Người ta ước tính chỉ còn lại khoảng 29.000 cá thể tê giác ngoài tự nhiên, so với con số 500.000 vào đầu thế kỷ 20. Mối đe dọa chính đối với những sinh vật tuyệt đẹp này là nạn săn bắn bất hợp pháp, phần lớn là để lấy sừng do sừng tê giác được sử dụng trong y học dân gian truyền thống, đặc biệt là ở châu Á.
Bang Assam là nơi cư trú của 71% cá thể tê giác một sừng trên toàn thế giới. Chính quyền nơi này đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng người dân không nên tin vào khả năng chữa bệnh của sừng tê giác. Chính vì thế, với sự tham gia của giới chức hàng đầu địa phương, ngày 22/9 tại sân vận động gần Công viên Quốc gia Kaziranga, ở Bokakhat, bang Assam, Ấn Độ, đã diễn ra sự kiện tiêu hủy sừng tê giác để xóa bỏ quan niệm huyễn hoặc về công dụng kỳ diệu của chúng và đẩy lùi nạn săn trộm.
Theo Báo Lao động, có 2.623 sừng tê giác được chính quyền thu hồi. Ngoài gần 2.500 sừng tê giác bị thiêu hủy, có 94 chiếc sẽ được trưng bày trong một bảo tàng tại Công viên Quốc gia Kaziranga, trong khi 29 chiếc còn lại được sử dụng làm vật chứng cho các phiên tòa đang diễn ra.
Thủ hiến bang Assam, ông Himanta Biswa Sarma, cho biết, hoạt động đặc biệt này là một phần trong nỗ lực hạn chế nạn săn trộm tê giác một sừng Ấn Độ, loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng. Việc cho phép buôn bán mặt hàng này ngang với lừa đảo người dân và khuyến khích hoạt động săn trộm vì sừng tê giác không được chứng minh là có giá trị y học.
Ông nói: “Chúng tôi muốn đưa ra một thông điệp mạnh mẽ cho thế giới rằng con tê giác còn sống với chiếc sừng trên đầu mới là quý giá, chứ không phải là một con vật đã chết với chiếc sừng bị những kẻ săn trộm lấy đi hoặc được giữ trong kho của chính quyền''.
Hiện nay còn 5 loài tê giác còn tôn tại trên thế giới, 3 trong số đó đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp. Để cứu lấy những cá thể tê giác hiện còn sống sót, các quốc gia phải hợp tác để bảo vệ các khu bảo tồn, ngăn chặn nạn buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp và xoá bỏ “cầu” về sừng tê giác. Nếu chúng ta có thể đạt được điều này, ít nhất một số loài tê giác có thể bắt đầu phục hồi trở lại và phát triển quần thể của chúng. Có lẽ đã quá muộn đối với một số loài và phân loài có quần thể nhỏ đến mức không bao giờ phục hồi được nữa. Nhưng ít nhất, tê giác đen và Ấn Độ chắc chắn có thể được giải cứu. |