Ngày 30/5, Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ cho biết đã lập biên bản và báo cáo toàn bộ vụ việc phá rừng trái phép, chiếm đất rừng phòng hộ trên lâm phận của Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh (thuộc xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi).
Khu vực rừng và đất rừng phòng hộ bị san ủi để làm đường.
Theo Hạt kiểm lâm huyện Ba Tơ, vụ việc được phát hiện vào ngày 18/5. Tổng diện tích rừng bị phá trái pháp luật, đất rừng phòng hộ bị chiếm trên lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ là gần 4.900 m2. Cây rừng bị cưa hạ nằm ngổn ngang, diện tích đất không có rừng quy hoạch chức năng phòng hộ bị đào bới, san ủi để làm đường.
Rừng phòng hộ bị "xẻ thịt"
Dự án thủy điện Nước Long có công suất 26 MW, nằm trên địa phận xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, Kon Tum và xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi. Dự án có diện tích hơn 18 ha, trong đó tỉnh Kon Tum hơn 7,5 ha, tỉnh Quảng Ngãi hơn 10,5 ha.
Năm 2016, Dự án thủy điện Đức Long do Công ty cổ phần thủy điện Pờ Ê nghiên cứu khảo sát, làm chủ đầu tư và được các cấp ngành đánh giá là hiệu quả cao vì không ảnh hưởng đến rừng phòng hộ và không di dân. Đến tháng 9/2017, dự án được chuyển từ Công ty cổ phần thủy điện Pờ Ê sang Công ty cổ phần thủy điện Nước Long - Đức Bảo làm chủ đầu tư và triển khai thi công dự án.
Chưa hoàn tất các thủ tục để được cấp phép nhưng chủ đầu tư dự án thủy điện đã làm đường công vụ trong khu vực rừng phòng hộ.
Theo phản ánh của báo chí, tại hiện trường, tuyến đường dài chừng 700 m, điểm đầu giao với quốc lộ 14 (đoạn đèo Violac, giáp ranh hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi), điểm cuối là một con suối, nhiều cây cối bị cưa đổ, lấp dưới đất đá, rừng bị "xẻ thịt", tan hoang. Diện tích rừng bị chặt phá phần lớn thuộc rừng phòng hộ xã Ba Ngạc, số ít thuộc phần đất rừng của tỉnh Kon Tum.
Hai bên đường, những trụ điện được đơn vị thi công dựng lên, sẵn sàng phục vụ thi công hạng mục hầm dẫn nước phục vụ dự án thủy điện Nước Long. Hệ thống điện dẫn vào nơi thi công hầm thu nước của dự án đã cơ bản hoàn thành.
Nhiều cây gỗ lớn trong khu vực rừng phòng hộ bị chặt để làm đường.
Báo cáo của đơn vị này cũng nêu rõ, tại hiện trường vụ việc, ông Phạm Đức Bình- nhân viên văn phòng, Đại diện cho Công ty Cổ phần xây lắp điện Đức Bảo - Kon Tum thừa nhận: Diện tích nêu trên là do đơn vị chỉ đạo thi công tuyến đường công vụ vào hầm bổ sung nước 2 của dự án thủy điện Nước Long. Quá trình thi công dự án thủy điện Nước Long, đơn vị chưa thực hiện trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng theo quy định của pháp luật.
Theo ông Phạm Xuân Vinh, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, các hợp phần của dự án thủy điện Nước Long nằm trên địa bàn xã Ba Tiêu và Ba Ngạc. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, cho chủ đầu tư dự án thuê đất tại địa bàn xã Ba Tiêu. Riêng phần diện tích thuộc đất rừng phòng hộ xã Ba Ngạc chưa hoàn tất các thủ tục liên quan.
Quảng Ngãi có tổng diện tích đất rừng trên 332.000 ha, chiếm hơn 64% diện tích tự nhiên. Trong đó, rừng phòng hộ trên 113.700 ha, rừng sản xuất trên 142.800 ha và rừng ngoài quy hoạch trên 75.600 ha. Tỉ lệ độ che phủ đạt 50,23%. Năm 2020, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 248 vụ vi phạm lâm luật, trong đó, xử lý hành chính 245 vụ, xử lý hình sự 3 vụ. Diện tích rừng bị thiệt hại trên 16 ha. Thu giữ 5 xe ô tô, 19 xe máy, trên 320 mét khối gỗ các loại. |
Quảng Ngãi với nhiều dự án thủy điện phải chặt hạ rừng
Vào năm 2018, Dự án thủy điện Sơn Trà 1 cũng bị phản ánh là tự ý chặt phá cây trồng trên đất rừng của nhiều hộ dân ở xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.
Đáng quan tâm, khi vụ việc chưa được xử lý dứt điểm thì lãnh đạo UBND xã Sơn Lập thông tin cho biết, phía chủ đầu tư Dự án thủy điện Sơn Trà 1 lại tiếp tục chặt phá trái phép nhiều diện tích cây rừng, chủ yếu là cây keo của người dân dọc theo đường dây 110 KV của nhà máy thủy điện Sơn Trà 1.
Hay như Công trình thủy điện Đăk Re (huyện Ba Tơ) do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân làm chủ đầu tư. Năm 2016, một số vị trí của dự án này bị UBND tỉnh Quảng Ngãi ra lệnh tạm dừng thi công do phá rừng phòng hộ để mở đường và san lấp mặt bằng ngoài dự án. Công ty này được cấp phép xây dựng Công trình thủy điện Đắc Re, nhưng chưa được phép chuyển đổi các diện tích rừng phòng hộ, rừng tự nhiên để làm các công trình phụ trợ, thế nhưng chủ đầu tư đã đưa máy móc đến “trảm” rừng với diện tích lên đến 176 ha.
Nghiêm trọng hơn, chủ đầu tư còn thi công thêm một tuyến đường mới (không có trong hồ sơ thiết kế) đi qua rừng phòng hộ thuộc dự án JICA 2, thực chất là phá lấy gỗ, nên đã gây tác hại lớn đến khu rừng phòng hộ. Trong khi thi công, toàn bộ số cây gỗ tự nhiên, cây trồng rừng và đất đá đều được san ủi xuống taluy âm, ảnh hưởng lớn đến diện tích đất rừng và cây cối chung quanh, làm thay đổi dòng chảy và nguồn nước của suối Cà Len bị ô nhiễm.
"Mặt trái của thủy điện là sự lạm dụng trong việc xây dựng các nhà máy thủy điện, lựa chọn địa điểm, quy trình, quy phạm kỹ thuật. Nói đến thủy điện, các nhà chuyên môn phải nghĩ đến thủy công, thủy lực, tổ chức dòng chảy, phân nước để tránh thiệt hại cho nhân dân. Nhưng đáng tiếc một số chủ nhà máy thủy điện đã lạm dụng quy trình đấy để trục lợi thông qua phá rừng, nhằm lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên, đó là điều đáng lên án", Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nhận định. |
Thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam