Hiệp hội Chất thải rắn Quốc tế (ISWA) cho biết, số lượng chất thải điện tử đang tăng nhanh hơn 3 lần so với dân số thế giới và nhanh hơn 13% so với GDP của thế giới trong 5 năm qua. Việc thu gom và tái chế rác thải điện tử một cách thích hợp là chìa khóa để bảo vệ môi trường và giảm lượng khí thải gây hại cho khí hậu.
Năm 2019, châu Á, lục địa lớn nhất và đông dân nhất, đã thải nhiều rác điện tử nhất. Châu Âu có tỉ lệ chất thải điện tử trên đầu người cao nhất, gần gấp ba lần châu Á. Nhưng châu Âu có tỉ lệ thu gom và tái chế chất thải cao nhất.
Vào năm 2019, GESP phát hiện ra rằng 17,4% rác thải điện tử được thu gom và tái chế đúng cách đã ngăn chặn được 15 triệu tấn CO2 tương đương thải ra môi trường.
Kể từ năm 2014, số lượng quốc gia áp dụng những chính sách hoặc quy định về rác thải điện tử chỉ tăng từ 61 lên 78, trong tổng số 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc. Mặc dù đây là một xu hướng tích cực, song điều này vẫn còn xa so với mục tiêu của ITU đặt ra là nâng tỉ lệ các quốc gia có luật về chất thải điện tử lên 50%.
Ấn Độ là quốc gia duy nhất ở Nam Á soạn thảo dự luật về rác thải điện tử, nhưng việc thu gom vẫn còn yếu kém.
Tại Mỹ, một số thành phố như New York hay Washington DC, các bộ luật yêu cầu chính nhà sản xuất phải thu hồi sản phẩm do mình làm ra thông qua các điểm thu gom tái chế tập trung, hoặc thuê các công ty bên thứ ba phụ trách và người dân chỉ việc vận chuyển thiết bị tới các địa điểm tập trung này.
Các doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu được khuyến khích kéo dài vòng đời thiết bị CNTT của mình lên 3 năm hoặc lâu hơn; sử dụng tốt hơn các biện pháp bảo mật và xử lý dữ liệu để các sản phẩm CNTT sau khi không sử dụng nữa có thể được tặng lại cho các nơi còn khó khăn; có trách nhiệm với các thiết bị điện tử cũ bị loại bỏ bằng cách mang đến các điểm thu gom tái chế phù hợp. Các nhà sản xuất thiết bị điện tử được yêu cầu xây dựng các chương trình thu hồi sản phẩm cũ và sản xuất các bộ phận thay thế cho các sản phẩm mà họ cung cấp.
Tại Nhật Bản, luật về tái chế đồ gia dụng có hiệu lực với các sản phẩm bao gồm ti vi, tủ lạnh, máy giặt máy sấy và điều hòa không khí… yêu cầu chính nhà sản xuất thiết bị phải chịu trách nhiệm về việc tái chế các thiết bị cũ hỏng. Điều này có nghĩa là các công ty phải thành lập hoặc thuê các nhà máy tái chế xử lý. Việc thu gom vận chuyển các thiết bị này tới nhà máy tái chế thuộc về trách nhiệm của các nhà phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm chi trả chi phí cho hai công việc kể trên.
Quy trình sản xuất thiết bị gia dụng ở Nhật Bản còn yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt đối với tỉ lệ tài nguyên có thể tái chế. Một chiếc ti vi phải được thiết kế để đảm bảo rằng hơn 50% vật liệu trong tổng trọng lượng của nó có thể tái chế. tỉ lệ này ở tủ lạnh, máy giặt và điều hòa không khí có thể đạt 60% đến 70%.
Chính phủ Singapore khuyến khích những nhà sản xuất, nhà phân phối, cửa hàng bán thiết bị điện tử thiết lập các kênh thu hồi rác thải điện tử như đặt thùng thu gom rác thải điện tử tại kho bãi, cửa hàng của mình.
Quốc gia này cũng đang xây dựng các quy định về "Hệ thống quản lý rác thải điện tử" và sẽ áp dụng bắt buộc từ năm 2021. Theo đó, các đơn vị tạo ra rác thải điện tử phải cam kết sản phẩm của họ sẽ được thu gom và tái chế. Các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn của doanh nghiệp phải có những điểm thu hồi đồ cũ. Ngoài ra, họ cũng phải trả một loại phí môi trường cho các công ty tái chế để hỗ trợ ngân sách cho những dịch vụ tái chế.
(Nguồn: Hoạt động tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam và một số khuyến nghị củaNguyễn Thu Hiền, Trần Phương Thảo - Đại học Công nghiệp Hà Nội)
Một báo cáo do Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn nghiên cứu cho hay việc thu hồi các nguyên vật liệu hiếm từ rác thải điện tử là một yêu cầu về an ninh đối với châu Âu và cần được luật hóa.
Theo báo cáo CEWASTE do EU tài trợ, các nguyên liệu thô quan trọng - bao gồm vàng, bạc và coban trong nhiều đồ điện tử có thể được tái chế và tái sử dụng. Điều này sẽ bảo vệ nguồn cung nguyên liệu cho thiết bị điện tử tiêu dùng, thậm chí cả ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu.
Thậm chí, các nguyên vật liệu hiếm này cũng là yếu tố cần thiết cho các tuabin gió và ô tô điện. Do đó, chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia đáp ứng những mục tiêu về bảo vệ khí hậu và đảm bảo khả năng cạnh tranh trong ngành chế tạo.
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng mặc dù nguồn cung những nguyên vật liệu thiết yếu này dễ bị tổn thương do các biến động địa chính trị, châu Âu vẫn quá phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài với tỉ lệ tái chế "gần bằng 0".
Theo báo cáo, mức giá thấp và không ổn định của nhiều loại nguyên liệu thô này khiến việc tái chế chúng thường bị coi là quá tốn kém đối với các doanh nghiệp.
Báo cáo kêu gọi xây dựng những yêu cầu pháp lý để tái chế và tái sử dụng các nguyên liệu thô quan trọng, khuyến khích tài chính để hỗ trợ ngành công nghiệp này cũng như tăng cường kiểm soát đối với lượng rác thải điện tử xuất đi khỏi EU.
Báo cáo nhấn mạnh một số loại rác thải điện tử có lượng nguyên vật liệu thô đủ lớn để thu hồi. Chúng bao gồm các vật liệu trong bảng mạch in từ các thiết bị điện bị loại bỏ; pin từ rác thải điện tử và xe phế liệu; nam châm neodymium sắt boron từ ổ đĩa cứng và động cơ của xe đạp điện, xe tay ga và xe phế liệu; và bột huỳnh quang từ đèn và ống tia âm cực trong máy thu hình (TV) và màn hình hiển thị.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hoặc sẽ thúc đẩy cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn mới hoặc nó sẽ làm cạn kiệt tài nguyên hơn nữa cùng làn sóng ô nhiễm mới. Đó là lý do việc giải quyết vấn nạn về rác thải điện tử đang được coi là một nhiệm vụ quan trọng đối với các tổ chức toàn cầu như ISWA, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP)... Năm 2018, ITU từng đặt ra mục tiêu đến năm 2023 tăng tái chế rác thải điện tử từ 17% lên 30%. Tuy nhiên, đây là mục tiêu trên thực tế rất khó đạt được.
Dù gặp rất nhiều rào cản nhưng kinh tế tuần hoàn đối với ngành điện tử đang mở ra cơ hội mới trị giá gần 60 tỉ USD, chủ yếu tính theo lượng giá trị của kim loại sắt, đồng và vàng có thể thu giữ được từ rác thải điện tử. |
Tại Việt Nam, nhu cầu về thiết bị điện tử gia dụng trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự cải thiện mức sống người dân.
Theo thời gian, do việc giảm liên tục giá thành mang tính cạnh tranh của thiết bị điện tử, cùng với những thay đổi về mẫu mã, loại hình và công năng sẽ tạo ra nhu cầu lớn thay đổi thiết bị điện tử gia dụng, dẫn đến phát sinh một lượng rác thải điện tử gia dụng lớn với tốc độ gia tăng nhanh chóng.
Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, mỗi người dân Việt Nam thải ra trung bình 1,3 kg chất thải điện tử mỗi năm, tương đương 116.000 tấn. Chất thải điện tử hiện chiếm tới 2% trong tổng số toàn bộ chất thải hiện nay.
Số liệu thống kê từ Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy, năm 2010 nước ta có khoảng hơn 3,77 triệu thiết bị điện và điện tử gia dụng bị thải ra với trọng lượng ước tính khoảng 113 nghìn tấn. Hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100 nghìn tấn rác thải điện tử. Ước tính đến năm 2025, riêng lượng rác thải là ti vi có thể lên tới 250 nghìn tấn.
Trước đây, rác thải điện tử ở Việt Nam hầu hết đều qua các nguồn thu gom không chính thức, đó là những người thu mua đồng nát, cơ sở thu gom tự phát và được tập kết về các làng nghề để tái chế. Các cơ sở tái chế này đều nhỏ lẻ theo mô hình hộ gia đình, hầu hết đều ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh, không có các thiết bị hiện đại, ảnh hưởng sức khỏe công nhân và môi trường.
(Nguồn: Việt Nam tái chế)
Việc tuyên truyền nâng cao ý thức về rác thải điện tử đã bắt đầu được quan tâm, đặc biệt là sau khi có Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
Điển hình là hoạt động tích cực của Chương trình Việt Nam tái chế. Tất cả các thiết bị điện tử đã qua sử dụng được thu hồi thông qua Chương trình sẽ được xử lý an toàn nhằm đạt được tỉ lệ thu hồi tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo một quy trình xử lý rác thải điện tử chuyên nghiệp đạt tiêu chuẩn theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Sau 4 năm, VRP đã thiết lập được 10 điểm thu gom tại TP.Hà Nội và TP.HCM, tiếp cận được với 7.623 hộ gia đình và thu gom được 537 thiết bị thải bỏ; hơn 5 tấn rác thải điện tử đã được thu gom và xử lý chuyên nghiệp bởi VRP.
Theo Kinh tế Môi trường