Song Vũ ·
1 năm trước
 6895

Việt Nam liên tục xảy ra động đất, có đáng lo?

Việt Nam không nằm gần ranh giới mà nằm trong mảng kiến tạo Âu Á nên địa chất có phần ổn định hơn, các đới đứt gãy chỉ gây ra các trận động đất ở mức độ trung bình.

Liên tục xảy ra động đất tại Việt Nam

Mấy năm gần đây động đất diễn ra khá liên tục ở Việt Nam và có chiều hướng tăng dần vể tần suất. Ngay trong tuần này, ở Kon Tum, hầu như hôm nào cũng xuất hiện động đất, có thời điểm xảy ra liên tiếp 4 trận chỉ trong 1 ngày. 

Không chỉ Kon Tum, nhiều khu vực khác trên cả nước cũng xảy ra động đất, thậm chí có nơi hiếm khi xuất hiện động đất trước đó. 

Theo Viện Vật lý địa cầu, tính từ đầu năm 2023 tới nay, trong vòng hơn 2 tháng Việt Nam đã xảy ra gần 60 trận động đất, nhiều nhất ở Kon Tum. Trong đó, đáng chú ý có 4 trận ở huyện Kon Plông có thể cảm nhận được rung lắc với độ lớn từ 3.5 - 3.9. Ngoài ra, một trận động đất hiếm gặp xảy ra hôm 8/3 tại huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc, địa phương nằm giáp với nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội.

Cùng ngày, người dân tại huyện Mường Tè, Lai Châu cũng cảm nhận được sự rung lắc nhà cửa và đồ vật trong nhà khi xuất hiện trận động đất với độ lớn 4.4. Trước đây, vào năm 2020, tại khu vực này cũng từng xảy ra 1 trận động đất có độ lớn 4.9 làm hai cháu nhỏ bị thương và sạt lở cục bộ.

Cũng trong năm 2020, một trận động đất gây rung chấn mạnh với độ lớn 5.3 xảy ra tại Mộc Châu, Sơn La. Đây là trận động đất lớn nhất từng xuất hiện ở Sơn La, lan truyền tới nhiều vùng lân cận. Hơn 38 hộ dân bị ảnh hưởng, người dân vô cùng hoảng sợ

Rung lắc mạnh làm nhiều nhà bị sập mái hoàn toàn, rơi vỡ đồ đạc, nứt, vỡ tường nhưng rất may không có thiệt hại về người.

Vào năm 2019, một trận động đất lớn có độ lớn 5.4 tại Cao Bằng cũng khiến hai xã Đàm Thủy và Đình Phong của huyện Trùng Khánh bị thiệt hại nặng. Nhiều nhà dân nứt toác. Đá lớn từ trên sườn núi rơi xuống đè bẹp 1 ô tô. Nhà dân hư hại, diện tích đất sản xuất bị đất, đá vùi lấp. Người dân không dám về nhà.

Nguyên nhân gây ra động đất ở Việt Nam

Tại Kon Tum, theo đánh giá từ Viện Vật lý địa cầu, nguyên nhân chủ yếu là do kích thích hồ chứa, tức là áp suất cột nước của các hồ chứa nước kích thích đới đứt gãy địa chất ở đây gây ra các trận động đất. 

Thời gian gần đây, tần suất động đất xảy ra liên tục nhưng hầu hết ở mức độ nhẹ. Còn các trận động đất ở khu vực khác tuy tần suất ít hơn nhưng lại có độ lớn mạnh hơn, có thể gây rung chấn nhiều khu vực lân cận. Bởi đây là động đất do các đới đứt gãy địa chất tự nhiên gây ra.

Bề mặt trái đất vốn được tạo thành từ các mảng kiến tạo địa chất. Sự tương tác giữa các mảng kiến tạo này tạo thành địa hình núi cao và các hoạt động địa chất khác như núi lửa hay động đất. Các hiện tượng này sẽ hoạt động mãnh mẽ ở khu vực giáp ranh các mảng kiến tạo lớn với đường màu đỏ hay màu xanh trên bản đồ này. Việt Nam không nằm gần ranh giới mà nằm trong mảng kiến tạo Âu Á nên địa chất có phần ổn định hơn, các đới đứt gãy chỉ gây ra các trận động đất ở mức độ trung bình.

Theo bản đồ phân vùng nguy cơ của Viện Vật lý địa cầu, động đất độ lớn cao nhất có thể xảy ra ở Việt Nam sẽ không quá 6.8, tập trung ở Tây Bắc Bộ và Nghệ An, tương ứng với màu nâu đậm. Vùng màu nâu nhạt trong đó có Kon Tum hay các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh độ lớn động đất nếu xảy ra, cao nhất từ 5-5,9. Các khu vực còn lại trên cả nước nếu xảy ra chỉ ở mức độ nhẹ, dưới 5.

Mức độ nguy hiểm của động đất

Độ lớn của trận động đất được đánh giá theo thang đo moment 1-10 hoặc hơn. Trong đó, các trận động đất nhỏ hơn 4 thường không gây thiệt hại. Từ 4-4,9, mặt đất bắt đầu rung chuyển, cảm nhận rõ rung lắc và có thể làm đổ gãy cây cối. Động đất trung bình có độ lớn từ 5-5,9 nhà cửa sẽ bị rung chuyển, các bức tường hay các công trình có hiện tượng nứt nhẹ. Hầu hết các trận động đất xảy ra ở Việt Nam đều từ mức này trở xuống.

Từ 6 - 6,9 là động đất mạnh, ở Việt Nam khá hiếm gặp. Lúc này nhà cửa sẽ bị hư hại, một số nhà có kết cấu yếu có thể bị sụp đổ. Từ 7 trở lên là các trận động đất lớn có sức tàn phá trên diện rộng, phá hủy hầu hết các công trình xây dựng thông thường, có vết nứt lớn hoặc lún sụt trên bề mặt đất như ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 1 tháng.

Đến 8-9 là động đất cực kỳ mạnh, trên thế giới cũng rất hiếm khi xảy ra. Cấp độ này có thể phá hủy mọi thứ trên bề mặt, kể cả 1 ngọn núi và thay đổi địa hình trên diện rộng. Cấp độ 10 hoặc hơn sẽ là động đất huỷ diệt.

Như vậy, Việt Nam gần như không thể xảy ra động đất độ lớn trên 7 như Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng các trận động đất mức độ trung bình vẫn có thể gây ảnh hưởng nhiều, đặc biệt khi xảy ra gần các khu dân cư.

Dự báo động đất ở Việt Nam

Động đất thường xảy ra rất nhanh. Bề mặt đất rung chuyển gây ra các chấn động mạnh chỉ đếm bằng giây nên việc dự báo rất khó. Viện trưởng Viện vật lý địa cầu đã chia sẻ thông tin chi tiết hơn về công tác dự báo và cảnh báo động đất ở Việt Nam.

Theo đó, ngay cả trên thế giới, dự báo thời điểm xảy ra động đất rất khó. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, quan trắc, phân vùng động đất vẫn thực hiện được. Ví dụ, các trận động đất lớn bao nhiêu và tần suất hoạt động như thế nào rất quan trọng.

Việt Nam nằm trong khu vực động đất ở mức độ trung bình, độ lớn từ 5-6. Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm khoa học Công nghệ Việt Nam có duy trì mạng trạm quan trắc quốc gia về động đất. Tức là những trận động đất có độ lớn hơn 3,5 đều có thể phát hiện được.

Tuy nhiên, để phát hiện độ rung lắc một trận động đất ảnh hưởng đến các ngôi nhà, đặc biệt là các nhà cao tầng, chúng ta nên thiết lập quan trắc bổ sung, đó là quan trắc nằm tại các nhà cao tầng nhằm phát hiện rung lắc. Như vậy, chúng ta sẽ tính toán được ảnh hưởng của trận động đất đến các nhà cao tầng. Chúng ta phải thực hiện việc kháng chấn ở mức độ phù hợp cho các đô thị lớn.

Cách ứng phó khi xảy ra động đất

Theo thống kê, những trận động đất mạnh cũng chỉ kéo dài tối đa 3 phút. Nhưng động đất có thể kèm theo dư chấn sau đó lại không thể dự báo sớm chính xác thời điểm xảy ra. Thế nên, sự chủ động ứng phó là rất cần thiết, nhất là những vùng có nguy cơ cao xảy ra động đất như khu vực Tây Bắc và Kon Tum trong thời gian tới.

Sau đây là một số kỹ năng cơ bản để đảm bảo an toàn cho bản thân khi xảy ra động đất:

- Khi ở trong nhà, nếu thấy động đất xảy ra, để bảo vệ mình khỏi các đồ vật rơi vỡ, hãy chui xuống dưới gầm bàn và đợi khi rung chấn không còn.

- Không cố tắt lửa trên bếp vì bạn có thể bị bỏng nếu nước sôi bị đổ.

- Không sử dụng thang máy đề phòng mất điện bất ngờ.

- Hãy ngắt hết các cầu giao khi sơ tán ra khỏi nhà đề phòng hỏa hoạn do quên tắt các thiết bị điện.

- Nếu đang ở ngoài đường hãy chạy ngay tới vùng đất trống. Tránh xa các tòa nhà cao tầng, cây to và cột điện.

Đó là những kỹ năng người dân cần nắm được để ứng phó khi xảy ra động đất, nhất là bà con ở các khu vực nằm trong nguy cơ động đất cao.