Song Vũ ·
46 tuần trước
 8055

Xử phạt một doanh nghiệp không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định

Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng (Bắc Giang) vừa có quyết định xử phạt hành chính Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Bắc Hải Hưng về hành vi không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định.

Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Bắc Hải Hưng có địa chỉ trụ sở chính tại thôn Bắc Đẩu, xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương; địa chỉ sản xuất kinh doanh tại thôn Liên Sơn, xã Lão Hộ, huyện Yên Dũng. Người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Khắc Quân, sinh năm 1993, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty.

Trước đó, ngày 20/12/2023, tổ công tác thuộc huyện Yên Dũng phát hiện Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Bắc Hải Hưng để 12 thùng nhựa và kim loại chứa dầu thải (được đơn vị có chức năng xác định là chất thải nguy hại dạng lỏng) cạnh bãi tập kết than, trong khu vực sản xuất của Công ty mà không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Ảnh minh họa

Ngày 2/1/2024, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng đã ban hành Quyết định xử phạt Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Bắc Hải Hưng 30 triệu đồng về hành vi nêu trên. Đồng thời, buộc doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định.

Thời hạn khắc phục hậu quả là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Mọi chi phí tổ chức trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; chi phí thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do doanh nghiệp chi trả.

Theo khoản 2 Điều 56 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Căn cứ khoản 3 Điều 6 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt như sau:

Mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ Điều 56 đến Điều 67 của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường với mức phạt tiền tối đa là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và tối đa 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

Do chủ nguồn thải chất thải nguy hại không thu gom, lưu giữ chất thải theo quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 20.000.000 đồng đối với cá nhân, và cao nhất là 40.000.000 đồng đối với tổ chức nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt chủ nguồn thải chất thải nguy hại này.

Theo Song Vũ/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7264876710238689