Huyền My ·
2 năm trước
 3597

Việt Nam và những nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu tại COP27

Tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP27), Việt Nam sẽ trình bày về những nỗ lực trong những hoạt động triển khai thực hiện cam kết tại COP26.

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại Ai Cập có thông điệp xuyên suốt: "Cùng nhau hành động", nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022 là cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể. Tại COP27, Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo thế giới diễn ra trong hai ngày 7 - 8/11.

Nhiều hoạt động hiệu quả của Việt Nam tại COP27

Ngay từ những ngày đầu tiên diễn ra COP27, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà dẫn đầu đã có các buổi làm việc về thúc đẩy hình thành thị trường carbon tại Việt Nam; thực hiện các cam kết về khí hậu cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam…

Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia COP27. Nguồn: Báo Chính phủ

Cụ thể, ngày 7/11, đoàn đã có buổi làm việc với ông Ravi Menon, Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Singapore về việc thúc đẩy hình thành thị trường carbon tại Việt Nam trong thời gian tới. Buổi làm việc nhằm triển khai các nội dung Bản ghi nhớ Hợp tác theo Điều 6 Thỏa thuận Paris giữa Bộ TN&MT (Việt Nam) và Bộ Thương mại và Công nghiệp (Singapore).

Cùng ngày, đoàn cũng đã có cuộc làm việc với Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry nhằm thảo luận về hợp tác thực hiện các cam kết về khí hậu cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Bên lề COP27, lễ trao Biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) giữa Bộ TN&MT và Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng được tổ chức. Theo đó, HSBC Việt Nam sẽ hỗ trợ Bộ TN&MT xây dựng phương pháp tiếp cận thực tế trong việc hiện thực hóa các chiến lược phù hợp với các mục tiêu phát thải ròng bằng "0" của Việt Nam, cũng như xây dựng cơ cấu để mở ra các nguồn tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ các mục tiêu này.

Việt Nam sẽ nỗ lực trong việc triển khai các cam kết tại COP26

Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị COP 27, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) - Phó trưởng Ban Công tác đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu cho biết, bên cạnh hoạt động chung tham gia đàm phán về biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ có phiên trình bày riêng về những nỗ lực trong việc triển khai các cam kết tại COP 26.

Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn cho biết, diễn đàn này được tổ chức theo hình thức trực tiếp và truyền hình trực tuyến. Phía Việt Nam sẽ chia sẻ về thực tế các hoạt động triển khai cam kết, những nỗ lực của Việt Nam trong việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia thực hiện cam kết của Việt Nam về COP 26, phê duyệt Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu đến năm 2050, cập nhật Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)… Báo cáo này đã được phê duyệt và vừa trình lên Liên Hợp Quốc ngày hôm qua.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) - Phó trưởng Ban Công tác đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 27. Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường.

“Có thể thấy, trong bối ảnh khủng hoảng năng lượng và phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong khi các nước khác đưa ra cam kết nhưng thực hiện chưa được nhiều, những nỗ lực của Việt Nam là điểm sáng tại Hội nghị lần này” – ông Tấn nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về tiến độ đàm phán về tài chính khí hậu tại COP 27, ông Tấn cho biết, đến thời điểm hiện nay, điều quan trọng nhất là các quốc gia đã thống nhất sẽ thảo luận nội dung sử dụng nguồn lực như thế nào để xử lý vấn đề tổn thất và thiệt hại, thích ứng BĐKH tại các nước đang phát triển.

Từ trước đến nay, 90% nguồn lực cho ứng phó BĐKH được dành cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chưa đến 7% cho thích ứng BĐKH. Thực tế tại những nước đang phát triển, nhu cầu thích ứng với BĐKH để tồn tại và phát triển rất cao, nhưng không có nguồn lực. Nhiều năm nay, các nước đang phát triển đã yêu cầu vấn đề nguồn lực cho thích ứng phải ngang bằng với giảm nhẹ.

Đây là chặng đường đấu tranh khá dài, bởi giảm nhẹ phát thải khí nhà kính dễ dàng huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, trong khi với thích ứng BĐKH, các quốc gia thường sử dụng nguồn lực từ chính phủ hoặc hỗ trợ không hoàn lại.

Về nguồn tài chính BĐKH đến thời điểm hiện nay, tuy một số quốc gia đã đưa ra cam kết, nhưng theo Ban thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc tổng hợp lại, thế giới mới huy động được 84,1 tỷ đô la, thấp hơn mục tiêu 100 tỷ đô la lẽ ra phải đạt được vào năm 2020. Đây là con số lớn, nhưng có khoảng 5 tỷ người nghèo trên thế giới. Trung bình mỗi người sẽ có 20 đô la Mỹ mỗi năm dành cho thích ứng BĐKH, cũng như xử lý vấn đề tổn thất, thiệt hại và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Cụ thể, trong vòng 8 năm tới, Ngân hàng sẽ tập trung vào bốn mục tiêu chính. Thứ nhất, đóng góp vào quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 thông qua chia sẻ thông lệ và kinh nghiệm, nhằm giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng, hoàn thiện cơ cấu và chính sách để khai thác các nguồn tài trợ tiềm năng từ nhà đầu tư và định chế tài chính quốc tế. Thứ hai, giúp Việt Nam xây dựng nguồn lực và năng lực cần thiết trong lĩnh vực bền vững. Thứ ba, xây dựng Tiêu chuẩn phân loại – định nghĩa tài sản bền vững và các sản phẩm tài chính tại Việt Nam. Thứ tư, đóng góp và hỗ trợ Bộ TN&MT phát triển các bộ công cụ, hướng dẫn doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực đánh giá mức độ phát thải, rủi ro chuyển đổi và phát triển các lộ trình hướng tới nền kinh tế giảm phát thải khí nhà kính.