Dù báo cáo này của dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, quá trình thi công từ nhiều tháng qua đã gây ô nhiễm bụi đến mức người dân gọi là “bão bụi đỏ” mà biện pháp khắc phục hầu như không đáng kể.
'Bão bụi đỏ' tại công trường dự án Sân bay Long Thành. (Anh ITN)
Theo kết quả quan trắc môi trường không khí định kỳ tại công trường sân bay Long Thành của Sở TN-MT (từ tháng 4-2022 đến tháng 10-2022), ô nhiễmkhu vực này vượt ngưỡng quy định từ 1,02-18,32 lần. Gần nhất vào tháng 3-2023, đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT cũng đã xác định ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm không khí ở công trường sân bay Long Thành trong bán kính 10km và có 8 xã, thị trấn thuộc H.Long Thành bị ảnh hưởng bởi bụi đỏ là: Bình Sơn, Cẩm Đường, Lộc An, Bàu Cạn, Long Phước, Tân Hiệp, An Phước và TT.Long Thành.
Dù Sở này đã cảnh báo đến chủ đầu tư sân bay Long Thành là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và yêu cầu có biện pháp khắc phục, đến thời điểm hiện tại, “bão bụi đỏ” vẫn che phủ cả khu vực có bán kính rộng đến 10 ki lô mét.
Bụi đỏ ở công trường dự án còn theo gió lan rộng sang cả khu vực lận cận như huyện Nhơn Trạch và thành phố Biên Hòa hay thậm chí lan xa hơn, đến cả thành phố Thủ Đức của TPHCM. Tại thời điểm nắng nóng gay gắt hiện nay, có lúc “bão bụi đỏ” bốc cao bao trùm một khu vực rộng lớn có thể thấy rõ bằng mắt thường từ quốc lộ 51 và cao tốc TPHCM – Long Thành. Bão bụi khiến không khí ngột ngạt khó thở, đời sống người dân bị đảo lộn vì bụi phủ khắp nơi.
Tại tâm “bão bụi đỏ” là xã Bình Sơn, theo mô tả là “hàng ngàn căn nhà, hàng quán, trường học, cơ quan nhà nước đến cây trồng, vườn cao su… như được nhuộm một màu đỏ sậm” và “bụi len lỏi đến từng lớp học, không chỉ khiến quần áo, sách vở bị vấy bẩn mà còn khiến nhiều em học sinh, trẻ mầm non mắc các bệnh về hô hấp”. Mọi biện pháp của người dân nhằm ngăn bụi như xịt nước, che chắn bằng màn nhựa đều không mang lại hiệu quả đáng kể.
“Bão bụi đỏ” cũng làm ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất của các doanh nghiệp. Trong tuần qua, tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức, nhiều doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn (huyện Long Thành) đã kêu cứu vì “bão bụi đỏ” ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, chất lượng sản phẩm và hoạt động kinh doanh của họ(2).
Bất chấp việc các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai yêu cầu áp dụng các biện pháp hạn chế phát sinh bụi trong vận chuyển, thi công và xây dựng dự án, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân, cho đến nay việc khắc phục từ chủ đầu tư vẫn chưa mang lại kết quả đáng kể nào.
Giải pháp hạn chế bụi mới nhất được ACV báo cáo tại buổi kiểm tra hôm 1-4 của Bộ Giao thông Vận tải là tăng cường số xe tưới nước từ 40 chiếc lên 60 chiếc, tưới nước liên tục vào buổi trưa và buổi chiều để hạn chế bụi đỏ. Với mặt bằng rộng đến 2.500 héc ta đã được đào bóc toàn bộ lớp đất hữu cơ bề mặt của công trường sân bay Long Thành và đang vào mùa khô, việc tăng thêm 20 xe tưới nước chỉ như muối bỏ bể, khó mà giải quyết được tận gốc vấn đề.
Cũng theo ý kiến của nhiều người dân, đây là một dự án lớn khó có thể tránh được tình trạng gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhưng không phải vì thế mà các đơn vị thi công không tuân thủ các quy định về môi trường. Do đó, nhiều ý kiến yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công tiếp tục thực hiện và duy trì những giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm bụi một cách hiệu quả; đồng thời mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng phát tán bụi trong quá trình xây dựng.
Không rõ trong quá trình được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án sân bay Long Thành, tình trạng ô nhiễm bụi phát sinh trầm trọng như thế này có được nêu ra trong báo cáo hay không? Nếu có, thì quy mô ô nhiễm bụi như hiện tại có được đưa vào tính toán hay không và biện pháp khắc phục là gì? Nếu chủ đầu tư chậm trễ áp dụng thì Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hành động ra sao trong thời gian qua?
Ngược lại, nếu báo cáo đánh giá tác động môi trường bỏ qua hay đánh giá không chính xác quy mô “bão bụi đỏ” mà vẫn được phê duyệt khiến người dân khốn đốn cả gần nửa năm nay thì ai sẽ chịu trách nhiệm về lỗ hổng này trong báo cáo?
Bài học rút ra từ dự án sân bay Long Thành là không để lặp lại thảm họa ô nhiễm tương tự tại các dự án trọng điểm quốc gia trong tương lai. Muốn như vậy, các báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được lập một cách thực chất và kèm theo đó là quy định truy cứu trách nhiệm nếu báo cáo bị thiếu sót gây tác hại xấu đến môi trường.