Mỹ Huyền ·
3 năm trước
 2481

'Phá trắng' 5,2 ha rừng phòng hộ ở Bình Định chỉ bị xử phạt hành chính từ 60-150 triệu đồng là đúng hay sai?

Vì sao Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Mỹ lại xác định rằng việc "phá trắng" 5,2ha rừng phòng hộ của đơn vị thi công Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ là hành vi "lấn chiếm đất" mà bỏ qua lỗi nghiêm trọng là phá rừng phòng hộ ven biển? Liệu có hay không chuyện đánh tráo khái niệm trong vụ việc này? 

Vừa qua, sự việc đơn vị thi công Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ do Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch làm chủ đầu tư đã "xóa sổ" 5,26 ha rừng phòng hộ phi lao ven biển khiến người dân xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) vô cùng bức xúc.

Cụ thể, vào tối ngày 6/8, người dân xã Mỹ An đã phát hiện đơn vị thi công dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đưa công nhân, máy móc đến chặt phá rừng dương bên ngoài khu vực dự án tại thôn Xuân Bình (xã Mỹ An) vào ban đêm. Tuy nhiên, phải đến ngày 12/8, đoàn kiểm tra của huyện Phù Mỹ mới kiểm tra, yêu cầu dừng thi công, lúc này việc chặt phá rừng ven biển vào ban đêm mới dừng lại.

'Phá trắng' 5,2 ha rừng phòng hộ ở Bình Định

Khu vực bị doanh nghiệp chặt phá rừng dương, san ủi trắng nằm giữa rừng dương phòng hộ

Được biết, phần diện tích bị phá trắng là 5,26 ha rừng phi lao nhiều năm tuổi, có chức năng chắn cát, chắn gió biển, nhất là vào mùa mưa bão, chống sa mạc hóa các khu dân cư ven biển và giữ mạch nước ngầm cho người dân trong vùng. Phần diện tích này thuộc địa bàn xã Mỹ An, do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý. 

Đơn vị thi công dự án và cũng chính là đơn vị đá "phá trắng" diện tích 5,2 ha rừng phòng hộ kể trên chính là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phước Hưng. 

Điều đáng nói là diện tích 5,26 ha rừng phòng hộ này hoàn toàn nằm ngoài diện tích được giao triển khai dự án Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ. Dự án Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ triển khai trên tổng diện tích khoảng 380 ha, đến nay chỉ còn lại khoảng 11,7ha chủ đầu tư không triển khai lắp đặt được vì vướng khâu giải phóng mặt bằng. 

Sau sự việc này, PV Người Lao Động đã trao đổi với ông Huỳnh Tấn Huy - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch, chủ đầu tư dự án Nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ, ông Huy cho hay việc nhà thầu thi công dự án chặt phá 5,26 ha rừng phòng hộ là do nhầm lẫn.

Lời giải thích của ông Huy càng khiến người dân Mỹ An phản ứng gay gắt khi ông cho rằng để dẫn đến nhầm lẫn, "phá nhầm" rừng phòng hộ là do người dân địa phương đã chuyển mốc chỉ giới tọa độ được cắm để phân chia ranh giới giữa khu đất được giao làm dự án và khu rừng phòng hộ. 

'Phá trắng' 5,2 ha rừng phòng hộ ở Bình Định

Hơn 5,2 ha cây dương liễu từ 10 đến 20 năm tuổi, thuộc rừng phòng hộ ven biển xã Mỹ An đã bị công ty xây dựng điện mặt trời san phẳng. Ảnh: Nguyên Linh-TTXVN

Người dân xã Mỹ An nói riêng và dư luận vẫn chờ đợi quá trình điều tra và xử lý của UBND tỉnh Bình Định về sự việc nghiêm trọng này. Tuy nhiên nội dung UBND H.Phù Mỹ gửi UBND tỉnh Bình Định có nhiều vấn đề cần bàn đến. 

Cụ thể, theo Thanh Niên, trong báo cáo của UBND H.Phù Mỹ gửi UBND tỉnh Bình Định do ông Phan Hữu Duy, Phó chủ tịch UBND H.Phù Mỹ, ký ngày 16/9 chỉ nhắc đến hành vi “lấn chiếm đất” để xây dựng dự án điện mặt trời tại xã Mỹ An của Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch, không hề nhắc đến việc chặt phá rừng phòng hộ.

Theo báo cáo, tại phần phía đông nam của dự án, công ty đã san ủi mặt bằng và làm hàng rào trên diện tích 5,26 ha, phần đất này do Ban Quản lý rừng phòng hộ H.Phù Mỹ quản lý. Đây là đất trồng phi lao ven biển.

Sau khi vụ việc xảy ra, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Mỹ và các ngành chức năng họp và thống nhất đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh Bình Định xem xét, xử lý phạt tiền từ 60 - 150 triệu đồng đối với Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch do vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và buộc công ty trả lại 5,26 ha đất đã lấn chiếm để giao lại địa phương quản lý…

Vậy tôi muốn hỏi rằng trong trường hợp này, xử phạt hành chính với khoản tiền từ 60 - 150 triệu đồng như phương án kể trên có đúng quy định pháp luật hay chưa? Việc xử phạt này căn cứ trên điều, khoản nào? 

Tại sao Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Mỹ và các ngành chức năng lại xác định rằng đây là hành vi "lấn chiếm đất" mà bỏ qua một lỗi nghiêm trọng là phá rừng phòng hộ ven biển? Liệu có hay không câu chuyện đánh tráo khái niệm trong vụ việc này? 

Tôi nghĩ rằng cần xét đến động cơ phá rừng có đúng là nhầm lẫn hay không. Biết rằng việc phá rừng được tiến hành vào ban đêm. Và sau đó, lãnh đạo Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch cho biết trong phần đất được cấp của dự án còn 11,2ha chưa được doanh nghiệp đụng đến, vẫn còn nguyên. Nếu được lãnh đạo tỉnh Bình Định cho phép, doanh nghiệp xin trả lại 11,2ha này và hoán đổi phần đất 5,26ha vừa bị chặt phá cho phù hợp.

Dư luận cho rằng việc "phá trắng" cánh rừng phòng hộ vào ban đêm với diện tích 5,2 ha là có động cơ chứ không phải "nhầm lẫn" như giải thích từ phía doanh nghiệp. Mặc dù đây chỉ là đồn đoán, nhưng tôi nghĩ rằng những sự việc trên cũng là vấn đề cần lưu tâm điều tra làm rõ. 

Hơn nữa, cần phải nhìn nhận rõ ràng rằng chặt phá rừng là hành vi vi phạm pháp luật bị nghiêm cấm bởi hậu quả nghiêm trọng của nó mang lại như biến đổi khí hậu, thiếu nước, mưa bão, sạt lở đất, lũ quét,.. Trong đó, chế tài về hình sự là một trong những chế tài nghiêm khắc được áp dụng để xử lý các hành vi chặt phá rừng vối số lượng lớn và gây ra các hậu qủa nghiêm trọng.

Vậy nên một lần nữa tôi đặt câu hỏi rằng với việc phá 5,2ha rừng phòng hộ ven biển, việc xử phạt hành chính như vậy đã đúng quy định của pháp luật hay chưa? Việc phá rừng cần xử phạt nghiêm khắc, đúng tinh thần thượng tôn pháp luật để tránh gây nên tiền lệ xấu. 

Bên cạnh đó, hành vi chặt phá rừng trái quy định còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng đến khi thành rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính đối với hành vi. Vậy nhưng nội dung này đã được ghi nhận trong báo cáo hay chưa?