TM ·
2 năm trước
 23677

90 tàu chở dầu khổng lồ, 65 triệu thùng dầu của Nga đang 'lang thang' trên biển

Các cảng biển từ chối tiếp nhận tàu biển từ Nga, khách hàng quay lưng, những con tàu chở dầu của Nga đang phải liên tục thay đổi lộ trình.

Dầu của Nga không biết đi đâu về đâu

Theo thông tin cho biết, một tàu chở dầu do Nga vận hành bị Anh từ chối cập cảng cách đây hơn một tuần vẫn chưa tìm được cảng dỡ hàng. Nhiều tàu khác cũng đang ở trong tình trạng tương tự khi người mua từ chối các thỏa thuận thương mại với dầu thô của Nga sau khi xung đột quân sự giữa nước này và Ukraine leo thang, theo MarineLink.

90 tàu chở dầu khổng lồ, 65 triệu thùng dầu của Nga đang 'lang thang' trên biển - Ảnh 1
Dầu của Nga đang 'lang thang' trên biển không biết đi đâu về đâu.

Mới đây, hôm 1/3, Anh cấm tất cả các tàu do Nga sở hữu, vận hành, điều khiển, đăng ký. Tuy nhiên, tình trạng có vẻ chưa rõ ràng khi sau đó Anh lại tuyên bố Nga vẫn có thể đưa dầu và khí đốt đến nước này vì lệnh cấm chỉ nhắm đến các con tàu, chứ không phải hàng hóa. Mặc dù vậy, nước này vẫn từ chối dỡ hàng một tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vào tuần trước, buộc nó phải xả hàng tại Pháp.

Ngày 28/2 trước đó, tàu NS Champion do công ty vận tải Nga Sovcomflot (SCF) điều hành đã đổi hướng và khởi hành từ Anh đến Đan Mạch, dữ liệu theo dõi tàu trên Eikon cho thấy.

Dự đoán của công ty phân tích hàng hải Windward cho biết, có tới 65 triệu thùng dầu thô của Nga đã được đưa lên 90 tàu chở dầu nhưng chưa tìm được điểm đến. 7 trong số đó, với 5 triệu thùng dầu, đã báo cáo vị trí là hướng đến Mỹ, Windward nói thêm.

Oil Price cũng cho hay, hàng loạt tàu chở dầu thuộc sở hữu của Nga đã không hoạt động dọc theo bở biển châu Âu và Bắc Mỹ trong hơn một tuần qua khi người mua từ chối giao dịch dầu thô của Nga.

Có tới 9 tàu cỡ trung - Aframax - thuộc sở hữu của nhà điều hành đội tàu chở dầu thuộc nhà nước Nga là Sovcomflot đã không hoạt động trong hơn 1 tuần trong khi thời à công ty sở hữu nhiều loại tàu này nhất thế giới.

Sau khi Nga tiến quân vào Ukraine, một số quốc gia đã cấm tàu Nga đến các cảng và vùng biển của họ. Canada và Vương quốc Anh là những người tiên phong. Ngày 1/3, Canada đã cấm các tàu và tàu cá của Nga vào các cảng và vùng nội thủy của Canada. Cùng ngày, Vương quốc Anh cấm cảng bất kỳ tàu nào "thuộc sở hữu hoặc điều hành của bất kỳ ai có liên hệ với Nga" và nói rằng các nhà chức trách cũng sẽ được trao quyền lực mới để giam giữ các tàu của Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần qua đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu và năng lượng của Nga và ngay sau đó, Anh tuyên bố sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm từ dầu của Nga vào cuối năm 2022.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu vẫn chưa có quyết định rõ ràng về một lệnh cấm tương tự. Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành EU chỉ cho biết họ sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nữa. Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đang chia rẽ về việc có nên cấm vận chuyển hàng hóa năng lượng liên quan đến Nga hay không.

Riêng ở Pháp và Bỉ vẫn tiếp nhận và dỡ hàng 2 tàu chở khí đốt của Nga vào ngày 5/3. Trong khi đó, Đan Mạch thúc đẩy EU đưa ra quyết định chung về việc loại bỏ tàu của Nga ra khỏi các cảng trong khối, theo Reuters.

Alexander Brandt, một luật sư về lệnh trừng phạt tại công ty luật Reed Smith, cho biết các chủ tàu và nhà khai thác đã "vật lộn để theo kịp các lệnh trừng phạt đang được ban hành. Họ lo ngại rằng các hoạt động được phép hôm nay sẽ bị cấm vào ngày mai".

Trước kia, mỗi năm, có một lượng lớn các tàu chở dầu thô và LNG của Nga cập cảng Vương quốc Anh, cùng với đó là tàu chở thép và các loại hàng hóa khác, theo Nick Austin, một đối tác vận chuyển của Reed Smith cho biết. "Những còn tàu và hàng hóa đó giờ sẽ phải đi nơi khác, hoặc nhiều khả năng không bao giờ rời khỏi Nga".

Những quốc gia nhập khẩu nhiều dầu nhất từ Nga

Thông tin cho biết, Châu Âu và Trung Quốc là những đối tác lớn nhất nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng hoá thạch từ Nga.

Phần lớn dầu xuất khẩu của Nga được mua bởi các nước châu Âu và Trung Quốc – chiếm đến 90% tổng lượng dầu xuất khẩu của nước này.

Cũng chính vì lý do trên, các chuyên gia tin rằng châu Âu khó có thể đưa ra một lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga mà không làm tổn thương nhiều đến kinh tế giống như Mỹ.

Cùng với đó, Nga là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Ả rập Xê út. Nước này xuất khẩu khoảng 2,85 triệu thùng dầu mỗi ngày qua đường biển và đường ống, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Các nước châu Âu là khách hàng lớn nhất của Nga, trong khi Trung Quốc là người mua đơn lẻ lớn nhất. Năm 2021, châu Âu mua khoảng 42% tổng lượng sản xuất dầu của Nga trong khi Trung Quốc mua 14%. 30% lượng dầu Nga sản xuất được dành cho việc tiêu thụ nội địa.

Một số quốc gia lớn mua dầu của Nga bao gồm Đức, Hà Lan, Mỹ, Ba Lan và Hàn Quốc.

Theo thống kê, trong tháng 11/2021, châu Âu nhập khẩu dầu của Nga nhiều gấp 7 lần so với Mỹ, cho thấy sự phụ thuộc cực lớn vào dầu Nga.

Chẳng hạn, 83% lượng dầu nhập khẩu vào Lithuania là từ Nga, tiếp đến là Phần Lan (80%), Slovakia (74%), Ba Lan (58%), Hungary (43%) và Estonia (34%).

90 tàu chở dầu khổng lồ, 65 triệu thùng dầu của Nga đang 'lang thang' trên biển - Ảnh 2

Đức xếp tiếp theo với 30%, tiếp đến là Na Uy (25%), Bỉ (23%), Thổ Nhĩ Kỳ (21%), Đan Mạch (15%) và Tây Ban Nha (11%).

Trong danh sách này, chỉ có Na Uy sở hữu một ngành công nghiệp dầu mỏ riêng. Họ chính là nhà sản xuất dầu lớn thứ 13 thế giới. Nước này sản xuất khoảng hơn 2 triệu thùng dầu mỗi ngày nhưng vẫn nhập khẩu 45.000 thùng dầu/ngày từ Nga trong năm 2021.

Nga không chỉ là xuất khẩu dầu lớn mà còn xuất khẩu than đá, khí đốt và hàng loạt sản phẩm lọc hoá dầu. Ngành công nghiệp năng lượng hoá thạch của Nga sản xuất lượng năng lượng tương đương 11 tỷ thùng dầu vào năm 2019, theo IEA.

Với nhiều nước châu Âuu, dầu và khí đốt của Nga là nguồn điện và sưởi ấm không thể thiếu. Dầu Nga cũng là nguồn cung cấp xăng và các sản phẩm lọc hoá dầu chính tại các quốc gia này.

Nước này xuất khẩu khoảng 54% lượng than, 31% khí tự nhiên và 70% lượng dầu vào năm 2019, theo IEA. Trong đó, than chủ yếu được bán cho các nhà máy điện và công nghiệp nặng của Trung Quốc trong khi dầu và khí đốt được chuyển sang châu Âu.

Bùi Hằng (T/h)

Nguồn: Kinh tế Môi trường