Đáng chú ý phần lớn các trận động đất xảy ra tại huyện KonPlong, tỉnh Kon Tum. Chỉ tính riêng tháng 2 huyện đã xảy ra 17 trận động đất nhỏ. Ngày 7/2 xảy ra 9 trận động đất. Trận động đất có độ lớn cao nhất là 4.
Trong tháng Một, trên cả nước cũng đã xảy ra 8 trận động đất có độ lớn từ 2,5-2,8 gồm 6 trận động đất xảy ra ở huyện KonPlong.
Hai trận động đất khác xảy ra tại các huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) và huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) với độ lớn lần lượt là 2,6 và 2,8.
Thông thường, những trận động đất có độ lớn dưới 5 độ richter được xem là động đất nhỏ, ít khi gây rủi ro thiên tai. Những trận động đất từ 5 - 6 độ richter trở lên là động đất trung bình, nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai; từ 6 độ richter trở lên là động đất lớn, nguy cơ rủi ro thiên tai rất cao.
Theo nhận định của các chuyên gia, động đất năm 2023 tại Kon Plông, địa bàn xây thủy điện Thượng Kon Tum có điểm chung với hiện tượng ở đập thủy điện Sông Tranh 2, Quảng Nam - đều là động đất kích thích, xảy ra ở khu vực hồ chứa. Khi các nhà máy thủy điện hoạt động làm tăng ứng xuất gây sức ép xuống lòng đất, dẫn tới dịch trượt làm phát sinh động đất.
Ngày 7/2, huyện KonPlong, tỉnh Kon Tum xảy ra 9 trận động đất.
Tháng 3/2021, thủy điện Thượng Kon Tum tích nước phát điện. Từ tháng 4/2021, động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Plông và các huyện lân cận, tần suất các trận cũng tăng đột biến sau đó. Thống kê cho thấy, từ năm 2021 đến nay nơi đây đã xảy ra trên 200 trận động đất mới.
Đánh giá về mức độ nguy hiểm của các trận động đất xảy ra tại Kon Tum, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, cho rằng, động đất kích thích rất ít khả năng gây ra thiệt hại về người và của.
Theo vị chuyên gia về động đất, đó chỉ là những trận động đất với cường độ trung bình nhỏ và vừa. Trận động đất lớn nhất được ghi nhận tại Kon Tum thời gian vừa qua là 4,5 độ Richter - đây chỉ là mức thấp so với thang đo động đất của thế giới. Các trận động đất có cường độ trên 5,5 độ Richter mới bắt đầu có khả năng gây ra thiệt hại.
"Chính vì vậy, người dân tại Kon Tum không nên quá hoang mang, lo lắng trước hiện tượng này. Để người dân sớm trở lại ổn định cuộc sống, cơ quan chức năng cần tích cực phổ biến kiến thức về động đất cho người dân, hướng dẫn người dân cách ứng phó khi xảy ra động đất."
Thông qua các buổi Hội thảo, các chuyên gia của Viện Vật Lý địa cầu sẽ giải thích cho người dân hiểu hơn về hiện tượng động đất kích thích và cách ứng phó khi xảy ra động đất. Phải làm cho người dân hiểu thì người dân mới không sợ và không hoang mang, nếu người dân không hiểu thì họ sẽ mãi sợ hãi một thứ không đáng để sợ", PGS.TS Nguyễn Hồng Phương nhấn mạnh.