Phùng Hưng ·
3 năm trước
 3725

'Thần rừng' ngày đêm bảo động vật hoang dã ở Việt Nam

Những cán bộ trong Đội chuyên trách bảo vệ rừng Pù Mát được ví như “thần rừng” thầm lặng, ngày đêm không ngại khó khăn bảo vệ sự an toàn cho nhiều loài động vật hoang dã.

Càng đi càng thấy quyết tâm bảo vệ động vật

Đội chuyên trách bảo vệ rừng Pù Mát (tỉnh Nghệ An) được thành lập năm 2018 dưới sự phối hợp giữa Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife) và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát. Đây là đội chuyên trách đầu tiên ở Việt Nam giữa một tổ chức phi lợi nhuận và cơ quan nhà nước.

Ngày đầu mới thành lập, đội chỉ có 8 thành viên nhưng đến nay đã có 16 thành viên. Trong đó, hầu hết các thành viên đều là những người con sinh ra và lớn lên ở đất Nghệ An. Dù trong đội có nhiều độ tuổi khác nhau, đến từ những huyện khác nhau nhưng bằng tình yêu và tâm huyết với đất rừng quê hương mà cùng kết nối và cống hiến cho lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã.

Trên con đường bảo vệ động vật hoang dã, Đội chuyên trách bảo vệ rừng Pù Mát có khi phải băng qua nhiều con suối ngập đến ngang bụng.

Người trong giới bảo tồn vẫn thường gọi vui về đội chuyên trách bảo vệ rừng này là những “thần rừng”, vì đóng góp của họ trong công cuộc giữ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Báo cáo từ Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2018 - 2020 tất cả các hoạt động săn bắt trái phép và vào rừng trái phép tại Vườn Quốc gia Pù Mát giảm đến 80% khi có sự vào cuộc của Đội chuyên trách bảo vệ rừng Pù Mát.

Từ tháng 6/2018 đến hết năm 2020 các thành viên trong đội đã tháo gỡ được 9.701 bẫy thú; tịch thu 78 khẩu súng; thiêu huỷ và tháo dỡ 775 lán trại trái phép và kết hợp với lực lượng kiểm lâm, cơ quan công an bắt giữ 558 người. 

Để có được những kết quả như thế cả đội có một lịch trình đi tuần đều đặn hàng tháng. Mỗi tháng 2 đợt, mỗi đợt kéo dài từ 7 - 10 ngày hoặc thậm chí dài hơn. Trong những chuyến đi rừng kéo dài nhiều ngày, cả đội lại chia thành 4 nhóm khác nhau, đi bộ hàng trăm cây số, băng rừng vượt núi, bất kể ngày đêm, thời tiết nóng lạnh, mưa nắng.

Có những chuyến tuần tra tháo dỡ được nhiều bẫy thú và lán trại của những kẻ săn bắt trái phép, cả đội vừa vui vừa buồn. Cũng có những chuyến đi các thành viên trong đội chứng kiến tận mắt động vật bị bẫy chết, kêu gào trong đau đớn thì người dũng cảm nhất cũng phải mềm lòng và xúc động.

Cả đội đứng giải lao sau những chặng đi bộ dài hàng chục cây số.

Anh Lộc Văn Tạo – một thành viên trong những thành viên Đội chuyên trách bảo vệ rừng Pù Mát ghi lại nhật ký của mình sau mỗi chuyến đi thực tế: “Chứng kiến những sự sống nhỏ bé đáng thương đang chết dần chết mòn trong rừng, hoặc nghĩ đến cảnh một bàn nhậu đầy thịt rừng, những cái miệng nhóp nhép của những người ăn thịt rừng thiếu trách nhiệm với thiên nhiên đang nuốt chửng sự sống còn sót lại ít ỏi của các loài sắp tuyệt chủng, những đứa con đang trên bờ vực bị diệt vong của rừng, chúng tôi - những người giữ rừng Pù Mát lại càng quyết tâm và nỗ lực hơn trong công việc của mình, chống săn bắt và giảm tiêu thụ động vật hoang dã”.

Bảo vệ động vật hoang dã từ trong lòng dân

Song song với việc đi rừng, đội còn tổ chức những chuyến đi thực tế để trao đổi và nói chuyện với người dân xung quanh rừng. anh Nguyễn Hữu Trung, cán bộ Đội chuyên trách bảo vệ rừng Pù Mát chia sẻ: “Nhiều người dân sống gần rừng còn chưa biết săn bắt ''con vật đó'' là bị đi tù và bị phạt tiền nặng, hoặc các hoạt động vào rừng nào là phạm pháp với mức phạt cho từng hành vi như thế nào. Hoặc có khi vì những nguồn lợi quá lớn từ việc buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã nên nhiều đối tượng đã bất chấp các quy định của pháp luật. Vì thế, coi người dân như chính người thân trong gia đình mình, tuyên truyền cho họ hiểu, từ bỏ việc săn bắt thú rừng”.

Với quan điểm phải ngồi cùng dân, nhìn cùng góc nhìn với dân, thì mới hiểu dân cần gì để bỏ nghề săn bắt, cần gì để yêu quý hơn những cánh rừng nơi mình đã chôn nhau cắt rốn, đã có rất nhiều những cuộc họp, hội thảo được cả đội kết hợp với Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát tổ chức, nhằm tuyên truyền và thông tin đến người dân, giúp họ hiểu rõ hơn giá trị của núi rừng, của thiên nhiên, từ đó vận động họ bỏ nghề phá rừng, săn bắt.

Thành viên Đội chuyên trách bảo vệ rừng Pù Mát vận động người dân từ bỏ săn bắt trái phép động vật hoang dã.

Đồng thời, các đơn vị còn tổ chức lấy ý kiến cộng đồng và chính quyền địa phương để phát triển chương trình hỗ trợ sinh kế thay thế cho cộng đồng, cho những nhóm thợ săn, để giảm thiểu áp lực săn bắt, khai thác trái phép tài nguyên rừng, và để họ không còn coi việc săn bắt thú rừng là công cụ sinh sống hàng ngày. 

Mô hình Đội chuyên trách bảo vệ rừng Pù Mát hoạt động thực sự hiệu quả, không chỉ là vì những con số khô khan mà còn là sự thay đổi về sinh thái cảnh quan rừng, sự phục hồi của các quần thể động vật hoang dã ngoài tự nhiên, sự thay đổi góc nhìn của người dân và chính quyền địa phương về rừng, về thiên nhiên.

Hiện nay mô hình đã và đang được nhân rộng tại các vườn quốc gia khác như Cát Tiên, Cúc Phương, U Minh Thượng và U Minh Hạ... nhằm tiến tới mục tiêu thúc đẩy nâng cao hiệu quả công tác tuần tra bảo vệ rừng trong cả nước. 

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc của Save Vietnam’s Wildlife chia sẻ: “Những gì mà đội chuyên trách bảo vệ rừng đang làm cũng xuất phát từ mong muốn để người Việt Nam có cái nhìn khách quan và tích cực hơn về những cá nhân và tổ chức đang phụng sự hết mình để bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên Việt. Quan trọng hơn, thông qua những hình ảnh về người thật việc thật như thế, niềm tin của người Việt Nam về ngành bảo tồn cũng như về một tương lai tốt đẹp hơn của thiên nhiên Việt Nam lại được củng cố hơn bao giờ hết”.

 

Nguồn