Văn bản số 1739/UBND-NNTNMT, về tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nêu rõ.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có hiện tượng đổ chất thải trái phép (đặc biệt là hiện tượng đổ trộm chất thải), thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải không đúng quy định (sau đây gọi chung là chất thải rắn, không bao gồm chất thải rắn sinh hoạt) trong một số lĩnh vực: Sản xuất công nghiệp, giao thông, xây dựng...
Một số dự án đầu tư xây dựng, cơ sở sản xuất thực hiện việc quản lý chất thải rắn không đúng theo hồ sơ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sạt lở đất, đá thải, ảnh hưởng đến cảnh quan, lấn chiếm hành lang giao thông, hành lang đê điều và đời sống sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn Đinh Quang Tuyên chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn. (Ảnh minh hoạ).
Để khắc phục tình trạng nêu trên, đồng thời bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; trên cơ sở xem xét nội dung báo cáo, tham mưu đề xuất của Công an tỉnh ngày 14/3/2023, UBND tỉnh Bắc Kạn giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động, thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với chất thải rắn trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Xem xét, thẩm định, tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền quyết định vị trí, ranh giới, diện tích và hoạt động của các điểm đổ chất thải rắn theo đề nghị của UBND cấp huyện trên cơ sở quy hoạch của tỉnh; thẩm định nội dung về quản lý chất thải rắn trong hồ sơ môi trường thuộc thẩm quyền, đảm bảo quy định.
Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc hướng dẫn lập và xây dựng, san lấp mặt bằng và sử dụng trong các công trình xây dựng khi đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
Quản lý các tổ chức, cá nhân là chủ các dự án đầu tư gồm đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ... thực hiện phân loại, tái chế, tái sử dụng, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trong hoạt động xây dựng; chất thải từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng thuộc thẩm quyền thẩm định và cấp phép xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và hồ sơ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép, đăng ký theo quy định.
UBND các huyện, thành phố căn cứ quy hoạch đã được phê duyệt, xác định vị trí, ranh giới, diện tích xây dựng các điểm đổ chất thải rắn, hoạt động của các điểm đổ chất thải rắn trên địa bàn, trình thẩm định, phê duyệt; lập dự án đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các điểm đổ chất thải rắn trên địa bàn theo quy định; thẩm định nội dung về quản lý chất thải rắn trong hồ sơ môi trường thuộc thẩm quyền, đảm bảo quy định.
Tăng cường quản lý hoạt động thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn của các chủ đầu tư dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh, cụm công nghiệp, các tổ chức, cá nhân có hoạt động đào đắp đất, san gạt tạo mặt bằng, phá dỡ công trình...
Chỉ đạo UBND cấp xã và các đơn vị chức năng thuộc cấp huyện tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ dự án, đơn vị thi công, tổ chức, cá nhân hoạt động đầu tư xây dựng, san lấp, cải tạo mặt bằng trên địa bàn trong việc thực hiện thu gom, vận chuyển, đổ đất đá thải, chất thải xây dựng… thực hiện nghiêm công tác quản lý chất thải rắn theo quy định trong quá trình tổ chức thực hiện các dự án.
Đối với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý, tăng cường chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu thi công, các tổ chức quản lý, vận hành hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp phải thực hiện việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn, xử lý chất thải, đổ thải đúng nơi quy định.