Bích Ngọc ·
13 tuần trước
 9862

Agribank: Lại chào bán khoản nợ “khủng” của công ty đá quý

Agribank đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ trong đợt đấu giá lần này là gần 537 tỷ đồng, so với phiên đấu giá vào ngày 12/1 tăng 4 tỷ đồng.

Theo đó, Agribank Chi nhánh 4 đã tiếp tục thông báo đấu giá khoản nợ có tài sản bảo đảm của CTCP Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến.

Tính đến nay, dư nợ của doanh nghiệp này là hơn 529 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là gần 485 tỷ đồng và nợ lãi tính đến ngày 15/1 là 44 tỷ đồng.

Được biết, tài sản thế chấp cho khoản nợ bao gồm quyền sử dụng đất thuê tại 62 thửa đất tại Khu công nghiệp Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) thuộc sở hữu của Công ty TNHH Tân Đại Tiền Bình Thuận với tổng diện tích là 956.639 m2. Hình thức sử dụng là sử dụng riêng, mục đích sử dụng là đất khu công nghiệp. Thời hạn sử dụng là đến ngày 31/12/2063. Nguồn gốc sử dụng là nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần. Trên đất hiện không có tài sản hình thành.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Tài sản thứ hai là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 684 (307 Lê Văn Quới, khu phố 1, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM). Diện tích khu đất là 1.214,2 m2; tài sản gắn liền với đất là nhà ở riêng lẻ diện tích xây dựng 565,4 m2 và diện tích sàn là 4.456,7 m2.

Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo còn còn có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 501 (309 Lê Văn Quới, khu phố 1, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM) với diện tích 842,3 m2. Tài sản gắn liền với đất là nhà ở riêng lẻ, diện tích xây dựng là 523,4 m2 và diện tích sàn là 4.338,4 m2.

Trong đợt đấu giá lần này, giá khởi điểm cho khoản nợ này được Agribank đưa ra là gần 537 tỷ đồng. Ngày 22/2/2024 phiên đấu giá sẽ được tổ chức. Trước đó, Agribank từng đưa ra giá khởi điểm gần 533 tỷ đồng trong buổi đấu giá được tổ chức vào ngày 12/1.

Như vậy, chỉ chưa đầy 1 tháng, giá khởi điểm của khoản nợ này đã tăng gần 4 tỷ đồng (tương ứng với số nợ lãi tăng thêm).

Theo tìm hiểu, CTCP Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến được thành lập vào tháng 5/2004, có hoạt động chính trong lĩnh vực buôn bán kim loại và quặng kim loại.

Tại thời điểm đăng ký thay đổi hồi tháng 4/2022, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 350 tỷ đồng. Doanh nghiệp này từng nhiều lần thay đổi Tổng giám đốc /Giám đốc kiêm người đại diện, từ ông Ngô Đức Tiến sang bà Trần Thị Ngân Khánh, ông Tạ Duy Hải, ông Vũ Trần Đức Duy... và hiện là ông Nguyễn Đình Thục (sinh năm 1994).

Được biết, Công ty TNHH Tân Đại Tiền Bình Thuận – chủ sở hữu 62 thửa đất tại Khu công nghiệp Tuy Phong được thành lập vào tháng 4/2014, với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản. Tân Đại Tiền Bình Thuận là chủ đầu tư Khu công nghiệp Tuy Phong có diện tích giai đoạn 1 là 150 ha, giai đoạn 2 là 100 ha nằm tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Tại thời điểm đăng ký thay đổi hồi tháng 7/2023, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, gồm ba cổ đông: Nguyễn Quang Nghĩa (90%), Vũ Trần Đức Duy (9,5%) và Nguyễn Duy Tiến (0,5%). Trong đó, ông Duy hiện đang là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật công ty. Bên cạnh đó, ông Duy từng là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Đá quý và Trang sức Đức Tiến.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2024. Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ xấu.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Đồng thời tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh, tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng…

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7350191288373897/?