Tổ chức Hội thảo Nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020
Nhằm cung cấp thêm thông tin cho các tổ chức, cá nhân và người dân hiểu rõ hơn về những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và những quy định mới về Giấy phép môi trường cũng như Đăng ký môi trường, được sự chỉ đạo của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện chính sách Kinh tế Môi trường phối hợp với Group Chúng tôi là Tư vấn Môi trường tổ chức "Hội thảo Nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020". Hội thảo được tổ chức vào ngày 27/4/2022.
Hội thảo Nâng cao hiệu quả thực thi luật Bảo vệ môi trường 2020 được tổ chức vào sáng 27/4.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14, gồm 16 chương, 171 điều (Giảm 4 chương, tăng 1 điều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014). Trong luật bảo vệ môi trường 2020 có nhiều điểm mới so với luật bảo vệ môi trường năm 2014.
Lần đầu tiên, Luật Bảo vệ môi trường ban hành một Mục riêng để quy định về Giấy phép môi trường, được quy định từ Điều 39 đến Điều 49. Theo đó, có 3 nhóm quy định thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường.
Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường 2020 còn có nhiều điểm mới liên quan đến: nội dung giấy phép môi trường; thẩm quyền cấp giấy phép; căn cứ và thời điểm cấp giấy phép; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép; cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường; quyền, nghĩa vụ của chủ dự án được cấp giấy phép môi trường; trách nhiệm của các cơ quan cấp giấy phép môi trường…
Đặc biệt, Luật cũng quy định kể từ ngày Giấy phép môi trường có hiệu lực, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường thành phần hết hiệu lực.
Tập huấn Xây dựng mô hình quản lý và bảo vệ nguồn nước vào hương ước làng xã
Ngày 5/7, Trung tâm Kinh tế Môi trường phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức tập huấn Xây dựng mô hình quản lý và bảo vệ nguồn nước theo lưu vực cho người dân thôn Dy, xã Minh Quang, huyện Ba Vì.
Thôn Dy là một thôn trực thuộc xã Minh Quang, nằm phía Đông của dãy núi Ba Vì, cách Đá Chông khoảng hơn 1km. Thôn có 200 hộ dân với khoảng gần 1000 nhân khẩu sinh sống và trong số đó là 80% số hộ là người dân tộc Mường, số còn lại là người Kinh và người Dao.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới Bảo tồn nước Việt Nam.
Dân cư của thôn chủ yếu làm nghề sản xuất nông nghiệp với ba loại cây trồng chính là ngô, lúa, chè và một số vật nuôi truyền thống như lợn, gà mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Vì thế nguồn nước là tài nguyên quý giá của người dân thôn Dy.
Hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho việc sản xuất nông nghiệp của thôn đều phụ thuộc chính từ hai con suối chảy từ VQG Ba Vì cung cấp nguồn nước tưới cho cây trồng và từ đây chảy ra theo hệ thống suối thoát nước tới địa phận xã Ba Trại. Chất lượng môi trường nước có sự suy thoái rất lớn giữa đầu nguồn và và cuối nguồn nước thôn Dy.
Các tác nhân tác động đến nguồn nước chảy qua thôn Dy gồm: Chặn dòng lấy nước cho cá nhân hộ gia đình nuôi cá, chăn nuôi dẫn tới giảm lưu lượng nước; Xả nước thải chưa xử lý và rác thải xuống suối gây ô nhiễm dòng chảy; Kè lấn dòng chảy gây cản trở thoát nước về mùa mưa lũ .
Mở Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp
Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức "Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp" từ ngày 30/6-2/7.
Nhằm cung cấp kiến thức về kinh tế tuần hoàn, các chính sách của Chính phủ về phát triển kinh tế tuần hoàn và các yêu cầu về thương mại bền vững của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) với sự hỗ trợ từ Chính phủ Hà Lan sẽ tổ chức Chương trình "Tăng cường năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2022".
Các đại biểu tham gia "Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp" chụp ảnh lưu niệm.
Chương trình có ba hoạt động chính gồm: Tổ chức khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp; Chọn 02-03 doanh nghiệp để tham gia chương trình hỗ trợ sau đào tạo, trong 04 tháng; Cung cấp tài liệu hướng dẫn thiết thực để chuyển đổi và thực hiện các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn.
Tổ chức Hội thảo "Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh - Tiếp tục hay dừng khai thác?"
Sáng 23/9, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học "Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh - Tiếp tục hay dừng khai thác?". Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực có liên quan.
Toàn cảnh Hội thảo Khoa học "Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh - Tiếp tục hay dừng khai thác?"
Trong chuyến thị sát và làm việc tại Hà Tĩnh ngày 11/6/2022 về Dự án mỏ sắt Thạch Khê, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: "Việc quyết định dừng hay tiếp tục triển khai Dự án phải có đánh giá khoa học, khách quan; có đánh giá tác động tổng thể từ kinh tế đến tính chất xã hội, đời sống người dân, môi trường và các vấn đề liên quan; việc đánh giá cũng phải mang tính dự báo dài hơi".
Căn cứ vào chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, tổ chức thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đã chủ động phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực địa và làm việc với các cơ quan, tổ chức hữu quan của Hà Tĩnh về Dự án mỏ sắt này.
"Để có được ý kiến rộng rãi, toàn diện, khách quan của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức hữu quan về các vấn đề địa chất - khoáng sản - kinh tế - môi trường - xã hội, Hội Kinh tế môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh - Tiếp tục hay dừng khai thác?" PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhấn mạnh.
Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, làm việc, kết quả Hội thảo, tham vấn ý kiến các bên về Dự án, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có văn bản số 10/CV-KTMTVN/2022 ngày 18/10/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các bộ, ngành về một số vấn đề liên quan đến Dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Tổ chức Giải bóng đá Kinh tế Môi trường toàn quốc lần II-2022
Nhằm tiếp nối thành công của Giải Bóng đá Kinh tế Môi trường lần I - 2020; Hướng tới kỷ kiệm 16 năm ngày thành lập Tạp chí Kinh tế Môi trường (10/07/2006-10/07/2022); kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc Khánh (2/9/1945-2/9/2022); nhằm kết nối và tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích giữa các cơ quan báo chí và các doanh nghiệp, Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức Giải Bóng đá Kinh tế Môi trường toàn quốc lần II - 2022.
Lễ Khai mạc Giải Bóng đá Kinh tế Môi trường toàn quốc lần II-2022 diễn ra tại Hà Nội.
Ngày 16/7, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã tổ chức Lễ Khai mạc Giải Bóng đá Kinh tế Môi trường toàn quốc lần II-2022. Năm nay, giải đấu được tổ chức rộng rãi, quy mô tại ba miền Bắc - Trung - Nam dành cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên và các doanh nghiệp với ý nghĩa thiết thực, kêu gọi người dân bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh theo mục tiêu đề ra của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26.
Tham dự giải đấu năm nay có 32 đội đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cũng như các doanh nghiệp ở 3 miền đất nước.
Trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và trồng cây xanh tại Hà Nội và Nghệ An
Sáng 17/7, Ban tổ chức Giải Bóng đá Kinh tế Môi trường toàn quốc lần II-2022 đã thực hiện "Chương trình trao tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và trồng cây xanh tại trường tiểu học Đồng Tháp" tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ trao học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, PGS.TS Trương Mạnh Tiến hi vọng, những phần học bổng đã trao cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường tiểu học Đồng Tháp sẽ giúp các cháu giảm bớt gánh nặng cuộc sống, tập trung cho việc học hành, tu dưỡng đạo đức, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
Ban tổ chức giải trao học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường tiểu học Đồng Tháp.
Bên cạnh hoạt động thiện nguyện, Ban Tổ chức cũng hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ bằng việc trồng cây tại điểm Trường tiểu học Đồng Tháp.
Mong rằng, mỗi hành động nhỏ sẽ tạo nên phong trào lớn, qua đó giáo dục thế hệ tương lai của đất nước cách ứng xử với thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái Đất - nơi duy nhất trong vụ trụ có sự sống tính đến thời điểm hiện tại".
Cùng ngày, ban tổ chức đã trồng cây tại Trường tiểu học Đồng Tháp và trao tặng học bổng trị giá 10.000.000 đồng đến từ quỹ học bổng "Chuyện nhà Dr Thanh" cùng các phần quà từ Ban tổ chức giải cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đồng Tháp.
Cũng trong khuôn khổ chương trình từ thiện, ngày 7/10, Đại diện Ban tổ chức Giải Bóng đá Kinh tế Môi trường toàn quốc lần II-2022 đã thực hiện "Chương trình trao tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và trồng cây xanh tại trường tiểu học Hưng Mỹ" tại xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Đại diện Ban tổ chức giải, các nhà hảo tâm trao học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường tiểu học Hưng Mỹ.
Phát biểu tại buổi lễ trao học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà báo Hồ Ngọc hi vọng, những phần học bổng đã trao cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tại Trường tiểu học Hưng Mỹ sẽ giúp các cháu vượt qua nỗi đau mất mát, ổn định cuộc sống, vươn lên trong học tập, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Bên cạnh hoạt động thiện nguyện, văn phòng Tạp chí Kinh tế Môi trường miền Trung cũng hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ bằng việc trồng cây tại điểm Trường tiểu học Hưng Mỹ.
Cùng ngày, văn phòng Tạp chí Kinh tế Môi trường tại miền Trung đã trồng cây tại Trường tiểu học Hưng Mỹ và trao tặng 1 học bổng trị giá 10.000.000 đồng đến từ quỹ học bổng "Chuyện nhà Dr Thanh". Đồng thời, trao tặng các phần quà của các nhà tài trợ, trị giá hơn 20.000.000 đồng cho 10 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hưng Mỹ.
Tổ chức chương trình khám sàng lọc, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho nhân dân và trao học bổng cho học sinh trên địa bàn xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang
Ngày 6/8, Quỹ Gieo mầm Xanh hạnh phúc (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam), Tạp chí Kinh tế Môi trường cùng các y, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện "Chương trình khám sàng lọc, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho nhân dân và trao học bổng cho học sinh trên địa bàn xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang".
Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường, "Lá lành đùm lá rách", "Thương người như thể thương thân" là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Để tiếp nối và phát huy truyền thống ấy, Quỹ Gieo Mầm Xanh Hạnh Phúc - Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp cùng Trung Tâm Y học Hạt nhân - Bệnh viện Bạch Mai; Huyện đoàn Xín Mần, UBND xã Nấm Dẩn và các nhà tài trợ tổ chức Chương trình khám sàng lọc, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho nhân dân và trao học bổng cho học sinh trên địa bàn xã Nấm Dẩn.
Bà con xã Nấm Dẩn xếp hàng chờ để được các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khám sàng lọc.
"Hi vọng rằng, thông qua Chương trình sẽ giúp bà con nhân dân xã Nấm Dẩn nắm được tình hình sức khỏe của bản thân, có hướng điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, với những suất học bổng và phần quà từ Ban Tổ chức, mong rằng các cháu học sinh và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ vơi bớt đi phần nào gánh nặng cuộc sống, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Thay mặt ban tổ chức, tôi xin chân thành cảm ơn Huyện Đoàn Xín Mần, UBND xã Nấm Dẩn, đặc biệt là các y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai và nhà tài trợ đã tạo điều kiện, giúp đỡ chúng tôi thực hiện chương trình thiện nguyện ý nghĩa, giàu tình nhân ái này", Trưởng Đoàn thiện nguyện chia sẻ.
Hỗ trợ kinh phí xây 3 căn nhà tình nghĩa tại Yên Bái
Ngày 15/10, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái và trao kinh phí hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Vì người nghèo (17/10), Tạp chí Kinh tế Môi trường cùng Công đoàn Trụ sở chính Ngân hàng Agribank tổ chức trao nhà tình nghĩa (mỗi ngôi nhà trị giá 50 triệu đồng) cho gia đình hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại tỉnh Yên Bái.
Tạp chí Kinh tế Môi trường trao kinh phí cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái để hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho người nghèo tại Yên Bái.
Với tinh thần tương thân tương ái, Tạp chí kinh tế Môi trường mong góp phần giúp cho những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhà ở, ổn định cuộc sống và vươn lên phát triển kinh tế, đồng thời góp phần giúp cho tỉnh Yên Bái phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.
Tại buổi làm việc, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã trao kinh phí hỗ trợ xây nhà tình nghĩa 150 triệu đồng cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái để hỗ cho cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tại tỉnh Yên Bái nhằm góp phần giúp đỡ những gia đình ấy vươn lên trong phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Giành 2 giải báo chí về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng
Ngày 27/9, Ban tổ chức cuộc thi viết về "Bảo vệ Môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội lần thứ II", năm 2021-2022 đã tổ chức Lễ trao giải cho 16 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải và các cá nhân, tổ chức đã có đóng góp cho việc bảo vệ môi trường Thủ đô.
Đây là lần thứ hai cuộc thi viết về "Bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội" được báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở TN&MT TP.Hà Nội tổ chức, Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội chủ trì, theo Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 12/01/2022 của TP.Hà Nội.
Cuộc thi đã tiếp nhận được 525 bài viết từ 317 tổ chức và cá nhân, với 19 loạt bài và 506 tác phẩm đơn lẻ. Trong đó có 13 loạt bài đăng tải trên các báo Trung ương và Hà Nội; 6 loạt bài đăng trên Báo Kinh tế và Đô thị.
Tác phẩm đơn lẻ đã có 81 bài được chọn đăng trên Báo Kinh tế và Đô thị, 42 bài đăng tải trên các báo Trung ương và Hà Nội, thời gian đăng từ 1/7/2021-15/6/2022, được gửi tới Cuộc thi. Nội dung tác phẩm dự thi đã đáp ứng yêu cầu đặt ra của cuộc thi, được thể hiện với nhiều thể loại khác nhau: Phản ánh, phóng sự, điều tra, Longform, eMagazine, Multimedia, Megastory,...
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông (bìa trái) và Nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị (bìa phải) trao giải Nhất cuộc thi cho nhóm tác giả của Tạp chí Kinh tế Môi trường.
Loạt bài 5 kỳ: "Ao, hồ tại Hà Nội bị "gặm nhấm" trong cơn lốc đô thị hóa" của nhóm tác giả: Phạm Giang, Ngọc Ánh, Bùi Hằng, Nguyễn Cường, Hải Đăng, Ngạc Hiệp, Linh Chi đăng trên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi viết về "Bảo vệ Môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội lần thứ II".
Ban tổ chức đánh giá, loạt bài 5 kỳ do nhóm tác giả của Tạp chí Kinh tế Môi trường thực hiện đã phản ánh rõ nét về thực trạng san lấp, lấn chiếm, ô nhiễm ao, hồ trên địa bàn TP.Hà Nội, đồng thời đề xuất một số giải pháp từ các chuyên gia để Hà Nội giữ gìn, bảo tồn ao, hồ, bảo vệ những "lá phổi xanh" trên địa bàn Thành phố.
Tác phẩm được đầu tư công phu, gây ấn tượng mạnh khi được trình bày dưới hình thức Longform với các hình ảnh mang tính báo chí cao, sắc nét,.. làm rõ được tình trạng lấn chiếm ao hồ trên địa bàn TP.Hà Nội dẫn tới những hệ luỵ không nhỏ về môi trường.
Ban tổ chức trao Giải Đặc biệt cho nhóm tác giả Tạp chí Kinh tế Môi trường.
Ngày 7/12, Tạp chí Kinh tế Môi trường lại một lần nữa giành về cho mình Giải Đặc biệt giải giải “Báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022”.
Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022 do Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, EVN tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá, thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Giải thưởng có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mà còn có ý nghĩa thiết thực với hoạt động nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả của báo chí đối với đời sống xã hội.
Với loạt bài viết 5 kỳ với chủ đề “Việt Nam còn nhiều thách thức để bảo đảm an ninh năng lượng” của nhóm tác giả: Nguyễn Văn Chương, Hoàng Xuân Cơ, Phạm Thị Giang, Hoàng Hải Đăng, Ngạc Thế Hiệp được đăng trên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường. Loạt bài đã xuất sắc vượt qua hơn 300 tác phẩm giành Giải Đặc biệt Giải báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022.
Tổ chức Hội thảo Một số vấn đề quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Ngày 2/12, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay". Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Chung tay Hành động bảo vệ nguồn nước (CAWACON) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
PGS.TS Lưu Đức Hải. Chủ tịch hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trình bày bài tham luận tại Hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của cơ quan soạn thảo, các cơ quan quản lý về tài nguyên, các hội khoa học chuyên ngành liên quan đến tài nguyên nước, các viện nghiên cứu và trường đại học và đặc biệt là các nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, sử dụng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tài nguyên nước.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA tặng hoa các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo
Vấn đề tài nguyên nước liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, liên quan đến đời sống xã hội. Chính vì thế, đây là một vấn đề hết sức quan trọng. Hội thảo Một số vấn đề quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay này cố gắng đưa ra các ý kiến của các nhà khoa học về vấn đề tài nguyên nước. Các ý kiến của buổi hội thảo này sẽ được tập hợp gửi đến ban soạn thảo Luật Tài nguyên nước.