TM ·
2 năm trước
 2555

Xe ô tô bị nổ lốp khi di chuyển trên cao tốc cần xử lý như thế nào?

Việc xe ô tô bị nổ lốp khi di chuyển trên đường cao tốc là việc khó tránh khỏi, khiến người điều khiển xe gặp nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy các tài xế cần nắm chắc quy trình xử lý, đúng kỹ thuật, tránh bị động trong mọi trường hợp.

Vụ tai nạn ô tô do nổ lốp, xe tông vào dải phân cách rồi lật ngang xảy ra vào sáng nay 29/3 trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, khiến một lãnh đạo TP.HCM tử vong, người dân cả nước hết sức bàng hoàng, thương tiếc.

Sau sự việc, trên một số diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm lái xe, nhiều người đã chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng khi gặp phải tình huống tương tự.

Cách xử lý khi ô tô bị nổ lốp

Khi nghe tiếng xe nổ lốp và xe bắt đầu chao đảo, hầu hết tài xế sẽ cảm thấy hoảng hốt và lo sợ, rồi thường lập tức có phản xạ đạp phanh, hoặc đánh lái về phía ngược lại với hướng xe đang bị nghiêng. Tuy nhiên, việc này vô tình sẽ khiến cho tình trạng mất cân bằng của xe trở nên trầm trọng hơn, dẫn tới tình huống lật xe hoặc mất lái.

Trong trường hợp này, lời khuyên dành cho tài xế là cố gắng không đạp phanh, lúc này hãy giữ thẳng và chặt vô-lăng để các hệ thống an toàn trên xe như cân bằng điện tử ESP, phân phối lực phanh điện tử EBD can thiệp và xử lý. Nếu bạn cố thao tác thêm một số động tác khác sẽ khiến bộ điều khiển trung tâm ECU khó xử lý tình huống.

Sau khi cố giữ ổn định xe, hãy tiếp tục giảm tốc độ và hướng xe vào địa điểm được xác định là an toàn (thường là lề đường) để kiểm tra tình trạng lốp xe. Để đảm bảo an toàn, hãy bật tín hiệu xin đường hoặc sử dụng tới hệ thống đèn pha nhấp nháy khi trời quá tối hoặc thiếu sáng.

Đối với trường hợp lỗ thủng nghiêm trọng không thể di chuyển, tài xế chỉ còn cách dừng hẳn xe ở một vị trí trên đường, đồng thời tạo vật ra hiệu (nhánh cây bên đường chẳng hạn) để cảnh báo tới các phương tiện khác.

Đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân khiến ô tô hay nổ lốp trên các đường cao tốc tại Việt Nam chính là do tài xế chưa đánh giá đúng tầm quan trọng và chưa hình thành thói quen chăm sóc lốp xe ô tô như ở các nước phát triển.

Lốp non hơi hoặc quá căng: Khi bị thiếu hơi, lốp xe sẽ phải chịu áp lực lớn hơn. Bên cạnh đó, bề mặt tiếp xúc của lốp với mặt đường lớn hơn, khiến lốp sinh nhiệt cao, cộng thêm ma sát với mặt đường sẽ dẫn tới tình trạng quá nhiệt và nổ.

Ngược lại, nếu lốp quá căng cũng dễ bị nổ, nhất là khi bị có va đập đột ngột, như khi xe đi trên đường xóc, sa "ổ gà"...

Bị vật sắc nhọn đâm, va đập đột ngột: Nguyên nhân nổ lốp thường gặp nhất là bị các vật sắc nhọn như đinh, đá, miếng kim loại… đâm vào. Việc này có thể chỉ khiến lốp xe bị thủng nhưng cũng có thể dẫn tới nổ lốp, đặc biệt là khi xe đang chạy tốc độ cao.

Tình huống lốp bị va đập đột ngột, đập mạnh vào "ổ gà" hay các gờ sắc nhọn cũng dễ xảy ra khi xe đang chạy tốc độ cao.

Xe ô tô bị nổ lốp khi di chuyển trên cao tốc cần xử lý như thế nào? - Ảnh 1
Chiếc xe chở Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình bị nổ lốp khi đang chạy trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vào sáng 29/3.

Lốp cũ, bị mòn nhiều: Thời gian sử dụng trung bình của lốp ô tô là 5 năm kể từ ngày sản xuất, tương đương 50.000km. Nếu xe đi ít, sau 5 năm lốp chưa mòn nhiều, vẫn dùng được thì chủ xe nên kiểm tra lốp tối thiểu mỗi năm một lần và thời gian sử dụng không nên quá 10 năm. Thời gian sản xuất có ở trên thành lốp.

Lốp ô tô quá cũ hoặc bị mòn nhiều thường có bề mặt rạn nứt, sợi cao su/sợi bố có dấu hiệu bị tách ra, vỏ lốp mỏng hơn, khả năng chịu áp lực giảm.

Trên lốp xuất hiện những chỗ phồng, bị bong tróc, hay có các vết cắt, nứt... cũng là những dấu hiệu không nên bỏ qua, để phòng nguy cơ nổ lốp xe khi đang chạy trên đường.

Dùng lốp không đúng thiết kế: Đây là lý do ít được nhắc đến nhưng cũng khá phổ biến. Các chủ xe thể thao thường thích thay bộ mâm nguyên bản của nhà sản xuất bằng loại có kích thước lớn hơn, đồng nghĩa với việc phải dùng bộ lốp có thành mỏng hơn. Khi va vào các gờ nhỏ hoặc cạnh đá sắc bén, sa ổ gà khi xe đang chạy tốc độ cao, loại lốp thành mỏng rất dễ bị nổ.

Chở quá tải trọng: Việc này nguy hiểm tương tự dùng lốp thành quá mỏng, vì cả lốp và xe ô tô đều được thiết kế với khả năng chịu tải nhất định. Nếu xe chở quá tải trọng, lốp sẽ phải chịu áp lực cao, dễ phát nổ.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác, như xe ôm cua gấp khi đang chạy tốc độ cao, khiến lốp bị bẻ ngang và chịu tải đè nặng, hoặc chất lượng mặt đường kém, độ nhám cao, tạo ma sát, sinh nhiệt lớn.

Cách phòng tránh nguy cơ nổ lốp khi xe đang chạy

Kiểm tra lốp định kỳ, bơm lốp đúng áp suất tiêu chuẩn: Việc kiểm tra, bảo dưỡng, đảo lốp định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm và loại bỏ các yếu tố dẫn tới nguy cơ nổ lốp. Ngoài ra, việc thường xuyên theo dõi áp suất lốp sẽ giúp ích. Việc sử dụng lốp đã bị đinh đâm nhiều lần cũng tiềm ẩn nguy cơ cao.

Bơm lốp bằng khí nitơ: Khí nitơ có ưu điểm là khả năng truyền dẫn tiếng ồn thấp hơn nên tạo độ êm ái cho xe, giảm sinh nhiệt ở lốp khi chạy tốc độ cao. Đó là lý do vì sao một số chuyên gia khuyên chọn bơm lốp bằng nitơ, nhất là với các xe thường xuyên chạy trên đường cao tốc.

Sử dụng lốp không săm: Lốp không săm thường ít bị nổ lốp hơn lốp thường, vì khi bị chém, cắt, hay va đập đột ngột, loại lốp này thường sẽ xuống hơi từ từ.

Nói "Không" với lốp tân trang: Nhằm kiếm lợi, nhiều đốamnhr i tượng tiến hành tái chế, tân trang lốp ô tô cũ bằng cách đắp thêm cao su hoặc khoét rãnh vân hoa (cắt gai) rồi đánh bóng, sơn đen để bán ra thị trường. Vì sự an toàn của bản thân, chủ xe nên tránh xa loại lốp này. Khi thay lốp, hãy kiểm tra kỹ thời gian sản xuất ở trên thành lốp để không dính phải lốp tân trang ép số.

Tại Việt Nam, Điểm p, Khoản 5, Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không thắt dây an toàn khi điều khiển xe ô tô trên đường.

Trong khi đó, việc xử phạt hành chính đối với việc người ngồi hàng ghế sau không cài dây an toàn đã được áp dụng từ ngày 1/1/2018.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt từ 300.000 - 500.000 đồng đối với người được chở trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy trên đường; và mức phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.

Hà Lan

Nguồn: Kinh tế Môi trường