Ngọc Ánh ·
3 năm trước
 1391

VSEA ủng hộ kêu gọi ‘Giữ nhiên liệu hóa thạch dưới lòng đất’

Ngày 22/4, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã phát tuyên bố ủng hộ kêu gọi "Giữ nhiên liệu hóa thạch dưới lòng đất" của 101 nhà khoa học đoạt giải Nobel.

Theo đó, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) gồm các tổ chức và nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững. Với bản tuyên bố của VSEA, Liên minh này ủng hộ lời kêu gọi của 101 nhà khoa học đoạt giải Nobel trong các lĩnh vực hòa bình, văn học, y học, vật lý, hóa học và khoa học kinh tế gửi tới các nguyên thủ quốc gia nhân sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu và Ngày Trái Đất 2021.

Tuyên bố kêu gọi các quốc gia “giữ nhiên liệu hóa thạch dưới lòng đất” với ba hành động cụ thể:

Một là, chấm dứt mở rộng sản xuất dầu, khí đốt và than mới dựa trên cơ sở khoa học tốt nhất hiện có.

Hai là, loại bỏ dần các hoạt động sản xuất dầu, khí đốt và than hiện có một cách công bằng, xem xét tới trách nhiệm cũng như khả năng của từng quốc gia.

Ba là, đầu tư vào kế hoạch chuyển đổi để đảm bảo tiếp cận 100% năng lượng tái tạo trên toàn cầu, hỗ trợ các nền kinh tế đa dạng hóa nguồn năng lượng và thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các cộng đồng trên toàn thế giới có cuộc sống thịnh vượng thông qua quá trình chuyển dịch công bằng trên toàn cầu.

Tuyên bố chung nêu rõ, biến đổi khí hậu đang đe dọa hàng trăm triệu sinh mạng và sinh kế của người dân trên khắp các châu lục, và đang khiến hàng nghìn loài sinh vật gặp nguy hiểm. Cho đến nay, hoạt động đốt các nhiên liệu hóa thạch - than, dầu và khí đốt là nguyên nhân hàng đầu gây ra biến đổi khí hậu. 

Bởi theo các nhà khoa học, hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch đã gây ra gần 80% lượng khí thải CO2 kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. Không chỉ là nguồn phát thải hàng đầu, quá trình chiết xuất, tinh chế, vận chuyển và đốt nhiên liệu hóa thạch còn gây ra ô nhiễm cục bộ cùng các chi phí môi trường và sức khỏe. Những chi phí này đang là gánh nặng đối với người dân địa phương và các cộng đồng yếu thế. 

Đồng thời đây cũng chính là thách thức lớn của toàn cầu và Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu tác động lớn nhất. Mưa lũ ở miền Trung, hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc là chưa đủ để khái quát hết tác động của biến đổi khí hậu tới Việt Nam.

Ảnh minh họa

Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thể hiện khát vọng và nỗ lực của Việt Nam đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu. Các tổ chức và chuyên gia thành viên VSEA tin tưởng và kỳ vọng rằng, những bài học thành công của Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục được Đảng và Nhà nước chỉ đạo áp dụng trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, đi tiên phong trong chuyển dịch năng lượng sạch và phục hồi Xanh. 

Cuối cùng, bản tuyên bố kết luận:” Chúng tôi mong chờ kỳ vọng trên sẽ được hiện thực hóa ngay trong những chính sách về phát triển năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới đây như Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050”.

Trao đổi với báo chí, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chia sẻ: "Chuyển dịch sang năng lượng xanh là rất quan trọng và cần thiết vì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Hơn nữa, phát triển xanh là hướng đi thông minh cho Việt Nam, một quốc gia có tiềm năng năng lượng dồi dào, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Phát triển năng lượng tái tạo cũng là một hướng đi hợp lý để Việt Nam tránh phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu".

Theo Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, chuyển dịch năng lượng là cấp thiết ở Việt Nam, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và nhập khẩu nhiên liệu bên ngoài, đảm bảo một tương lai năng lượng tự chủ, độc lập, giữ gìn môi trường không khí, nguồn nước sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, quá trình chuyển dịch này còn giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm đáng kể phát thải khí nhà kính và nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Nguồn