Thanh Tâm ·
1 năm trước
 4909

“Thành phố sạch vì một Việt Nam xanh” - Chung tay giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa

Giải quyết vấn đề chất thải nhựa và ô nhiễm nhựa, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững đối với ngành nhựa là một trong những mục tiêu trọng tâm của Việt Nam thời gian tới.

Mới đây, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã có buổi tiếp ông Nicholas Frederick Kolesch, Phó Chủ tịch phụ trách các dự án toàn cầu của Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW) và ông Peter Loach, Giám đốc quốc gia, Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) Việt Nam.

Trong thời gian tới, AEPW sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ TN&MT trong việc giải quyết vấn đề chất thải nhựa, thông qua Dự án “Thành phố sạch vì một Việt Nam xanh” do SNV triển khai.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao đề xuất “Thành phố sạch vì một Việt Nam xanh” do SNV đề xuất với sự hỗ trợ của AEPW. Do đó, Thứ trưởng đề nghị SNV sẽ tiếp tục trao đổi với các đơn vị liên qua của Bộ về khả năng phối hợp để thông qua đó có thể kế thừa, kết nối với các dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang và sẽ thực hiện với các đối tác trong thời gian tới, bao gồm Chương trình đối tác hành động quốc gia về rác thải nhựa (NPAP).

Trong giai đoạn 2023-2026, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 15 đến 20% ô nhiễm rác thải nhựa tại TP.Hà Nội và TP.HCM.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, từ chuyến thăm lần này, hai bên sẽ có những hoạt động hợp tác chặt chẽ để phát triển chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), nhằm giải quyết vấn đề chất thải nhựa và ô nhiễm nhựa. Đồng thời, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững đối với ngành nhựa tại Việt Nam.

AEPW và SNV có thể xem xét một số hoạt động hợp tác trong thời gian tới. Cụ thể, tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác để giải quyết vấn đề rác thải nhựa bao gồm rác thải nhựa biển thông qua hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia đã được phê duyệt. Tiếp tục phối hợp điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình phát sinh, thu gom và tái chế, xử lý chất thải nhựa.

Bên cạnh đó, tổ chức đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo nhằm hoạch định chiến lược, kế hoạch, xúc tiến đầu tư và huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện hiệu quả quản lý, xử lý chất thải nhựa, quản lý vi nhựa trong sản phẩm hàng hóa và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; thúc đẩy sự tham gia của hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.

Việt Nam cũng cần hỗ trợ xây dựng cổng thông tin EPR quốc gia để liên kết, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các bên liên quan. Trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn - một giải pháp để thực hiện phát triển bền vững và các cam kết của Việt Nam tại COP26, hai bên có thể phối hợp xây dựng các chính sách và chương trình hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn -  Thứ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề giải quyết vấn đề chất thải nhựa, ông Nicholas Frederick Kolesch cho biết, AEPW có nhiều cách tiếp cận khác nhau để thực hiện mục tiêu chấm dứt ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm vi nhựa. Trong đó, Liên minh tập trung vào xây dựng chiến lược, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thu gom, tái chế rác; hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo, sáng kiến mới nhằm giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa.

Bên cạnh đó, đại diện SNV cũng giới thiệu những hoạt động dự kiến triển khai trong khuôn khổ dự án “Thành phố sạch vì một Việt Nam xanh”. Mục tiêu giảm 15 đến 20% ô nhiễm rác thải nhựa tại TP.Hà Nội và TP.HCM trong giai đoạn 2023-2026, dự án sẽ thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, xây dựng các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về thực hành phân loại rác thải tại nguồn, hỗ trợ trang thiết bị cho việc thu gom riêng, xây dựng các cơ sở phân loại và thu hồi vật liệu để tách lọc các dòng vật liệu và liên kết với thị trường tái chế cho từng loại vật liệu.

Năm 2050, tiêu thụ nhựa sẽ tăng gần gấp đôi

Báo cáo của Economist Impact và The Nippon Foundation cho thấy, nếu không có một hiệp ước toàn cầu toàn diện và ràng buộc về mặt pháp lý để hạn chế tiêu thụ nhựa, việc sử dụng nhựa ở các nước G20 sẽ tăng gần gấp đôi vào giữa thế kỷ này.

Theo đó, các chương trình hiện tại nhằm tăng cường tái chế hoặc cắt giảm tiêu thụ nhựa sử dụng một lần chỉ mới bắt đầu và cần phải có một kế hoạch toàn cầu toàn diện hơn.

Tháng 11/2022, Liên Hợp Quốc đã khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận giải quyết ô nhiễm nhựa ở Uruguay, với mục đích soạn thảo một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý vào cuối năm 2024.

175 quốc gia đã đăng ký tham gia các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán thất bại, theo tốc độ tăng trưởng hiện tại, số lượng nhựa hàng năm ở các nước G20 có thể tăng lên 451 triệu tấn vào năm 2050, tăng gần 3/4 so với năm 2019.