Bích Ngọc ·
51 tuần trước
 9986

Xuất khẩu tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) được dự báo thế nào trong quý 4/2023?

Dự kiến trong quý 4/2023 xuất khẩu tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) tiếp tục duy trì ở mức cao nhờ việc đẩy mạnh xâm nhập thị trường ngách ASEAN và thị trường Bắc Mỹ dựa trên lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn.

HSG đã qua đáy của chu kỳ thép

Theo BSC Equity Research đánh giá, trong năm 2023 nhu cầu tiêu thụ tôn mạ tại thị trường trong nước đã tạo đáy với việc sản lượng tiêu thụ nội địa toàn ngành thép Việt Nam trong quý 3/2023 đã tăng 1% so với quý 2 năm 2023 mặc dù quý 3 thường là mùa thấp điểm do hoạt động xây dựng bị đình trệ bởi thời tiết. BSC Equity Research dự báo trong quý 4/2023 sản lượng tiêu thụ toàn ngành thép trong nước sẽ phục hồi 7% so với quý 3/2023 nhờ yếu tố mùa vụ.

Theo đó, hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) cũng đã chạm đáy và có những tín hiệu phục hồi sớm đầu tiên. Trong quý 4 niên độ tài chính 2022/2023 (tương ứng quý 3/2023), sản lượng tiêu thụ của tập đoàn này đã tăng 16% so với quý liền trước.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Tính chung niên độ vừa rồi, biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn Hoa Sen đã rơi xuống mức 9,6%, là mức đáy lợi nhuận của một chu kỳ ngành thép.

BSC Equity Research dự báo, sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Hoa Sen trong quý 1 niên độ tài chính 2023/2024 (quý 4/2023) có thể tăng tới 5% so với quý liền trước. Theo đó, sản lượng tiêu thụ nội địa sẽ tăng 7-10% khi các đại lý gia tăng nhập hàng cho dịp cuối năm và tăng tích trữ hàng tồn kho trong bối cảnh giá thép cuộn cán nóng (HRC) có dấu hiệu tăng trở lại.

Sản lượng tiêu thụ xuất khẩu ước tăng 2%, duy trì ở mức cao (60.000 tấn/tháng) nhờ việc Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường ngách ASEAN và thị trường Bắc Mỹ dựa trên lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn.

Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp có thể giảm nhẹ (quanh mức 12%) do giá xuất khẩu sang thị trường ASEAN giảm so với hồi quý 4 niên độ tài chính 2022/2023. Nhưng so với mức trung bình của một chu kỳ thép thì đây vẫn sẽ là mức tương đối cao so.

Về triển vọng cả năm 2024, Tập đoàn Hoa Sen được kỳ vọng sẽ là doanh nghiệp tôn mạ đầu tiên phục hồi khi thị trường nội địa khởi sắc nhờ việc sở hữu hệ thống phân phối lớn với khoảng 500 cửa hàng, đại lý trên toàn quốc và chiếm thị phần lớn nhất cả nước (chiếm 30%). Bên cạnh đó, tập đoàn này đang tập trung cải thiện hệ thống phân phối để mở rộng thị phần hơn nữa.

Giá bán tôn mạ sẽ tăng theo giá HRC thế giới?

Theo dự báo của BSC Equity Research, trong năm 2024 giá bán tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen sẽ tăng 6% so với năm 2023 trong bối cảnh giá HRC (loại 3 mm) - nguyên liệu đầu vào để sản xuất tôn mạ đã cân bằng và có tín hiệu tăng trở lại trong những tuần gần đây. Giá HRC gia tăng sẽ kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm tôn mạ kẽm và tôn mạ màu (thường có độ trễ khoảng 1-2 tháng).

Ở thị trường Trung Quốc, đến hết tháng 11/2023, lợi nhuận gộp của HRC ở mức -294 Nhân dân tệ/tấn - mức đáy về lợi nhuận của các doanh nghiệp thép Trung Quốc trong giai đoạn 2018 - 2020. Nhìn chung, hàng tồn kho tại các nhà máy thép Trung Quốc vẫn ở mức thấp do sức mua yếu.

Qua đó, BSC Equity Research nhận định trên thị trường quốc tế vùng giá 520-540 USD/tấn là vùng giá cân bằng của HRC. Cùng với đó, trong quý 4/2023 - quý 1/2024 giá HRC tại Trung Quốc sẽ tăng trở lại nhờ yếu tố mùa vụ và các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản tại nước này bắt đầu có tác dụng. Từ đó thúc đẩy giá HRC trên thế giới và tác động tích cực đến giá tôn mạ.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7132181226841572/?