Tạ Nhị ·
2 năm trước
 4690

Xây dựng chiến lược, quy hoạch phải gắn liền với đánh giá môi trường chiến lược?

Việc lồng ghép các mục tiêu môi trường vào quá trình xây dựng Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch sẽ giúp cho việc thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường được thuận lợi hơn.

Theo Nghị định 29/2011/NĐ-CP quy định về ĐMC, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cam kết bảo vệ môi trường (CKBVMT), các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm trở lên phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) chi tiết hoặc rút gọn dưới hình thức lồng ghép trong báo cáo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hoặc báo cáo riêng.

Đối với kế hoạch 5 năm được xây dựng phù hợp với quy hoạch của ngành, lĩnh vực đã được thẩm định báo cáo ĐMC không bắt buộc thực hiện ĐMC.

Theo Nghị định này, ĐMC phải được thực hiện đồng thời với quá trình lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và kết quả ĐMC phải được tích hợp vào văn bản chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Việc ĐMC phải đánh giá tác động đến các vấn đề môi trường chính trong trường hợp thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; đồng thời đề xuất điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường...

Xây dựng Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch phải gắn liền với các mục tiêu môi trường. (Ảnh: Phạm Hùng).

Chủ dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường

Nghị định quy định cụ thể danh mục các dự án phải lập báo cáo ĐTM. Trong đó có nhóm các dự án về xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng; về giao thông; năng lượng, phóng xạ; điện tử, viễn thông; một số dự án liên quan đến thủy lợi, sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp; thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; dầu khí; xử lý chất thải...

Chủ dự án có trách nhiệm lập hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện lập báo cáo ĐTM cho dự án đầu tư của mình.

Báo cáo ĐTM phải liệt kê, mô tả chi tiết các hoạt động, hạng mục công trình của dự án có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường kèm theo quy mô về không gian, thời gian, khối lượng thi công, công nghệ vận hành của từng hạng mục công trình và của cả dự án. Đồng thời, đánh giá chung về hiện trạng môi trường nơi thực hiện dự án và vùng kế cận; mức độ nhạy cảm của môi trường; đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến các điều kiện tự nhiên, thành phần môi trường tự nhiên, sức khỏe cộng đồng và các yếu tố kinh tế - xã hội có liên quan...

Hoạt động sản xuất phát sinh chất thải phải cam kết bảo vệ môi trường

Các dự án đầu tư có tính chất, quy mô, công suất không thuộc danh mục hoặc dưới mức quy định tại danh mục các dự án phải lập báo cáo ĐTM thì phải lập, đăng ký bản CKBVMT. Ngoài ra, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư nhưng có phát sinh chất thải sản xuất cũng phải cam kết bảo vệ môi trường.

Nội dung bản CKBVMT phải nêu rõ các loại chất thải phát sinh (tải lượng tối đa, nồng độ tối đa của từng loại chất thải, nếu có) và cam kết thực hiện các biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải...

Chủ dự án phải tổ chức thực hiện các biện pháp giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường trong bản CKBVMT đã được đăng ký.

Như vậy, quá trình xây dựng Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch được thực hiện cùng ĐMC và có thể củng cố cho nhau trong khuôn khổ một hệ thống lập kế hoạch vì sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, ĐMC có thể thực hiện một cách linh hoạt nhằm đáp ứng các yêu cầu khác nhau của CQK.