Mới đây, tại phiên toàn thể của Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Kông lần thứ 4, lãnh đạo Chính phủ các nước thành viên là Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã thông qua Tuyên bố chung Vientiane.
Bên cạnh việc thừa nhận những cơ hội cho sự phát triển bền vững trong tất cả lĩnh vực liên quan đến nước, Tuyên bố Vientiane cũng khẳng định việc giải quyết các thách thức của lưu vực sông Mê Kông ngày càng trở nên phức tạp.
Theo đó, Tuyên bố chung Vientiane đưa ra 7 lĩnh vực hành động ưu tiên.
Thứ nhất, dựa trên một quy hoạch phát triển lưu vực chủ động và thích ứng, xác định các dự án đầu tư chung và dự án quốc gia có ý nghĩa cho toàn lưu vực.
Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ có liên quan nhằm tăng cường tương trợ và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của cộng đồng ở cấp lưu vực và quốc gia; đưa ra các giải pháp ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu.
Thứ hai, hỗ trợ các quốc gia trong trợ giúp các cộng đồng thích ứng với các biến động của dòng sông thông qua việc đảm bảo một hệ thống thông tin liên lạc thông suốt.
Việc này nhằm thông báo kịp thời và hiệu quả các biến động bất thường, các vấn đề về chất lượng nước, lũ lụt và hạn hán và các trường hợp khẩn cấp khác liên quan tới nước.
Tuyên bố chung Vientiane đưa ra 7 lĩnh vực hành động ưu tiên trong giải quyết cách thách thức của lưu vực sông Mê Kông.
Thứ ba, hỗ trợ việc ra quyết định về phát triển và vận hành thông qua tăng cường sử dụng công nghệ trong thực hiện tất cả chức năng quản lý lưu vực sông từ công tác theo dõi, giám sát và quản lý vận hành công trình tới công tác đánh giá và lập kế hoạch, chiến lược dài hạn.
Thứ tư, đảm bảo rằng các hoạt động tham vấn được thực hiện hiệu quả hơn thông qua một diễn đàn của các bên liên quan toàn lưu vực do Ủy hội và các đối tác đối thoại phối hợp tổ chức.
Thứ năm, tăng cường quản lý toàn lưu vực trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Ủy hội thông qua đổi mới về chính sách, công nghệ và cơ chế hợp tác, đối tác với các khung hợp tác vùng khác có liên quan.
Thứ sáu, duy trì và tìm kiếm nguồn tài chính mới để hỗ trợ các nỗ lực nêu trên bao gồm các nguồn từ Nhà nước và tư nhân, cơ chế hỗ trợ tài chính toàn cầu.
Thứ bảy, đảm bảo Ủy hội đang trong quá trình chuyển đổi bền vững để tự chủ vào năm 2030, thông qua việc không ngừng phát triển tổ chức nhằm tăng cường năng lực của Ủy hội và các cơ quan, bộ, ngành có liên quan của quốc gia để triển khai thực hiện chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông.
Việc này bao gồm thu thập và quan trắc các số liệu liên quan về nước do các nhóm chuyên gia chung của lưu vực thực hiện, xây dựng một mạng lưới giám sát sông Mê Kông hiệu quả về mặt tài chính.
Việt Nam đóng góp vào hoạt động chung của khu vực
Trong bối cảnh tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng đối với Lưu vực Mê Kông, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải đổi mới tư duy hợp tác và có những bước đi đột phá, và với tinh thần đó đưa ra những đề xuất về định hướng hợp tác của Uỷ hội trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhất, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện Hiệp định Mê Kông năm 1995, cũng như Bộ Quy chế sử dụng nước đã được xây dựng, đồng thời tập trung thực hiện tốt các kế hoạch, chiến lược của Uỷ hội.
Thứ hai, mọi chính sách và hành động cần lấy con người làm trung tâm, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn lưu vực, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững của người dân, tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của mỗi cộng đồng trước những biến đổi nhanh chóng hiện nay; đồng thời tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở tiểu vùng sông Mê Kông.
Thứ ba, tăng cường sự phối kết hợp giữa Ủy hội và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác, trong đó phát huy vai trò là một trung tâm tri thức, cung cấp thông tin, dữ liệu, tư vấn cho các cơ chế hợp tác.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, kết nối và nâng cấp mạng lưới điện của vùng, qua đó góp phần phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ năm, thúc đẩy hợp tác giao thông thủy để tăng cường kết nối các nền kinh tế, thúc đẩy giao thương, đồng thời bảo đảm vận tải an toàn và có hiệu quả, không gây hại đến nguồn nước và môi trường sinh thái.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác với các đối tác để tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại, gắn kết hoạt động của Uỷ hội với nỗ lực thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và các chương trình nghị sự quốc tế lớn khác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác Mê Kông, đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động của Ủy hội một cách chủ động, tích cực và xây dựng nhằm góp phần thực hiện đầy đủ Hiệp định Mê Kông năm 1995, phát huy "tinh thần hợp tác Mê Kông", bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân các nước, lợi ích các quốc gia trong Lưu vực, giữa con người và thiên nhiên, giữa thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, và hiện thực hóa mục tiêu chung là phát triển bền vững Lưu vực sông Mê Kông, không để ai bị bỏ lại phía sau. |