Dự án điện gió Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2 và Đắk N’Drung 3 (Cả 3 dự án được triển khai trên địa bàn hai xã biên giới là Thuận Hà, Thuận Hạnh đều thuộc huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) là những dự án còn tồn tại nhiều vướng mắc. Trong thời gian triển khai xây dựng, chủ đầu tư của 3 dự án điện gió này cũng vấp phải "làn sóng" phản ứng dữ dội của người dân địa phương.
Người dân cho hay, phía chủ đầu tư chưa thực đầy đủ thủ tục về đất đai, các quy định về đảm bảo tiếng ồn, môi trường, khoảng cách an toàn… nhưng đã triển khai thi công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.
Trước đó, theo Tuổi Trẻ, Đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đắk Song còn cho rằng chủ đầu tư dự án đã thi công khi chưa hoàn thành các thủ tục cần thiết. Dù đã triển khai từ đầu tháng 3/2021 nhưng các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất cũng chưa được hoàn thành.
Tập kết vật tư, thiết bị phục vụ công trình điện gió. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)
Về vấn đề pháp lý dự án, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông cũng khẳng định việc chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thực hiện các dự án khi chưa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông ra quyết định cho thuê đất công trình năng lượng là vi phạm Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo TTXVN, một đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông khẳng định thời điểm khởi công xây dựng công trình (và cả tính tới thời điểm hiện nay, tháng 9/2021), đất đai là đất nông nghiệp, không phải là đất phi nông nghiệp.
Theo quy định, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (trong trường hợp này là Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông) và điều này được quy định tại điều 57, Luật Đất đai 2013. Do đó, hành vi của chủ đầu tư là sử dụng đất sai mục đích.
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này, cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định rõ tại điều 11, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Việc UBND huyện Đắk Song khẳng định "việc xử phạt vi phạm hành chính về đất đai là không có cơ sở" trên cơ sở viện dẫn các quyết định chủ trương đầu tư, danh mục các dự án cần thu hồi đất, kế hoạch sử dụng đất năm 2021 là không đúng quy định.
Bởi các văn bản được viện dẫn là chủ trương, là quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước, đây là cơ sở để chủ đầu tư tiến hành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và nộp tiền chuyển đổi theo quy định chứ không phải là cơ sở pháp lý để chủ đầu tư khởi công công trình.
Chỉ khi nào hoàn thành các thủ tục hành chính, nghĩa vụ tài chính và được cấp có thẩm quyền ra quyết định cho thuê đất công trình năng lượng, việc chủ đầu tư, nhà thầu khởi công, triển khai các dự án mới đúng các quy định pháp luật.
Tiếp đến, việc các dự án điện gió được khởi công khi chưa được phê duyệt thiết kế kỹ thuật đã vi phạm điều 14, Luật Xây dựng 2014; và các điều 12, 14, Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Bởi vào ngày 29/4, tức khoảng 1 tháng sau khi chủ đầu tư khởi công, triển khai xây dựng một số vị trí, hạng mục các dự án điện gió Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3, thiết kế kỹ thuật của cả ba dự án mới được cấp có thẩm quyền là Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương phê duyệt.
Lãnh đạo Sở Công Thương Đắk Nông khẳng định trách nhiệm đầu tiên trong xử lý các hành vi vi phạm nêu trên là của UBND cấp xã, cấp huyện, thanh tra xây dựng. Đến nay, các hành vi vi phạm nêu trên chưa bị xử lý.
Ngăn cản không cho chủ đầu tư thực hiện dự án vì chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý. Ảnh: Minh Hậu.
Trên đây đều là những thông tin chính xác từ TTXVN, tôi đã trích dẫn lại mong muốn giải đáp những vấn đề sau. Câu hỏi đặt ra là khi nhà thầu triển khai thực hiện các dự án khi chưa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông ra quyết định cho thuê đất công trình năng lượng là vi phạm Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhà thầu sẽ chịu xử lý như thế nào?
Nếu câu chuyện nhà thầu triển khai thực hiện các dự án khi chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai, gây ảnh hưởng đến lợi ích của người dân như những gì người dân đã phản ánh, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những thiệt thòi của người dân?
Thêm nữa, không chỉ dừng lại ở việc vi phạm Luật Đất đai, nhà thầu đã khởi công khi chưa được phê duyệt thiết kễ kỹ thuật kể trên, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm và xử lý ra sao?
Trách nhiệm xử lý vi phạm thuộc về UBND cấp xã, huyện, thanh tra xây dựng, tuy nhiên những đơn vị này đã không xử lý kịp thời những vi nghiêm trọng.
Thiết nghĩ, xử lý chủ đầu tư sai phạm là một vấn đề, nhưng việc kiểm điểm trách nhiệm của những đơn vị xử lý vi phạm chậm trễ cũng là một câu chuyện cần làm cứng rắn. Nếu không, sẽ tạo tiền lệ xấu khi Đắk Song đang có định hướng trở thành một trung tâm điện gió của tỉnh Đắk Nông.