Thuỳ Linh ·
3 năm trước
 1201

Xâm nhập mặn tại khu vực Nam Bộ sẽ tăng cao trong đầu tháng 4

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xu thế xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2020-2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định nắng nóng tiếp tục diễn ra diện rộng tại các khu vực trên cả nước, có nơi nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ trên 40 độ C.

Từ ngày 1-10/4, ở thượng nguồn sông Mê Kông và khu vực Nam Bộ ban ngày nắng nóng gay gắt, phổ biến có mưa cục bộ vào chiều tối, Riêng từ ngày 1-2/4, có khả năng xuất hiện mưa rào và dông rải rác vào chiều tối, lượng mưa phổ biến 5-15 mm, có nơi cao hơn.

Nhiệt độ cao nhất tại khu vực Nam Bộ được dự báo phổ biến từ 32-35 độ C. Nhiệt độ thấp nhất ban đêm dao động chủ yếu từ 23-26 độ.

Trong tuần tới, mực nước ở thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục biến đổi chậm. Mực nước tại trạm Kratie (Campuchia) ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,45-0,55 m và ở mức cao hơn mức cao hơn cùng kỳ năm 2020 từ 0,1-0,15 m.

Trong những ngày đầu tháng 4, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu sẽ xuống theo triều, sau đó biến đổi chậm. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,30 m, tại Châu Đốc 1,40 m, cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,1-0,15 m.

Dự báo xu thế xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ, sông Cửu Long dao động ở mức cao đến ngày 2/4, sau có xu thế giảm dần và tăng lại vào ngày 9-10/4. Riêng sông Cái Lớn xâm nhập mặn duy trì ở mức cao đến ngày 6/4. Độ mặn cao nhất tại các trạm trong thời kỳ này ở mức tương đương và cao hơn so với độ mặn cao nhất trong tuần từ ngày 21-31/3.

Do đó, trong đợt mặn từ 1-6/4/2021, các địa phương cần hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn; các địa phương chủ động các biện pháp trữ nước và cấp nước phục vụ sinh hoạt trong thời kỳ này.

Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cấp 1-2.

 

Xâm nhập mặn dự báo sẽ diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL trong mùa khô 2021. (Ảnh minh họa)

 

 

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xu thế xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2020-2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020; sang tháng 4 xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao; xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ tiếp tục tăng cao trong các đợt từ 11-14/4, 24-30/4, trên sông Cái Lớn tăng cao từ 15-24/4, sau giảm dần.

Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương vùng đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Theo ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa tiếp tục kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (như tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập ) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn

Chủ động ứng phó

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt tại ĐBSCL.

Công điện nêu, do ảnh hưởng của thời tiết và dòng chảy từ thượng nguồn, cùng với tác động của thủy triều, những tháng đầu năm 2021 tại vùng ĐBSCL, nhất là khu vực ven biển, đã xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cục bộ, giá nước ngọt tăng cao, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân.

Vì vậy, để chủ động ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt xảy ra cục bộ, ổn định sản xuất và đời sống của người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở ĐBSCL, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo theo dõi, dự báo, cung cấp bản tin về tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước thượng nguồn về ĐBSCL, diễn biến xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và địa phương để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn; tổ chức thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên (Bộ KH&CN) cho biết, hạn hán, xâm nhiễm mặn ở ĐBSCL là một thách thức lớn. Với diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu và việc khai thác nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông sẽ tác động nhiều đến tài nguyên nước của ĐBSCL.

Ông cũng chia sẻ thêm, cần nhấn mạnh đến công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, công nghệ dự báo giám sát nguồn nước, xâm nhập mặn ĐBSCL. Đồng thời phải đề ra các giải pháp công nghệ và cơ chế chính sách trong ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn (chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy trình và thời gian canh tác...).

Theo Kinh tế Môi trường