Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian qua, tăng trưởng trong lĩnh vực lâm nghiệp khá cao, ước đạt 3,66% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chuẩn bị cây giống, hiện trường trồng rừng và phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” trên cả nước. Tháng 3, cả nước chuẩn bị được 94,2 triệu cây giống, trồng rừng đạt 19,8 nghìn ha, tăng 11,8% so với tháng 3/2023. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1.305,4 nghìn m3, tăng 2,4%.
Lũy kế 3 tháng, cả nước chuẩn bị được gần 419 triệu cây giống, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước; trồng rừng đạt 38,6 nghìn ha, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 3.349,2 nghìn m3, tăng 4,2%. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng và đôn đốc xử lý vụ việc khai thác rừng trái pháp luật nhằm kịp thời xử lý các điểm nóng về chặt phá rừng.
Trong quý I/2023, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Quý I/2023, cả nước thu 748,4 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; đã cấp chứng chỉ cho 419.582 ha rừng. Tính chung, đến nay có 718 chủ rừng quản lý 7,65 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp, 417 phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt, đạt 58% tổng số phương án cần phê duyệt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương chuẩn bị đủ cây giống, hiện trường để trồng rừng theo kế hoạch, chủ động kiểm soát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp. Tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; chỉ đạo, đôn đốc hệ thống kiểm lâm cả nước thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, bố trí lực lượng thường trực tại các vùng rừng có nguy cơ cháy cao…
Tính chung quý I/2023, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán tăng 6,0%; sản lượng gỗ khai thác tăng 4,2%.
Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2020, Việt Nam đã trồng được 230.000 rừng tập trung. Diện tích khoanh nuôi, bảo vệ, phục hồi rừng sản xuất diễn tiến theo hướng tích cực.
Cùng với đó, tổng sản lượng nguyên liệu gỗ của Việt Nam ước tính đạt 21 triệu tấn, đáp ứng được 80% nhu cầu chế biến gỗ trong nước. Tổng diện tích rừng toàn quốc đạt trên 14,6 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ước tính đạt 42%.
Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên đã ảnh hưởng không nhỏ tới tài nguyên rừng và hoạt động lâm nghiệp.
Độ che phủ của rừng nước ta giảm sút đến mức báo động. Những tổn thất về rừng là không thể bù đắp được và gây ra nhiều tổn thất lớn về kinh tế, về công ăn việc làm và phát triển đất nước bền vững.
Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, đề án 1 tỷ cây xanh (690 triệu cây phân tán ở đô thị và nông thôn, 310 triệu cây ở rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất…) chính là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Đề án 1 tỷ cây xanh, trong hai năm 2021 và 2022, cả nước đã trồng mới được 450 triệu cây xanh, bao gồm: 227 triệu cây rừng trồng tập trung (tương đương 130.000ha rừng trồng mới) và 223 triệu cây xanh trồng phân tán, vượt 7,6% so với kế hoạch. Trong đó, nguồn kinh phí thực hiện từ xã hội hóa chiếm tỷ lệ tới 50%. Đây là kết quả rất tích cực, đáng khích lệ, cần được phát huy và nhân rộng trong những năm tới.
Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong 5 lĩnh vực đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, lâm nghiệp là ngành duy nhất phát thải âm – do khả năng hấp thụ CO2 khổng lồ, vượt xa lượng phát thải. Đến năm 2030, lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất dự kiến sẽ giảm 70% lượng phát thải và tăng 20% lượng hấp thụ các-bon so với kịch bản phát triển thông thường, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -95 triệu tấn CO2tđ. Đến năm 2050, lượng phát thải sẽ giảm 90%, lượng hấp thụ các-bon tăng 30%, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -185 triệu tấn CO2tđ. |