TM ·
2 năm trước
 5642

Xử lý nước thải tập trung cần sự quan tâm từ nhiều phía

Ô nhiễm nguồn nước và hệ thống xử lý nước thải đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết. Chính phủ Việt Nam đã ban hành và áp dụng nhiều chính sách hoàn thiện hơn khuôn khổ pháp lý cho các vấn đề quản lý và xử lý nước thải, cải thiện vệ sinh môi trường.

Môi trường nước ta đang chịu áp lực lớn từ các nguồn xả thải gia tăng nhanh về số lượng, quy mô và mức độ tác động. Nước thải sinh hoạt chưa được xử lý, xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và các vùng lân cận.

Cả nước hiện có 49 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1.181.380 m3/ngày đêm; hệ thống thoát nước trên toàn quốc đạt 60% nhưng tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị còn rất thấp, mới chỉ đạt khoảng 15%. Trong đó, ở nông thôn, hầu hết các khu dân cư chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về thoát nước và xử lý nước thải

Từ hơn 20 năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và áp dụng nhiều chính sách hoàn thiện hơn khung khổ pháp lý cho các vấn đề quản lý và xử lý nước thải, cũng như đầu tư cải thiện vệ sinh môi trường. Kể từ khi ban hành tiêu chuẩn đầu tiên (TCVN 5945:1995) vào năm 1995, các quy định về chất lượng nước thải sau xử lý đã nhiều lần thay đổi cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.

Trong đó, Nghị định 88/2007/NĐ-Cp ban hành ngày 28/5/2007 là cột mốc quan trọng đối với hoạt động quản lý nước thải đô thị và khu công nghiệp. Nghị định đã khắc phục nhiều vấn đề cản trở sự phát triển hiệu quả của lĩnh vực này.

Xử lý nước thải tập trung cần sự quan tâm từ nhiều phía - Ảnh 1
Xử lý nước thải tập trung là một trong những vấn đề cấp bách của đất nước. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó phải kể đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao với những quy định về hệ thống thu gom, xử lý nước thải và quan trắc nước thải tự động của khu công nghiệp trước khi đi vào hoạt động.

Cũng phải kể đến Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27/12/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh lực hạ tầng kỹ thuật trong Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 về Thoát nước và xử lý nước thải đã được hợp nhất và có hiệu lực từ ngày 15/2/2010. Nghị định quy định về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu dân cư nông thôn tập trung; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong đó có các quy định cụ thể về Đầu tư phát triển hệ thống thoát nước; Quản lý, vận hành hệ thống thoát nước; Đấu nối hệ thống thoát nước; Giá dịch vụ thoát nước; Trách nhiệm quản lý nhà nước về thoát nước và xử lý nước thải…

Xử lý nước thải tập trung cần sự quan tâm từ nhiều phía - Ảnh 2
Luật Bảo vệ môi trường. (Ảnh: Nhà xuất bản chính trị quốc gia)

Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã quy định một số chính sách cụ thể về xử lý nước thải sinh hoạt trong các đô thị và khu vực dân cư tập trung.

Trong đó, khoản 1 Điều 100 Luật Bảo vệ môi trường quy định đô thị, khu dân cư tập trung phải có hệ thống thu gom riêng nước mưa và nước thải; khoản 2 Điều 147 của Luật cũng quy định chi cho các dự án xây dựng, cải tạo công trình xử lý chất thải là một nội dung của chi đầu tư phát triển bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 về quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; trong đó có những điểm mới về đối tượng chịu phí cũng như mức phí. Trong đó, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải theo quy định đi kèm là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Trường hợp các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung và trả tiền dịch vụ xử lý nước thải cho đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo cơ chế giá dịch vụ thì đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định.

Giải pháp từ hệ thống nhà máy xử lý nước thải

Xử lý nước thải tập trung cần sự quan tâm từ nhiều phía - Ảnh 3
Bộ trưởng Trần Hồng Hà. (Ảnh: Vietnam Net)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian tới cần có phương án thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung; đặc biệt là cơ chế đầu tư theo phương phức đối tác công tư để huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.

Theo đó, các địa phương cần ban hành lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trong trường hợp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

Các địa phương cần sớm ban hành lộ trình và chính sách hỗ trợ để tổ chức, hộ gia đình trong đô thị, khu dân cư tập trung xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận (trong trường hợp không bố trí được quỹ đất xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu đô thị, khu dân cư đã hình thành trước đây).

Xử lý nước thải tập trung cần sự quan tâm từ nhiều phía - Ảnh 4
Cần nhiều hơn công trình thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, các địa phương sớm ban hành lộ trình thực hiện và chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình tại các khu dân cư không tập trung theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sớm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xả chất thải trực tiếp ra sông; kiên quyết không cấp phép cho các dự án có xả nước thải ra môi trường mà nước thải không đạt tiêu chuẩn ở mức cao nhất và sẵn sàng đề nghị xử lý nghiêm.

Về lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch; từ đó thực hiện việc tách nước thải để xử lý tập trung, giảm thiểu ô nhiễm.

Tại Việt Nam, sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế – xã hội đã kéo theo sự gia tăng các vấn nạn ô nhiễm môi trường, rác thải, nguồn nước, không khí… đồng thời đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho công tác bảo vệ, xử lý, khắc phục các vấn đề này. Các Báo cáo Môi trường quốc gia của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) giai đoạn từ năm 2013 đến nay đều đề cập đến các nguồn phát thải nước thải chủ yếu từ sinh hoạt, công nghiệp, y tế và cơ sở dịch vụ, làng nghề, chăn nuôi… Trong khi đó, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa thường chú trọng vào các công trình đem lại lợi ích kinh tế, còn các công trình xã hội dù vẫn được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được công suất yêu cầu, chưa phù hợp với tốc độ phát triển và chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Nguyễn Linh

Nguồn: Kinh tế Môi trường