Tiến Đạt ·
3 năm trước
 1592

Vụ khai thác đá bạc trái phép tại Hà Tĩnh: Hàng trăm khối đá tập kết tại Công ty Trung Hậu

Lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm khối đá bạc, được tập kết tại mỏ đá xây dựng khe Ngọ Su thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Trung Hậu.

Sau loạt bài phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường về tình trạng “khoáng  tặc” ngang nhiên “xẻ núi”, khai thác đá bạc (hay còn gọi đá thạch anh) trái phép trên địa bàn huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) có liên quan đến Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Trung Hậu, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin tại doanh nghiệp này.

Hơn 800 m3 đá bạc “sẵn sàng” đi tiêu thụ

Việc xẻ núi để khai thác đá bạc trái phép tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Sự việc này diễn ra trong thời gian dài nhưng không có sự can thiệp của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh. Được biết, sau khai thác, đá bạc được vận chuyển về bãi tập kết khu vực mỏ đá xây dựng khe Ngọ Su, phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh để xay thành phẩm rồi đưa ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Mỏ đá nói trên thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Trung Hậu.

Ngay sau đó, Tổ công tác liên ngành gồm Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (Công an tỉnh Hà Tĩnh), Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện Kỳ Anh, Công an thị xã Kỳ Anh cùng chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh.

Đá bạc được chế biến tại bãi tập kết thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Trung Hậu. Ảnh: Tiến Đạt.

Quá trình kiểm tra tại khu vực mỏ đá xây dựng khe Ngọ Su, thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Trung Hậu (phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh), lực lượng chức năng phát hiện tại bãi tập kết khoảng 860 m3 đá thạch anh. Trong đó, khoảng 800 m3 đã qua chế biến. Theo báo cáo của doanh nghiệp này, khối lượng đá thạch anh trên được công ty thu mua của các hộ dân, đơn vị trong khu vực và thu hồi trong quá trình khai thác đá xây dựng tại mỏ đá xây dựng Khe Ngọ Su của công ty.  

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện khoảng 400 m3 đá thạch anh không rõ nguồn gốc, trong đó có khoảng 100 m3 đã được chế biến, xay nhỏ tại khu vực mỏ đá xây dựng Khe Su thuộc phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, thuộc Công ty Cổ phần Khai Thác Vật liệu xây dựng 568. Doanh nghiệp này khai nhận số đá thạch anh này của một người đàn ông tên Tuấn (không rõ họ) mà chỉ biết địa chỉ ở Thừa Thiên Huế.

Đoàn xe chở đá thạch anh cho Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Trung Hậu đang trên đường đi tiêu thụ thì bị bắt. Ảnh: Tiến Đạt

Trước đó, ngày 5/3, Công an huyện Cẩm Xuyên đã bắt giữ 4 xe tải chở theo hàng trăm tấn đá thạch anh không rõ nguồn gốc. Bước đầu lực lượng chức năng đã xác định số đá trên là khoáng sản thạch anh do Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Trung Hậu đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.

Điểm đến của đá bạc "lậu" là Công ty Trung Hậu?

Để xác minh các đồi núi bị “xẻ thịt” như Tạp chí Kinh tế Môi trường đã phản ánh, Tổ công tác liên ngành đã đi thực tế hiện trường, phát hiện 4 khu vực có dấu hiệu khai thác đá thạch anh trái phép.

Cụ thể, khu vực đồi Ruộng Trằng, thôn Xuân Tiến, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh có diện tích đã bị “khoáng tặc” khai đào khoảng 2.000 m2. Chủ sử dụng đất khai nhận trong quá trình cải tạo vườn đồi sau thu hoạch cây tràm có lọc ra các tảng, cục đá bạc (thạch anh) và cung cấp cho Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Trung Hậu.

Khu vực đồi Ruộng Trằng, thôn Xuân Tiến, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, bị "xẻ thịt". Ảnh: Tiến Đạt

Tại khu vực Khe Lá Dong, thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh có dấu hiệu khai đào, thu gom đá thạch anh nổi trên bề mặt, khối lượng đã gom lại trong khu vực khoảng 60 m3; theo báo cáo của chủ sử dụng đất, khối lượng đá đã thu gom được trong quá trình cải tạo vườn tràm sau thu hoạch, tuy nhiên chưa vận chuyển ra ngoài.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện khu vực lô tràm thuộc xóm 2, xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, bị “khoáng tặc” khai đào khoảng 2.400 m2. Khu vực đồi tràm thuộc thôn Trường Xuân, xã Lâm Hợp. Diện tích đồi núi bị cày xới, cải tạo khoảng 280 m2.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Trung Hậu có địa chỉ tại tổ dân phố 3, phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh, do ông Nguyễn Hữu Hùng là người đại diện pháp luật, ông Phan Xuân Hồng là Phó giám đốc công ty. Thời gian qua, doanh nghiệp này chủ yếu thu gom đá thạch anh, rồi chế biến, đưa ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.

Đá bạc được khai thác trái phép tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh. Ảnh: Tiến Đạt.

Nhiều ngọn đồi bị “xẻ thịt”, tài nguyên khoáng sản quốc gia bị lấy cắp diễn ra thời gian dài. Đáng nói, việc thu mua, chế biến thành phẩm rồi đưa đi tiêu thụ nhằm trục lợi trái phép của một số cá nhân, doanh nghiệp đã cho thấy sự quản lý thiếu chặt chẽ của chính quyền địa phương hay lực lượng chức năng.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện khẳng định, khai thác khoáng sản trái phép là hành vi trái pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước.

“Điều này chứng tỏ sự buông lỏng quản lý của địa phương. Nếu địa phương không quản lý tốt thì đã không có những doanh nghiệp khai thác trái phép kéo dài như vậy. Trường hợp doanh nghiệp khai thác trái phép tại địa phương nhưng không bị xử lý thì phải xem có "lợi ích nhóm" ở đây hay không?", ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi. 

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn