, Đắk Lắk, Trungnam Group đóng góp gần 1,63GW vào công suất nguồn điện cả nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trungnam Group, có thể thấy tiềm năng to lớn từ NLTT và giá trị nó mang lại cho các quốc gia, đặc biệt là với đất nước có nền khí hậu nhiệt đới với nắng gió quanh năm như Việt Nam. Điều đó cho thấy quá trình phát triển NLTT Việt Nam hiện nay mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên và sẽ còn rất tiềm năng trong thời gian tới. Với kinh nghiệm thi công nhiều dự án có quy mô bậc nhất Việt Nam và Đông Nam Á hiện nay, chúng tôi nhận thấy cơ hội của các doanh nghiệp còn rất lớn và các doanh nghiệp Việt cũng đã nắm bắt nó một cách kịp thời.

Với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, chiến lược và tầm nhìn bài bản, trong những năm qua, T&T Group của Bầu Hiển đã nổi lên như một "ông lớn" trong lĩnh vực tái tạo với dự án điện mặt trời, điện gió trên khắp cả nước.

Đến năm 2030, T&T Group cho biết dự kiến tổng công suất các nguồn điện của tập đoàn đạt khoảng 10.000 MW - 11.000 MW, chiếm từ khoảng 8% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam. Trong đó, điện LNG mới khoảng 3.000 MW, còn lại chủ yếu là điện gió và điện mặt trời từ 7.000 MW - 8.000 MW. Điện gió sẽ bao gồm cả điện gió ngoài khơi (hiện cơ chế chính sách cho điện gió ngoài khơi đang được nghiên cứu và đề xuất giá riêng cho công nghệ này)…

Với các dự án năng lượng tái tạo hiện nay, T&T Group đã, đang và sẽ góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Về dài hạn, các dự án này sẽ đóng góp lớn vì mục tiêu ổn định an ninh năng lượng quốc gia, xây dựng nguồn năng lượng bền vững cho tương lai đất nước và mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang là thị trường năng lượng tái tạo hấp dẫn nhất trong khu vực và trên thế giới, ghi nhận hàng loạt dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn đến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới và các định chế tài chính uy tín. Để thu hút thêm vốn FDI và cung cấp cho các công ty nước ngoài nguồn năng lượng bền vững hơn, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với năng lượng tái tạo.

Đồng thời, dòng vốn ngoại lớn đổ vào thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam hiện nay không chỉ đến từ doanh nghiệp quốc tế trực tiếp thực hiện, vận hành các dự án mà còn đến từ các tổ chức tín dụng đa quốc gia uy tín như HSBC và Standard Chartered. Đầu tháng 10 vừa qua, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết đã đạt thỏa thuận cung cấp khoản tín dụng xanh ngắn hạn phục vụ việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo cho Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1 (PCC1). PCC1 hiện đang sở hữu 3 dự án điện gió trên bờ tại tỉnh Quảng Trị với tổng công suất 144 MW và hướng đến mục tiêu nâng công suất lên 744 MW vào năm 2025.

Nguồn: Kinh tế Môi trường