Ảnh hưởng tới sức khỏe con người
Trời nồm là một hiện tượng thời tiết rất đặc trưng của miền Bắc, thường xảy ra vào cuối mùa xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) gây bất tiện cho sinh hoạt và ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe con người.
Theo đó, khi độ ẩm cao gây ra cảm giác khó chịu, mệt mỏi cho cơ thể, những gia đình sống ở mặt đất có cảm nhận rõ rệt nhất. Mùi quần áo bẩn, kể cả quần áo đã giặt mà không thể khô, mùi ẩm mốc từ chăn, đệm, tường… cũng góp phần làm tăng cảm giác khó chịu. Thời tiết ẩm làm sàn nhà đọng nước, trơn trượt có thể làm cho trẻ em và người già té ngã gây chấn thương.
Độ ẩm cao còn tạo điều kiện tốt cho các virus, vi khuẩn, nấm mốc, bọ bụi nhà… phát triển, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp (bệnh viêm mũi họng cấp tính, viêm phế quản cấp, viêm phổi), nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, một số bệnh ngoài da và gia tăng tình trạng dị ứng. Độ ẩm kích thích trực tiếp vào niêm mạc đường thở dẫn đến viêm, tăng tiết và co thắt phế quản dẫn đến có các triệu chứng ho, hắt hơi, khó thở…
Thời tiết nồm làm kích thích xuất hiện các đợt bùng phát và làm tăng mức độ trầm trọng của một số bệnh đường hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản. Ngoài ra, trong bệnh viện, khi độ ẩm cao rất dễ gây chập cháy, hư hỏng các trang thiết bị y tế.
Mẹo khắc phục đơn giản
Để hạn chế ảnh hưởng xấu của độ ẩm cao, cần có những biện pháp sau để giảm độ ẩm trong không khí. Tốt nhất trong phòng có dụng cụ đo độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí trong phòng ở mức 40 - 60% bằng các biện pháp như đóng cửa kính phòng kết hợp với dùng máy hút ẩm, dùng điều hòa 2 chiều chế độ khô, tăng nhiệt độ trong phòng và thường xuyên vệ sinh sàn nhà, tường nhà, cửa kính bằng khăn khô.
Luôn đóng kín cửa
Trong tiết trời nồm, sàn nhà ướt nhẹp cộng thêm không khí bí bách khiến nhiều người có xu hướng mở cửa sổ, cửa chính để đón gió nhằm giúp nhà thoáng hơn và mong gió sẽ làm khô sàn. Nhưng đây lại là một sai lầm tai hại, những cơn gió mang độ ẩm cao thổi vào nhà chỉ khiến nơi ở của bạn thêm ẩm ướt. Tốt nhất, bạn nên hạn chế mở cửa, bật điều hòa và cũng đừng bật quạt để giữ cho ngôi nhà được khô ráo hơn.
Bật điều hòa chế độ khô
Nếu nhà bạn có điều hòa hai chiều, hãy bật chế độ khô. Đây là cách tuyệt vời để hút ẩm và lưu thông không khí, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên, đặc biệt là trong những ngôi nhà có trẻ nhỏ.
Ngoài ra, hiện tượng đọng nước trên sàn nhà, bề mặt nội thất và các thiết bị rất khó giải quyết. Vì vậy cần thường xuyên lau nhà bằng khăn khô để hạn chế việc đọng nước trên sàn gây nên những nguy hiểm bất ngờ. Không nên lau nhà bằng nước hoặc khăn ẩm vì sẽ làm hiện tượng đọng nước trở nên tồi tệ hơn.
Sử dụng các vật liệu hút ẩm
Hiện có khá nhiều loại máy hút ẩm có khá nhiều trên thị trường, giúp cho ngôi nhà của bạn được khô thoáng, sạch sẽ. Nếu không có điều kiện mua máy, bạn cũng có thể để một chậu than củi nhỏ trong phòng, dưới gầm ghế... để hỗ trợ hút ẩm trong nhà.
Với những khu vực sử dụng chung tại ngôi nhà như cửa ra vào, bồn rửa, cửa nhà tắm, bên cạnh thảm lau, bạn còn có thể đặt thêm 1 vài tờ báo để hỗ trợ hút ẩm trong thời gian ngắn. Đây là cách hay bởi không phải nhà nào cũng có đủ thảm chùi thay thế trong những ngày nồm ẩm kéo dài.
Hạn chế giặt quần áo
Trong những ngày nồm ẩm bạn nên hạn chế việc giặt quần áo, nếu nó chưa quá bẩn. Bởi giặt xong bạn phơi hoài quần áo cũng vẫn sẽ luôn có giảm giá ẩm ướt chưa kể còn có mùi hôi khó chịu nữa. Nếu giặt hãy ưu tiên giặt máy và chọn chế độ vắt cực khô. Nước xả vải cũng là 1 vị cứu tinh bạn nên sử dụng trong thời tiết nồm ẩm như này.
Chống mốc và khử khuẩn cho đồ dùng bằng nước nóng
Những đồ dùng gia đình như đũa, muôi bằng tre, gỗ rất dễ bị mốc trong những ngày ẩm. Bởi vậy sau khi rửa bát đĩa mỗi ngày, bạn hãy dùng nước nóng tráng lại lần cuối, phơi ráo hoặc xếp có khoảng cách để đồ dùng được khô, ráo đảm bảo vệ sinh. Nếu nhà có mấy sấy bát đĩa, đừng quên sử dụng chúng.
Bật các thiết bị ở chế độ chờ
Các thiết bị điện tử trong gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề của kiểu thời tiết nồm ẩm. Nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, nấm mốc gây hại dễ dàng xâm nhập vào các bộ phận bên trong dẫn đến những hư hỏng nghiêm trọng trong quá trình sử dụng. Bật thiết bị ở chế độ chờ để làm nóng bề mặt, hạn chế quá trình đọng nước trên thiết bị.
Ngoài ra, việc bật máy ở chế độ chờ không gây tiêu hao nhiều điện năng. Do đó, người dùng có thể yên tâm tuyệt đối khi bật máy ở chế độ chờ.
Lan Anh (T/h)