Thu ngân sách 10 tháng vượt 16,2% so với cùng kỳ năm trước
Vốn FDI thực hiện tiếp tục tích cực, tính chung 10 tháng đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, góp phần giảm áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế của nước ta trong ngắn hạn, đồng thời giúp gia tăng năng lực sản xuất mới của nền kinh tế trong thời gian tới.
Bộ Tài chính cho hay, thu ngân sách Nhà nước 10 tháng vượt dự toán chủ yếu do nền kinh tế duy trì được đà phục hồi và tăng trưởng khả quan (GDP 9 tháng tăng 8,83%, là mức tăng cao nhất từ năm 2011 đến nay; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), kim ngạch xuất khẩu, giá trị xuất siêu đều tăng…).
Sau 10 tháng, thu ngân sách Nhà nước đã đạt mức hơn 103% dự toán. (Ảnh minh họa)
Mặt khác, giá dầu, khí tăng cao đã đem lại nguồn vượt thu khá từ dầu thô. Theo Bộ Tài chính, thu từ dầu thô sau 10 tháng ước đạt 65.500 tỷ đồng, vượt 132,4% dự toán, tăng 95% so cùng kỳ năm 2021.
Cùng với đó là việc cơ quan thuế tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử để truy dấu gian lận, rà soát những nguồn thu có tiềm năng nhưng còn thất thu để đưa vào quản lý, quyết liệt quản lý, chống thất thu, khai thác tăng thu từ hoạt động thương mại điện tử, từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, từ khai thác tài nguyên.
Dù thu ngân sách vượt dự toán chỉ sau 10 tháng song theo Bộ Tài chính, thu nội địa đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể, thu nội địa bình quân 5 tháng đầu năm thu đạt 130.800 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên từ tháng 6 đến nay thu bình quân chỉ đạt gần 100 nghìn tỷ đồng. Trong đó thu tháng 9 chỉ còn 71.200 tỷ đồng; tháng 10 không kể các khoản thu kê khai thu theo quý thì số thu chỉ đạt khoảng 70.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính thông tin: “Có 62/63 địa phương thực hiện thu nội địa 10 tháng tiến độ đạt trên 85% dự toán; 51/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 12 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ”.
Trong chiều ngược lại, luỹ kế 10 tháng chi ngân sách Nhà nước ước đạt gần 1,22 triệu tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 297.800 tỷ đồng; chi trả nợ lãi ước đạt gần 78.300 tỷ đồng; chi thường xuyên ước đạt 841.300 tỷ đồng.
Như vậy sau 10 tháng, ngân sách Nhà nước bội thu hơn 240.000 tỷ đồng.
Cơ cấu tăng thu ngân sách Nhà nước vẫn chưa vững chắc
Trước đó, trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường ghi nhận thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm đạt cao (tăng 14,3% so với dự toán, tăng 2,9% so với ước thực hiện năm 2021). Trong đó, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều vượt dự toán.
Tuy nhiên báo cáo của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, cơ cấu tăng thu ngân sách Nhà nước vẫn chưa vững chắc, tỷ trọng tăng thu từ đất còn lớn; thu ngân sách địa phương không đồng đều giữa các địa phương, nhiều địa phương ước không đạt dự toán; tồn tại bất cập trong phân cấp nguồn thu giữa trung ương và địa phương.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ về ước thực hiện các khoản thu ngân sách Nhà nước năm 2022, bảo đảm thu đúng, thu đủ, sát với tình hình thực tế. Đề nghị báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong việc nhiều năm liền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không đạt dự toán; đánh giá kỹ nguyên nhân của tình trạng nợ thuế có xu hướng tăng.
Về chi ngân sách, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng vẫn còn một số vấn đề nổi lên trong việc phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển. Đồng thời đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng giải ngân vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đến hết tháng năm 2022, khả năng hoàn thành dự toán, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.
Chính phủ đã và đang chỉ đạo phấn đấu tăng thu ngân sách, rà soát tiết kiệm chi, cắt giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết để tiếp tục giảm mức bội chi. |