Đinh Hà ·
2 năm trước
 3321

“Ấp xanh trên núi” 100% dùng điện mặt trời ở An Giang

Nằm ở độ cao hơn 400m trên núi Cấm, mặc dù chưa có điện lưới quốc gia nhưng ấp Vồ Bà thuộc xã An Hảo (Tịnh Biên, An Giang) đã có 100% hộ dân sử dụng điện năng lượng mặt trời, cuộc sống nơi ấp nghèo ngày càng đổi thay.

Theo ông Chau Khonh, Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo: “Xã có 3 ấp ở trên núi, trong đó, ấp Vồ Bà gặp khó khăn nhất về điện sinh hoạt. Do ấp nằm trên núi có địa hình phức tạp nên chưa được kéo điện lưới quốc gia”. Cuối năm 2018, tất cả 85 hộ dân của ấp Vồ Bà đều sử dụng điện mặt trời. Tuy nhiên, đến tháng 7/2020, sáp nhập thêm 120 hộ của ấp Rau Tần với nhiều hộ chưa có điện nên bây giờ ấp Vồ Bà có nhiều hộ chưa có điện sinh hoạt.

pin mặt trời lắp trên tôn

Tấm pin mặt trời nhỏ được lắp trên mái nhà của một hộ dân thuộc ấp Vồ Bà.

Trước đó, năm 2018, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang thực hiện Dự án Năng lượng xanh nhằm hỗ trợ người dân lắp điện mặt trời trên mái nhà. Nhờ đó, 100% hộ dân ở ấp Vồ Bà đã có điện từ năng lượng mặt trời để sử dụng. Bên cạnh đó, con đường dài 2,9 km từ ấp xuống chân núi được GreenID tài trợ 52 cây đèn đường thuận tiện đi lại ban đêm.

Anh Bé Ba (28 tuổi), người dân thuộc xã An Hảo cho biết: “Ấp Vồ Bà này giờ nhà nào cũng dùng điện mặt trời, nhiều nhà lắp cả chục tấm pin trên mái”. Cũng theo anh Bé Ba, kể từ ngày có điện mặt trời, con đường nhỏ dẫn lên ấp trên núi được thắp đèn sáng thì dân xe ôm như anh mới dám chạy đêm.

Nằm ngay dưới chân Chùa Phật Nhỏ, ở lưng chừng núi Cấm, gia đình ông Đoàn Văn Tiền là một trong những hộ dân lắp nhiều tấm pin năng lượng mặt trời nhất ở ấp Vồ Bà. Trước đây, khi chưa có điện mặt trời, mỗi ngày ông phải chạy xe máy hơn 3 km xuống chân núi để sạc bình ác-quy, rồi chiều lại xuống lấy mang về nhà để mỗi tối có thể thắp đèn. Hiện nay, nhà ông Tiền có 20 tấm pin, mỗi ngày tích được hơn 2.000W.

Nhờ có điện mặt trời, gia đình ông Tiền đã mở rộng quy mô kinh doanh để phục vụ khách du lịch đến chùa và giúp tăng thêm thu nhập. Theo đó, thay vì phải chạy máy dầu phục vụ nước sinh hoạt cho du khách ghé nghỉ trưa như trước đây, nhờ dùng điện mặt trời mà hiện nay mỗi ngày ông tiết kiệm được hơn 100.000 đồng”.

ông Đoàn Văn Tiền

Gia đình ông Đoàn Văn Tiền là hộ dân đầu tiên lắp điện mặt trời tại ấp Vồ Bà.

Gần nhà ông Tiền là gia đình ông Đặng Văn Phước (52 tuổi) trên dốc núi. Ông Phước cho biết, trước đây, lưới điện quốc gia không thể kéo lên sườn núi nên mọi sinh hoạt của gia đình ông rất khó khăn, phải dùng đèn dầu mỗi tối. Kể từ khi có điện mặt trời, nhà ông xài 13 bóng đèn led, tivi, quạt điện thoải mái cả ngày lẫn đêm. Những ngày nắng tích điện cho những ngày mưa, nhưng nếu mưa kéo dài thì thiếu điện.

Để khuyến khích và đảm bảo cho các công trình điện mặt trời của những hộ dân trong xã, đội thợ địa phương đã được thành lập, đào tạo trở thành những người lắp đặt, bảo dưỡng điện mặt trời và sẵn sàng hỗ trợ bà con.

Anh Trần Đức Anh – nhóm đội thợ địa phương cho biết: “Đội thợ hiện có 6 người, không chỉ thực hiện việc lắp đặt, chúng tôi luôn sẵn sàng giúp người dân sửa chữa hệ thống điện nếu có lỗi và hướng dẫn bà con trong quá trình sử dụng điện mặt trời để đảm bảo hiệu quả và an toàn”.

Ông Chau Khonh, Phó Chủ tịch UBND xã An Hảo chia sẻ thêm: “Kể từ khi có điện mặt trời, cuộc sống của người dân ấp Vồ Bà đã ổn định hơn rất nhiều, các em nhỏ có đèn điện để học bài mỗi tối, bà con biết sử dụng điện vào sinh hoạt, sản xuất giúp tăng thu nhập và bảo vệ môi trường. Do không có điện lưới quốc gia, điện mặt trời vừa thay đổi đời sống người dân, vừa góp phần phát triển Khu du lịch Lâm Viên núi Cấm của địa phương”.

Nguồn