Ngày 6/8, Chính phủ Anh khởi động một chương trình nghiên cứu nhằm chuẩn bị tốt hơn cho các rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra như sóng nhiệt và lũ lụt. Kế hoạch này trị giá 5 triệu bảng Anh (tương đương 7 triệu USD).
Quyết định này của Vương quốc Anh diễn ra sau khi các nhà khoa học cảnh báo thời tiết của Anh đang bị tác động bởi biến đổi khí hậu và chịu ảnh hưởng của trận lũ lụt thảm khốc trên khắp Tây Bắc châu Âu vào tháng trước, đồng thời sau thảm họa cháy rừng ở một số quốc gia Địa Trung Hải trong tháng này.
Những cánh đồng ngập nước sau khi bão Christoph đổ bộ xứ Wales. (Ảnh: Reuters)
Đặc biệt, theo báo cáo thường niên "Tình trạng Khí hậu Vương quốc Anh" công bố gần đây cho thấy, nhiệt độ mùa hè ở Anh quốc có thể tăng đến 40 độ C trong những năm tới, ngay cả khi thế giới đạt được mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Báo cáo này nhấn mạnh, biến đổi khí hậu khiến Anh ngày càng ẩm hơn và ấm hơn, với 10 năm nóng nhất trong hơn một thế kỷ của đất nước này đã xảy ra kể từ năm 2002. Trong đó, năm 2020 là năm ẩm thứ 5 và ấm thứ 3 trong lịch sử được ghi nhận kể từ thế kỷ 19.
Kể từ đó, các nhà khoa học cho rằng, nhiệt độ cực cao sẽ "hầu như không thể xảy ra" nếu không có biến đổi khí hậu và biến đổi khí hậu đã khiến nắng nóng có khả năng xảy ra cao hơn ít nhất 150 lần.
“Từ lũ lụt đến cháy rừng, những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt mà chúng ta đã chứng kiến gần đây cho thấy tầm quan trọng của các cộng đồng trong việc xây dựng khả năng phục hồi và bảo vệ tương lai của họ”, Nghị sĩ Alok Kumar Sharma, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) nhận định.
Ngoài ra, theo Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp (BEIS), một số cơ quan hàng đầu về khoa học môi trường tại Anh như Đại học College London và Trung tâm Sinh thái & Thủy văn sẽ thực hiện nghiên cứu. Nghiên cứu này sẽ giúp cung cấp thông tin về chính sách khí hậu trong tương lai.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, các dịch bệnh nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới. Hàng năm, có khoảng 150.000 người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra cũng ngày càng tăng theo nhiệt độ Trái Đất. Các cơn bão lớn làm mùa màng thất bát, mất nhà cửa, cần tới chi phí khổng lồ để dọn dẹp và khôi phục cuộc sống người dân sau bão lũ. Trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực cùng ứng phó với đại dịch Covid-19 và khủng hoảng biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi chính phủ các nước chuẩn bị các kế hoạch chống biến đổi khí hậu mới trước khi diễn ra Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc năm 2021 nhằm xây dựng một tương lai an toàn và bền vững hơn. |