Chiếm dụng vốn ngân sách hàng chục năm vẫn chưa được thu hồi
Mới đây ngày 10/8, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu cho biết, đang khẩn trương thanh tra Dự án Bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình (dự án Chống sạt lở KDC TT. Hòa Bình). Trong đó, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu tập trung thanh tra gói thầu 12b thi công toàn bộ phần xây dựng kè chống sạt lở KDC TT. Hòa Bình (đoạn 2) do liên danh nhà thầu gồm Doanh nghiệp tư nhân Chí Tôn và Tổng Công ty 319 thực hiện và chủ đầu tư là UBND huyện Hòa Bình có dấu hiệu vi phạm.
Tổng quan dự án Bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Hòa Bình. Ảnh Huỳnh Sử
Được biết, ngày 15/2/2012, UBND huyện Hòa Bình tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình dự án Chống sạt lở KDC TT. Hòa Bình (đoạn 2) với tổng mức đầu tư hơn 34 tỉ đồng. Chiều dài tuyến kè 600 m, cao trình đỉnh kè + 2,20 m, thời gian hoàn thành 12 tháng kể từ ngày khởi công.
Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư là UBND huyện Hòa Bình đã “ưu ái” cho nhà đầu tư tạm ứng, thanh quyết toán trước với số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Ngày 22/5/2013, UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành công văn đề nghị chủ đầu tư khi thực hiện hết nguồn vốn tạm ứng cho đơn vị thi công thì giao toàn bộ dự án và gói thầu số 12b cho Tổng cục Đường thủy nội địa đầu tư tiếp.
Tuy nhiên, do thiết kế xây dựng công trình kè của Tổng cục Đường thủy khác hoàn toàn với tuyến công trình kè do UBND Hòa Bình làm chủ đầu tư nên không thể đấu nối kỹ thuật và gây mất mỹ quan toàn tuyến kè, ảnh hưởng đến tuyến đường dân sinh.
Bên cạnh đó, qua Kết luận của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, trong việc tạm ứng và thanh quyết toán khối lượng của dự án Chống sạt lở KDC TT. Hòa Bình, chủ đầu tư để các nhà thầu chiếm dụng vốn ngân sách Nhà nước hơn 6,8 tỷ đồng từ năm 2014, nhưng chậm thu hồi hoàn trả ngân sách theo quy định.
Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của UBND huyện Hòa Bình và các tổ chức có liên quan trong việc tạm ứng và thanh toán vượt khối lượng của dự án Chống sạt lở KDC TT. Hòa Bình để liên danh nhà thầu chiếm dụng vốn ngân sách Nhà nước, đồng thời có biện pháp thu hồi và nộp đầy đủ vào ngân sách Nhà nước.
Sau khi có Kết luận của Kiểm toán Nhà nước, UBND huyện Hòa Bình đã nhiều lần làm việc và ra các thông báo yêu cầu liên danh nhà thầu là Doanh nghiệp tư nhân Chí Tôn và Tổng Công ty 319 nộp số tiền nợ ngân sách đã tạm ứng. Trong đó, Doanh nghiệp tư nhân Chí Tôn nợ hơn 6 tỉ đồng (nợ khối lượng hơn 3,7 tỉ đồng, nợ tạm ứng chưa thu hồi hơn 2,2 tỉ đồng), Công ty 319 nợ hơn 809 triệu đồng (nợ khối lượng 105 triệu đồng, nợ tạm ứng chưa thu hồi 704 triệu đồng).
Được biết, hiện liên danh nhà thầu Doanh nghiệp tư nhân Chí Tôn và Tổng Công ty 319 đã nộp hoàn trả xong phần nợ khối lượng cho chủ đầu tư. Phần giá trị nợ tạm ứng khoảng 3 tỷ của liên danh nhà thầu này vẫn chưa thu hồi.
Về trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan việc thanh toán tiền trước để nhà thầu chiếm dụng vốn ngân sách Nhà nước trong thời gian dài, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Hòa Bình đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trang Quang Viễn, nguyên Trưởng ban Quản lý xây dựng cơ bản huyện Hòa Bình.
Chậm tiến độ, thiếu hiệu quả gây lãng phí ngân sách, hệ lụy kéo dài
Dự án Chống sạt lở KDC TT. Hòa Bình (đoạn 2) được khởi công từ năm 2012, với mục tiêu là gia cố phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn cho người và hệ thống cơ sở hạ tầng dọc hai bờ sông theo các tuyến đường khu dân cư thị trấn. Dự án do UBND huyện Hòa Bình làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng, nguồn vốn do Trung ương cấp.
Dự án có tổng chiều dài bờ kè là 1.600 m, được chia làm hai đoạn: Đoạn 1 từ chùa Mới (thị trấn Hòa Bình) dài 1.000 m đến khu vực chợ Hòa Bình. Đoạn 2, từ bên kia sông đối diện chùa Mới, dài 600 m đến giáp ranh kênh Chùa Phật (xã Vĩnh Hậu). Theo thiết kế, công trình còn có các hạng mục sau kè, như: lan-can theo tuyến kè, vỉa hè, cây xanh và hệ thống điện chiếu sáng...
Khi hoàn thành, dự án này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống người dân. Ngoài việc góp phần chống sạt lở khu dân cư, còn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông, chỉnh trang nâng cấp đô thị. Đây là một trong những yếu tố tích cực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội giúp thị trấn Hòa Bình trở thành đô thị loại 4.
Tuy nhiên, từ khi khởi công đến năm 2017, dự án mới thi công cắm cột bê tông rồi bỏ dang dở. Thời điểm đó, dư luận ở tỉnh Bạc Liêu đã vô cùng bức xúc, đồng thời đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu cần sớm chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân có liên quan đến các vụ việc.
Dự án Bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Hòa Bình gây ra sự búc xúc trong dư luận, nhân dân tỉnh Bạc Liêu.
Đến ngày 9/07/2018, HĐND huyện Hòa Bình đã có báo cáo giám sát số 11/BC-HĐND về “Kết quả giám sát các khoản nợ, cho tạm ứng, quyết toán trước trong xây dựng cơ bản từ trước đến nay nhưng chưa giải quyết dứt điểm” đã phát hiện nhiều bấp cập trong đầu tư, gây lãng phí.
Báo cáo nêu rõ, qua giám sát cho thấy các đơn vị làm chủ đầu tư đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: đầu tư không đúng trình tự, thủ tục của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn của cấp trên; chỉ định các nhà thầu hạn chế về năng lực tài chính; cho các nhà thầu tạm ứng, thanh quyết toán không đúng quy định theo từng giai đoạn, hạng mục công trình. Đáng chú ý, có những công trình chưa thi công đã cho tạm ứng và thanh, quyết toán… Điều này dẫn đến nhà thầu thực hiện không đúng hợp đồng, không đảm bảo chất lượng công trình, không đúng thiết kế, bản vẽ.
Riêng với dự án Chống sạt lở KDC TT. Hòa Bình, trong quá trình thực hiện dự án, công trình chưa thi công nhưng chủ dự án đã cho nhà đầu tư tạm ứng, thanh quyết toán trước với số tiền hơn 6 tỷ đồng từ năm 2012. Đến nay, nhà đầu tư chưa giải quyết dứt điểm, gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước.
Báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân huyện Hòa Bình đã có đề xuất, kiến nghị UBND, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng, Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Hòa Bình, phải tăng cường các biện pháp, giải pháp, xử lý nghiêm, dứt điểm các nhà thầu nợ tiền tạm ứng, thu hồi vốn nộp vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân vi phạm trong quá trình đầu tư, thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn huyện….
Có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT để thụ lý Trao đối với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Luật sư Phan Văn Tú (Văn phòng Luật sư Nhật Bình – Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, đối với hành vi chiếm dụng vốn Nhà nước trong thời gian mà chưa có biện pháp thu hồi thì trước hết cơ quan chức năng có thẩm quyền cần ngay lập tức vào cuộc quyết liệt để thu hồi vốn ngân sách từ liên danh nhà thầu Doanh nghiệp tư nhân Chí Tôn và Tổng Công ty 319 là đơn vị trực tiếp thi công công trình xây dựng dự án Bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Hòa Bình. Đồng thời, cần phải tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện đối với dự án nêu trên để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong quy trình tổ chức đấu thầu, giao triển khai dự án. Ngoài ra, trong quá trình thanh, kiểm tra nếu xác định có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và hành vi chiếm dụng vốn của các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền thì căn cứ vào mức độ có thể chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luât. |
Nguồn: Kinh tế Môi trường