Đăng Bình ·
2 năm trước
 499

Trái đất sẽ trở thành 'hành tinh chết' nếu không chấm dứt tàn phá thiên nhiên

Trong một bức thư, giám đốc điều hành của Unilever, H&M và 9 công ty khác đã kêu gọi các chính phủ có hành động có ý nghĩa đối với sự tuyệt chủng hàng loạt của động vật hoang dã và sự sụp đổ của hệ sinh thái, nếu không Trái đất sẽ trở thành “một hành tinh chết”.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo trước thềm một hội nghị thượng đỉnh ở Trung Quốc rằng, các nhà lãnh đạo thế giới phải nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn sự tàn phá thiên nhiên.

Ngày 11/10 trong một bức thư, giám đốc điều hành của Unilever, H&M và 9 công ty khác đã kêu gọi các chính phủ có hành động có ý nghĩa đối với sự tuyệt chủng hàng loạt của động vật hoang dã và sự sụp đổ của hệ sinh thái, nếu không Trái đất sẽ trở thành "một hành tinh chết".

Cảnh báo được đưa ra khi Trung Quốc chuẩn bị lần đầu tiên đảm nhận vị trí chủ trì một cuộc họp lớn về môi trường của Liên Hợp Quốc, thông qua đăng cai tổ chức giai đoạn khai mạc Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học (COP15) tại Côn Minh trong tuần này.

chấm dứt tàn phá thiên nhiên
Giám đốc điều hành của Unilever, H&M và 9 công ty khác đã kêu gọi các chính phủ có hành động có ý nghĩa đối với sự tuyệt chủng hàng loạt của động vật hoang dã

Trong giai đoạn hai của các cuộc đàm phán vào năm tới - vốn liên tục bị trì hoãn vì đại dịch - chính phủ các nước sẽ thảo luận các mục tiêu của thập kỷ này để ngăn chặn sự mất mát đa dạng sinh học.

Liên minh Kinh doanh vì Thiên nhiên cho biết, dự thảo hiện tại của một thỏa thuận tương tự Paris về thiên nhiên của Liên Hợp Quốc, bao gồm các mục tiêu loại bỏ ô nhiễm nhựa, giảm 2/3 việc sử dụng thuốc trừ sâu và giảm 1/2 tỉ lệ du nhập các loài xâm lấn vào năm 2030, đã không thể ngăn chặn sự tàn phá thế giới tự nhiên. Riêng biệt, hơn 1.000 công ty với doanh thu 4,7 nghìn tỉ USD đã cùng kêu gọi các chính phủ áp dụng các chính sách nhằm đảo ngược tình trạng mất mát đa dạng sinh học vào năm 2030.

Trong thư gửi các nhà lãnh đạo thế giới có viết: "Thiên nhiên đang ở thời điểm quan trọng và thời gian đang chống lại chúng ta. Chúng ta phải nhận ra sự mất mát thiên nhiên khi khủng hoảng xảy ra. Chúng ta phải hiểu rằng mặc dù là điều quan trọng đối với việc giải quyết biến đổi khí hậu, nhưng thiên nhiên không chỉ đơn giản là một giải pháp khí hậu. Hội nghị đa dạng sinh học COP15 là cơ hội cuối cùng và tốt nhất để lật ngược tình thế mất đa dạng sinh học".

Các lãnh đạo doanh nghiệp kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cam kết đạt được mục tiêu khí hậu 1,5 độ C, loại bỏ và chuyển hướng tất cả các khoản trợ cấp có hại cho môi trường, cũng như đưa giá trị kinh tế của tự nhiên vào quá trình ra quyết định.

Theo một báo cáo của Swiss Re năm ngoái, hơn 1/2 GDP hàng năm của thế giới (42 nghìn tỉ USD) phụ thuộc vào đa dạng sinh học. 1/5 quốc gia trên thế giới có nguy cơ bị sụp đổ hệ sinh thái.

Giám đốc điều hành Roberto Marques của Natura & Co cho biết, nhiệm kỳ của Trung Quốc là một thời điểm quan trọng vì các quyết định của nhà phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới sẽ quyết định liệu thế giới có đạt được các mục tiêu về môi trường trong thế kỷ này hay không.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ phát biểu trong tuần này tại giai đoạn đầu tiên của COP15.

Elizabeth Maruma Mrema - thư ký điều hành của Công ước về Đa dạng Sinh học (CBD) - và các nhân viên CBD khác đã phải cách ly 3 tuần để tham dự sự kiện ở Trung Quốc.