Bích Ngọc ·
1 năm trước
 9032

Vụ buôn lậu 600 tấn quặng đồng của Công ty Ngọc Thiên và những hệ luỵ liên quan đến môi trường?

Vào năm 2020, vụ việc buôn lậu 600 tấn quặng đồng với giá trị chục tỷ đồng của công ty Ngọc Thiên bị phát giác ở Hải Phòng đã thu hút quan tâm của dư luận. 

Tại sao thủ đoạn của Công ty TNHH Ngọc Thiên không qua mắt được cơ quan chức năng?

Được biết, khoảng 14h, ngày 16/5/2020, tại bãi cảng của Công ty Hà Hưng Hải, phường Đông Hải 2, quận Hải An, Đội kiểm soát hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hải Phòng và Đoàn trinh sát số 1, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 1 đã phát hiện bắt giữ 30 container có chứa 600 tấn quặng đồng nguyên khai trị giá 10 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra container của Công ty TNHH Ngọc Thiên tại Hải Phòng

Theo hồ sơ hải quan, doanh nghiệp này khai báo 2 lô hàng đóng trong 30 container loại 20 feet là chì dạng thỏi, mới 100% do Ngọc Thiên tái chế từ ắc-quy chì đã qua sử dụng. Lô hàng đã được thông quan theo quy định vì được phân luồng vàng. Thế nhưng do đã nằm trong kế hoạch theo dõi trinh sát từ trước đó, qua khám xét, lực lượng chức năng đã phát hiện toàn bộ số hàng chứa trong 30 container không phải là chì dạng thỏi như khai báo mà nghi là quặng đồng vàng. Ước tính, khối lượng là hơn 600 tấn với trị giá hơn 10 tỷ đồng. Đây được xem là một trong những vụ bắt giữ khoáng sản nói chung, quặng đồng nguyên khai nói riêng lớn nhất ở địa bàn Hải Phòng những năm gần đây.

Theo tài liệu điều tra của cơ quan công an, toàn bộ số quặng này được khai thác tại một số mỏ quặng ở các tỉnh phía Bắc, vận chuyển về cảng Hải Phòng bằng các container để xếp lên tàu xuất khẩu ra nước ngoài. Cũng theo Cơ quan chức năng, nhiều năm trở lại đây, doanh nghiệp này đã từng nhiều lần làm thủ tục xuất khẩu mặt hàng chì dạng thỏi ra nước ngoài trước khi lô hàng bị bắt giữ.

Được biết, tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản 10742/TCHQ-ĐTCBL chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu quặng đồng, phế liệu đồng. Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Điều tra chống buôn lậu, các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ xử lý các vụ buôn lậu vận chuyển trái phép quặng đồng, phế liệu đồng qua biên giới. Cụ thể, chỉ đạo các đội kiểm soát hải quan tăng cường công tác thu thập thông tin tuần tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đối với mặt hàng phế liệu đồng, nguyên liệu đồng dạng thô chưa tái chế. Các chi cục hải quan cửa khẩu tăng cường thu thập thông tin, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động xuất khẩu mặt hàng trên để đảm bảo xuất khẩu đúng quy định của pháp luật. Tổng cục Hải quan cho biết, đây là hành động thiết thực nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu, không để tình trạng xuất lậu quặng đồng, phế liệu đồng làm ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước. Không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế quốc gia.

Những mối nguy hại tới môi trường?

Đồng là kim loại được sử dụng phổ biến trong cuộc sống của con người. Đồng thường tồn tại ở hóa trị II trong tự nhiên. Đồng có mặt trong nước do hoạt động khai thác lộ thiên ở mỏ đồng và do nước thải từ nhà máy tuyển đồng. Đối với con người, việc thừa đồng có thể gây nên bệnh tâm thần phân liệt, viêm khớp, ung thư…Hàm lượng đồng cao trong nước làm cho nước có váng màu xanh, vị tanh. Từ đó có thể thấy, khai thác và buôn bán vận chuyển trái phép làm ảnh hưởng rất lớn tới môi trường không chỉ ở ô nhiễm hóa học mà còn ô nhiễm vật lý.

Ô nhiễm hóa học là một trong những dạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguy hiểm và lâu dài. Sự ô nhiễm này có thể xảy ra trong nước mặt từ hệ thống thoát nước của khu vực mỏ, trong nước ngầm do quá trình thấm, trong không khí do sự phát thải khí thải và do đất đã bị ô nhiễm. Khi sự ô nhiễm hóa học có thể xuất phát từ các hóa chất được xử lý không hợp lý được sử dụng trong quá trình tuyển quặng thì hầu hết các chất ô nhiễm hóa học xuất phát từ quá trình oxy hóa của các quặng khoáng được khai thác.

Ô nhiễm vật lý dạng ô nhiễm môi trường này có thể xuất phát từ cả hai quá trình khai thác và tuyển khoáng. Các ảnh hưởng bất lợi của nó có thể do các chất rắn lơ lửng trong nước, bao phủ hệ sinh thái thủy vực bằng các lớp bùn phù sa, đất xói mòn, bụi trong không khí hay sự thoái hóa đất do thải các chất thải rắn trong mỏ không đúng quy cách.

Được biết, tiền thân của Ngọc Thiên Global là một làng nghề đúc chì và tái chế kim loại lâu đời, chuyên về buôn bán kim loại, xử lý chất thải nguy hại – tái chế kim loại màu như: chì, nhôm, đồng, kẽm. Hiện nay, nhà máy sản xuất, tái chế của Công ty TNHH Ngọc Thiên vẫn đang hoạt động tại Văn Lâm, Hưng Yên. Với việc Ngọc Thiên khai báo xuất khẩu chì thỏi nhưng thực tế toàn bộ container lại là quặng đồng đã đặt ra một câu hỏi lớn về hình thức kinh doanh mập mờ của doanh nghiệp, đồng thời những vấn đề môi trường xung quanh nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Ngọc Thiên phải chăng cũng cần được các cơ quan chức năng làm rõ?