WB đang hoàn thiện kế hoạch hành động 5 năm mới về chống biến đổi khí hậu trước sức ép ngày càng tăng nhằm chấm dứt việc cấp vốn cho các dự án nhiên liệu hóa thạch phát thải cao.
Hãng Reuters đưa tin chính sách sửa đổi của Ngân hàng Thế giới (WB) về các cam kết chống biến đổi khí hậu nhằm đưa ra các quyết định tài chính phù hợp với nỗ lực hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu vẫn chưa cho thấy cam kết thể chế tài chính sẽ ngừng cấp vốn cho nhiên liệu hóa thạch.
WB, tổ chức cung cấp tài chính lớn nhất về vấn đề khí hậu cho các nước đang phát triển, đang hoàn thiện kế hoạch hành động 5 năm mới về chống biến đổi khí hậu trước sức ép ngày càng tăng từ Anh, Mỹ và các quốc gia khác nhằm chấm dứt việc cấp vốn cho các dự án nhiên liệu hóa thạch phát thải cao.
Ngược với chính sách dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ, cổ đông lớn nhất của WB, đang soạn thảo các kế hoạch dưới thời Tổng thống Joe Biden nhằm chấm dứt chương trình cấp vốn của Mỹ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch quốc tế.
Một bản thuyết trình nội bộ phác thảo kế hoạch khí hậu mới của WB, dự kiến được hội đồng quản trị ngân hàng này thảo luận trong ngày 1/4, cam kết điều chỉnh dòng vốn của tổ chức này phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào tháng 7/2023.
Theo bản thuyết trình, hai tổ chức trực thuộc WB là Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA), sẽ điều chỉnh 85% nguồn tài chính trực tiếp của các công ty này phù hợp với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào tháng 7/2023 và 100% vào tháng 7/2025.
Nicholas Stern, cựu chuyên gia kinh tế tại WB và hiện là giáo sư tại Trường Kinh tế London, đánh giá kế hoạch mới của WB là "khá tham vọng" và đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với các chính sách trước đây của ngân hàng này.
Tuy nhiên, các nhà vận động vì môi trường phàn nàn rằng bài thuyết trình đã gây thất vọng và không xác định được ý nghĩa của việc phù hợp với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, qua đó làm tăng nguy cơ cam kết của WB sẽ mang lại ít thay đổi trong thực tế, bao gồm cả cách tiếp cận của ngân hàng này đối với nhiên liệu hóa thạch.
Hồi tháng Hai, các thành viên châu Âu trong hội đồng quản trị của WB đã thúc giục ban lãnh đạo ngân hàng này sử dụng kế hoạch khí hậu mới để tạm dừng tất cả các khoản đầu tư vào các dự án liên quan đến dầu và than, đồng thời loại bỏ dần đầu tư vào các dự án khí đốt tự nhiên. Song, bản thuyết trình mới không bao gồm các cam kết này.
Được gần 200 quốc gia thông qua vào năm 2015, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cam kết giữ cho mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới 2 độ C và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng ở mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các nhà khoa học cho biết việc đạt được mục tiêu 1,5 độ C, nhằm ngăn chặn các tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, sẽ đòi hỏi các nước trên thế giới giảm lượng phát thải giảm xuống 0 vào năm 2050.
Để đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các khoản đầu tư trị giá hàng nghìn tỉ USD cần nhanh chóng chuyển khỏi các dự án đốt nhiên liệu hóa thạch để sản xuất năng lượng và mở rộng năng lượng tái tạo cùng với công nghệ sản xuất và vận chuyển phát thải thấp.