Hà Lan ·
2 năm trước
 6461

Bắc Ninh ‘tuyên chiến’ với nạn ô nhiễm môi trường

Với hơn 62 làng nghề đang phát triển mạnh mẽ đóng góp gần 8% GDP của tỉnh, Bắc Ninh ngày càng phát triển về kinh tế - xã hội, song cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm làng nghề đang ngày càng diễn biến trầm trọng.

Sức ép ô nhiễm từ các làng nghề

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 62 làng nghề, trong đó 30 làng nghề truyền thống, 32 làng nghề mới. Sự tồn tại và phát triển của các làng nghề đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, đa số các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dây chuyền công nghệ mang tính thủ công, lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu để tạo ra một đơn vị sản phẩm. Các cơ sở sản xuất trực tiếp trong các làng nghề chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, không có các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường (BVMT) theo quy định, nên song song với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế là tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe người dân.

Thực trạng ô nhiễm tại Bắc Ninh.

Báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết kết quả điều tra khảo sát chất lượng môi trường tại một số làng nghề điển hình trong tỉnh cho thấy các mẫu nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm; môi trường không khí bị ô nhiễm có tính cục bộ tại nơi trực tiếp sản xuất, nhất là ô nhiễm bụi vượt tiêu chuẩn cho phép và ô nhiễm do sử dụng nguyên liệu hóa thạch, đất đai bị xói mòn, thoái hóa; chất lượng các nguồn nước suy giảm mạnh. Chưa kể đến lượng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp thông thường, rác thải nguy hại chưa được thu gom, xử lý triệt để, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân.

Tại xã nghề Văn Môn (Yên Phong), tình trạng ô nhiễm môi trường thực sự nghiêm trọng từ nhiều năm nay. Rác chồng rác, khói bụi, nước thải, khí thải đều vượt chỉ tiêu nhiều lần cho phép. Hay tại làng nghề sản xuất sắt thép Châu Khê (thị xã Từ Sơn), nguồn nước, khói bụi đen kịt do xả thải từ quá trình sản xuất sắt thép, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Làng nghề đúc đồng Đại Bái (Gia Bình), sản xuất bún Khắc Niệm, giấy Phong Khê (TP.Bắc Ninh)… cũng không nằm ngoài tình trạng trên.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh, mỗi ngày có khoảng 500 tấn chất thải sinh hoạt, 200 tấn chất thải công nghiệp, hai tấn chất thải y tế thải ra môi trường. Trung bình mỗi năm, lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng 10%, chất thải rắn công nghiệp tăng 15%, chất thải y tế tăng 8%. Các khu vực thành thị tập trung dân cư là nguồn phát sinh chủ yếu các loại chất thải rắn sinh hoạt, chỉ tính riêng TP.Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn mỗi ngày thải ra hơn 200 tấn.

 

Vẫn đi tìm lời giải xử lý ô nhiễm 

Ðể khắc phục những bất cập về môi trường nêu trên, những năm gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động tham mưu với tỉnh ban hành nhiều văn bản, chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường làng nghề, cụ thể: Quy định hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề khu vực nông thôn; Quy chế Bảo vệ môi trường làng nghề, khu dân cư, cụm công nghiệp và khu kinh doanh dịch vụ làng nghề; Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020 và định hướng đến 2030; Kế hoạch di dời và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường giữa các đơn vị liên quan... Những văn bản này từng bước được cụ thể hóa, bước đầu cải thiện môi trường các làng nghề trong tỉnh.

Nhiều Đề án, Dự án về bảo vệ môi trường làng nghề cũng được triển khai, thực hiện hiệu quả như: Đề án về đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường Sông Ngũ Huyện Khê; xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất giấy Phong Khê (TP.Bắc Ninh); xử lý nước thải làng nghề sản xuất rượu Đại Lâm (Yên Phong) bằng công nghệ yếm khí; xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm (TP.Bắc Ninh), công suất 400 m3/ngày, đêm; xử lý nước thải tập trung làng nghề sản xuất giấy tái chế Phong Khê (TP.Bắc Ninh), công suất giai đoạn I 5.000 m3/ngày, đêm; xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt có thu hồi nhiệt để cung cấp cho các cơ sở trong làng nghề; vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung thị xã Từ Sơn giai đoạn 1 với công suất 33.000 m3/ngày, đêm (trong đó có xử lý nước thải một số làng nghề); xây dựng hệ thống xử lý khí thải đối với 6 hợp tác xã luyện kim loại màu tại làng nghề Văn Môn (Yên Phong), Đại Bái (Gia Bình), Châu Khê (thị xã Từ Sơn) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ...

Những nỗ lực trên góp phần khắc phục cơ bản nguồn nước thải, khí thải ở một số làng nghề, song theo ông Nguyễn Đại Đồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thì các làng nghề rất cần có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường mang tính bền vững. Công tác tuyên truyền phải đặt lên hàng đầu, thường xuyên tổ chức truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường cho người dân, doanh nghiệp trong làng nghề. Vận động các cơ sở sản xuất đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, di chuyển các công đoạn sản xuất ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.

Hàng tháng lựa chọn 1 ngày ra quân làm sạch môi trường; biểu dương, khen thưởng kịp thời gương người tốt việc tốt. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề, hạn chế, không cho phép đầu tư đối với loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sử dụng công nghệ lạc hậu. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thậm chí tạm đình chỉ hoạt động sản xuất, buộc di dời, hoặc cấm hoạt động. UBND các xã, phường có làng nghề phải thành lập Tổ tự quản về bảo vệ môi trường, có cán bộ chuyên môn về môi trường. Đối với các làng nghề chưa có quy hoạch cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ làng nghề, phải lập quy hoạch dựa trên tính chất đặc thù của loại hình sản xuất.

Các làng nghề có Cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ làng nghề phải rà soát, xây dựng cải tạo hạ tầng cơ sở đồng bộ hệ thống cấp, thoát nước và trạm xử lý nước thải tập trung, bố trí diện tích đất lưu giữ chất thải công nghiệp tại các cơ sở. Kiểm soát chặt công nghệ cũ, lạc hậu, nếu thuộc loại tốn nhiên liệu thì phải chuyển đổi sang lắp đặt theo công nghệ mới hiện đại, tiết kiệm điện năng, ít gây ảnh hưởng đến môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả. Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho các làng nghề theo hướng kết hợp khoa học kỹ thuật hiện đại với kỹ thuật truyền thống, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, xử lý chất thải trong quá trình sản xuất. Tiếp tục triển khai các Đề án, Dự án về xử lý chất thải làng nghề, tạo đà cho làng nghề phát triển ổn định, bền vững, sạch hơn và an toàn hơn.

GS.TS Đặng Kim Chi (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), hiện nay chưa có mô hình nào thực sự hiệu quả để đảm bảo giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp cho khu vực nông thôn. Do vậy cần thiết phải có các nghiên cứu xây dựng các mô hình và giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững các khu vực nông thôn với các đặc trưng của vùng, miền.

GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng, hiện trạng các làng nghề là khu vực ở nông thôn tồn tại nhiều bất cập về môi trường. Hoạt động các làng nghề cũng là một nguồn gây ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn.

Ô nhiễm môi trường tại làng nghề nói chung đa dạng do khí thải, nước thải, chất thải rắn và cả ô nhiễm nhiệt, tiếng ồn… ở nhiều làng nghề đã trở nên nghiêm trọng tại chính khu vực sản xuất, gây tác động trực tiếp đến sức khỏe người lao động và dân cư sống xen kẽ trong làng.

Bà Chi đề xuất, cần xác định rõ vai trò của hệ sinh thái nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Không nên coi nông thôn đơn thuần là nơi sinh sống làm lao động của người nông dân, tạo ra lương thực thực phẩm cho xã hội.

 

Nguồn