Long Mai ·
3 năm trước
 2652

Australia nỗ lực hợp tác quốc tế vì cam kết cắt giảm 28% lượng khí thải

Australia đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng hơn.

Mới đây, Chính phủ Australia vừa công bố ký kết một ý định thư với Chính phủ Anh về tài trợ cho các dự án phát thải thấp, hợp tác cùng các quốc gia khác nhau.

Thỏa thuận này cho phép các nghiên cứu liên quan tới hoạt động sử dụng, sản xuất và lưu trữ khí hydro sạch, thu giữ carbon, lò phản ứng hạt nhân môđun nhỏ, cũng như sản xuất thép xanh và đo lượng carbon trong đất, được đăng ký và nhận tài trợ, nhằm giảm thiểu khí phát thải, hướng tới mục tiêu chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo đó, thỏa thuận là một phần của kế hoạch trị giá gần 566 triệu AUD (tương đương 385 triệu USD) mà Canberra đã cam kết trong Ngân sách Liên bang giai đoạn 2021 - 2022, nhằm tạo ra khoảng 2.500 việc làm bằng cách hỗ trợ các sáng kiến và đối tác công nghệ quốc tế phát thải thấp, thông qua các thỏa thuận đồng tài trợ quốc tế cho những dự án nghiên cứu và thực hành.

giảm phát thải khí

Australia và Anh sẽ cùng tham gia tài trợ cho các nghiên cứu về công nghệ nhằm giảm phát thải khí nhà kính. (Ảnh minh họa)

“Việc ứng dụng các công nghệ năng lượng mới sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải toàn cầu ở cả những quốc gia đang phát triển và đã phát triển, đồng thời bảo đảm các quốc gia không phải lựa chọn giữa tăng trưởng và giảm phát thải carbon. Ngoài ra, thỏa thuận này còn giúp Australia, Anh và các các quốc gia nhận tài trợ tạo thêm việc làm, bổ sung động lực cho tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Năng lượng Australia Angus Taylor thông tin.

Là một trong những quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới tính theo bình quân đầu người, Australia đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng hơn.

Trước đó, vào tháng 4/2021, tại cuộc họp trực tuyến về chống biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng, Australia đã phải chịu rất nhiều áp lực quốc tế vì từ chối cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thay vì đưa ra các mốc thời gian cụ thể như nhiều quốc gia tiên tiến khác, Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison cho biết Australia muốn đạt mức phát thải ròng về 0 càng sớm càng tốt, tốt nhất là vào năm 2050.

Ông Morrison khẳng định sẽ tập trung đầu tư và phát triển các công nghệ phát thải thấp, thay vì đặt nặng vấn đề đưa ra các mục tiêu cắt giảm lượng khí thải. Để hiện thực hóa các cam kết, vào tháng 6/2021, ông Morrison đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác phát triển công nghệ phát thải thấp với các nhà lãnh đạo đồng cấp Singapore, Nhật Bản và Đức.

Đặc biệt, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Australia Scott Morrison và người đồng cấp Yoshihide Suga đều khẳng định, công nghệ là vấn đề then chốt nhằm giảm khí thải nhà kính trong lúc vẫn đảm bảo được phát triển kinh tế và tạo việc làm.

Australia và Nhật Bản quyết tâm tìm ra công nghệ phát thải thấp và không phát thải để làm nền tảng cho các chiến lược giảm CO2 có thể được phát triển trên quy mô toàn cầu. Australia và Nhật Bản cũng cam kết sẽ hợp tác với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là các quốc gia thành viên ASEAN trong quá trình chuyển đổi sang các công nghệ không phát thải hoặc phát thải thấp.

Theo báo cáo về năng lượng của Australia, năm 2020, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của nước này đã giảm hơn 26 triệu tấn so với năm trước đó. Trong giai đoạn 2005 - 2019, tốc độ giảm lượng khí thải của Australia nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế có quy mô tương tự như Canada, New Zealand, Nhật Bản và Mỹ.

hồ nước hồng

Hồ nước hồng Pink lake Hillier của Australia, quốc gia đang chịu nhiều sức ép về khí thải. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, dựa theo những điều khoản của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Australia cam kết sẽ cắt giảm 26 - 28% lượng khí thải carbon vào năm 2030. Chính phủ quốc gia này cũng dự kiến ​​đạt được mức giảm 29% trong thập kỷ này.

Bộ trưởng Taylor nhận định, bất chấp áp lực gia tăng từ tăng trưởng xuất khẩu và công nghiệp, lượng khí thải tính trên đầu người và cường độ phát thải của nền kinh tế Australia tiếp tục giảm và ở mức thấp nhất trong ba thập kỷ. Điều này là cơ sở vững chắc minh chứng cho những tuyên bố của Thủ tướng Morrison về nỗ lực giảm phát thải của Australia.

Lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng kỷ lục vào 2023

Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo, lượng khí thải carbon trên toàn cầu sẽ tăng lên mức cao chưa từng thấy vào năm 2023 và tiếp tục tăng trong những năm sau đó.

Nguyên nhân là do thế giới hiện chỉ dành 2% quỹ hỗ trợ phục hồi sau đại dịch Covid-19 vào các dự án năng lượng sạch. Các nước đã phân bổ hơn 16.000 tỉ USD khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, báo cáo theo dõi phục hồi bền vững của IEA cho thấy chỉ có 380 tỉ USD được dành để triển khai các dự án năng lượng sạch.

"Khoản đầu tư của thế giới vào năng lượng sạch hiện nay không những chưa đạt mức cần thiết để tiến tới mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này, mà còn không đủ để ngăn lượng khí thải toàn cầu tăng lên mức cao mới", Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định.

Nguồn