Gia Bảo ·
1 năm trước
 6084

5G thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất bền vững

Phát triển 5G được coi là yếu tố tiên quyết cho doanh nghiệp sản xuất Việt Nam nếu muốn ứng dụng số hóa quy trình sản xuất và vận hành.

Khái niệm "chuyển đổi kép" (chuyển đổi số) để chuyển đổi xanh đã được Liên minh châu Âu đề cập và là một xu hướng quan trọng trong tương lai. Không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi kép này, tại Diễn đàn chuyển đổi số tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (21/3), nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp để giúp doanh nghiệp Việt Nam số hóa quy trình vận hành, sản xuất hướng tới phát triển bền vững. Trọng tâm sẽ là đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 5G trong sản xuất thông minh.

Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin, viễn thông Việt Nam đạt khoảng 148 tỷ USD, tỷ trọng kinh tế số đạt hơn 14% GDP. Để đạt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GDP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải thực hiện cùng lúc song song 2 mục tiêu, đó là vừa chuyển đổi số để phát triển doanh nghiệp, bên cạnh đó là chuyển đổi số để hướng tới phát triển xanh, bền vững theo xu hướng của toàn cầu.

Theo kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế, để có thể chuyển đổi số thành công, việc cấu trúc lại hệ thống dữ liệu đảm bảo thông suốt trong quản lý điều hành từ Chính phủ, các địa phương và nội tại doanh nghiệp là yếu tố cần thiết.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Ở Việt Nam, các doanh nghiệp liên quan đến rất nhiều thủ tục giấy tờ và có rất nhiều quy trình thủ công cần nhiều thời gian của người lao động lành nghề để xem xét tài liệu và tìm kiếm thông tin phù hợp. Để tăng năng suất lao động, việc xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp để họ không gặp phải sự chậm trễ là điều quan trọng", ông David Linden, Tham tán thương mại, Trưởng đại diện Business Sweden, nhận định.

Phát triển 5G được coi là yếu tố tiên quyết cho doanh nghiệp sản xuất Việt Nam nếu muốn ứng dụng số hóa quy trình sản xuất và vận hành của mình.

"5G sẽ là cơ sở hạ tầng giúp chuyển đổi kỹ thuật số có thể phát triển mạnh ngành công nghiệp bắt đầu từ con số không", ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, cho biết

Không chỉ giúp các doanh nghiệp nội địa nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí nhân lực, phát triển đồng bộ hạ tầng 5G cũng giúp Việt Nam có cơ hội lớn trong thu hút vốn đầu tư công nghệ cao, vốn đầu tư sản xuất bền vững trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh 2/3 các công ty đa quốc gia toàn cầu sẽ di dời các trung tâm sản xuất sang châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2025.