Lan Anh ·
2 năm trước
 6874

8 vấn đề trọng tâm trong việc thực hiện cam kết tại COP26

Vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế, và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Cơ hội hợp tác về tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vài năm gần đây, thời tiết tại Việt Nam ngày càng bất thường. Các hình thái thời tiết cực đoan trải dài rộng khắp trên mọi miền đất nước như khô hạn, bão lũ, mưa cực đoan, giông lốc, rét đậm rét hại diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp.

Tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu.

8 vấn đề trọng tâm trong việc thực hiện cam kết tại COP26 - Ảnh 1
Cam kết mạnh mẽ tại COP26 mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho Việt Nam về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Nhiều nội dung, cam kết hành động được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26, bao gồm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; tham gia Cam kết giảm phát thải khí metan; tham gia Tuyên bố toàn cầu chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch, Tuyến bố Glasgow của các lãnh đạo về rừng và sử dụng đất... là những minh chứng cho thấy sự nhạy bén, tầm nhìn mang tầm thời đại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 

Trong cuộc họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 diễn ra vào ngày 13/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Tại COP26, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Đây là một trong những nội dung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Cũng tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 như: Kết quả tham dự Hội nghị COP26 và việc tổ chức thực hiện các cam kết; Đề án triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo...

Bên cạnh đó, các đại biểu đã góp ý về Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo, đề cương Đề án triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, bao gồm các nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai kết quả COP26, xác định các nhiệm vụ cụ thể cần ưu tiên triển khai ngay nhằm tạo đột phá trong thể chế, chính sách và đầu tư thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; việc tổ chức hội nghị với các tổ chức phát triển.

Các chuyên gia cho rằng, cam kết của Việt Nam tại COP26 đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ về quyết tâm cao trong ứng phó với biến đổi khí hậu, ngay lập tức nhận được sự đánh giá cao và sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, mở ra cơ hội tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Đã cam kết thì phải làm, đã làm thì phải có hiệu quả, tránh hình thức”

Chống biến đổi khí hậu là vấn đề tác động, liên quan đến mọi ngành, lĩnh vực, địa phương nên phải có cách tiếp cận toàn diện, tổng thể; lấy cấp cơ sở làm nền tảng; đồng thời kết hợp hài hòa, hiệu quả, hợp lý giữa chuyển đổi xanh, chuyển đổi số với các chuyển đổi khác.

8 vấn đề trọng tâm trong việc thực hiện cam kết tại COP26 - Ảnh 2
Ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược trên toàn cầu.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế. Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, cần sự tham gia của tất cả các quốc gia. Vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là mục tiêu, là động lực, là trung tâm, là chủ thể để thực hiện.

"Đã cam kết rồi thì phải làm mà đã làm rồi phải có hiệu quả mang lại cho nhân dân, cho đất nước. Làm việc với tinh thần, khí thế như vậy thì chúng ta mới có thể thành công được. Còn nhận thức không đúng, làm hời hợt hoặc là làm mang tính chất hình thức thì không làm được. Đây là vấn đề khó, còn có cả những vấn đề nhạy cảm. Chúng ta không quyết tâm, không có sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, không làm bằng tất cả tấm lòng, bằng trái tim, cảm xúc của mình thì cũng không thành công" – Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Người đứng đầu Chính phủ gợi mở 8 nội dung cần tập trung thực hiện gồm: tập trung chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch; kế hoạch giảm phát thải khí metan; giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính; giảm phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích phương tiện giao thông sử dụng điện; phát triển rừng để hấp thu khí CO2; sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển đô thị xanh; đẩy mạnh chuyển đổi số; đẩy mạnh truyền thông để mọi người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia...

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị thúc đẩy nhanh Quy hoạch điện VIII, phù hợp với sự phát triển. Các bộ ngành liên quan phối hợp tổ chức sớm cuộc gặp gỡ các đối tác, nhà tài trợ để tìm tiếng nói chung giữa cung và cầu. Các bộ, ngành, cơ quan bố trí con người, nguồn lực tham gia tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo để đạt hiệu quả cao nhất.

Nguồn