Lan Anh ·
2 năm trước
 1668

Bắc Ninh: Xả thải gây ô nhiễm, 6 cơ sở sản xuất bị xử phạt 2,23 tỉ đồng

Mới đây, ngày 29/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành 6 quyết định xử phạt và đình chỉ hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất giấy trên địa bàn phường Phong Khê, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Theo các quyết định xử phạt hành chính, 6 đơn vị là hộ kinh doanh, công ty sản xuất giấy không có báo cáo đánh giá tác động về môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra ngoài môi trường.

Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt Công ty Trách nhiệm hữu hạn Viphaco với số tiền 695 triệu đồng; hộ kinh doanh Nguyễn Trọng Du 362,5 triệu đồng; hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoàn số tiền 347,5 triệu đồng và xử phạt các hộ kinh doanh Nguyễn Bá Chứ, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Trọng Sơn cùng số tiền là 275 triệu đồng, do vi phạm hoạt động sản xuất nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; xả nước thải với các thông số vượt qua quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra ngoài môi trường.

Cả 6 công ty và hộ kinh doanh trên đều bị áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ sản xuất trong thời hạn 9 tháng, tổng số kinh phí xử phạt lên đến 2,23 tỉ đồng.

Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các công ty và các hộ kinh doanh phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt và báo cáo kết quả khắc phục hậu quả vi phạm về UBND tỉnh Bắc Ninh.

Nhiều nhà máy ở Phong Khê ngang nhiên xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Cần có biện pháp xử lý quyết liệt 

Theo Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Xuân Thanh, để giải quyết tốt vấn đề môi trường, tỉnh cần điều tiết quản lý nguồn nước đầu vào và đầu ra tại Phong Khê. Trong đó, biện pháp quyết liệt là yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải ban đầu, kiên quyết không để các doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê….

Liên quan đến việc giải quyết dứt điểm ô nhiễm ở phường Phong Khê, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho hay, tình trạng ô nhiễm ở phường Phong Khê có dấu hiệu ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt về ô nhiễm nước thải, khí thải và chất thải rắn phát sinh hằng ngày.

Để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phong Khê, ông Tuấn cho biết đã yêu cầu TP.Bắc Ninh tập trung lực lượng tháo dỡ tất cả hệ thống xả thải không đúng quy định ra hệ thống công trình thủy lợi và các đường ống lấy nước mặt tại đập Phú Lâm (Tiên Du), xong trước ngày 30/4.

Cùng với đó, rà soát tất cả các cơ sở không có giấy phép khai thác nước mặt, cố tình khoan trái phép để bổ sung vào hồ sơ xử lý vi phạm hành chính. Cưỡng chế, tháo dỡ, phối hợp với công ty điện lực ngừng cung cấp điện đối với tất cả cơ sở sản xuất xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Đặc biệt, Công an tỉnh thực hiện niêm phong các cơ sở sau khi có quyết định đình chỉ, nếu cơ sở cố tình vi phạm, tự ý tháo bỏ niêm phong sẽ áp dụng xử lý ở mức cao hơn. Đối với cơ sở bị đình chỉ nhiều lần, cần thành lập Tổ chốt chặn các phương tiện ra, vào cơ sở; cắm biển hạn chế tải trọng theo quy định trong khu dân cư.

Đồng thời thành lập Tổ công tác thường xuyên xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường; lập chuyên án xử lý nghiêm, ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng gây ô nhiễm môi trường…

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh và các Sở: TNMT, NN&PTNT, UBND thành phố Bắc Ninh đã thành lập các đoàn công tác thực hiện việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường Phong Khê.

Qua kiểm tra 7 doanh nghiệp sản xuất trên đường 286, thì có 6 đơn vị xả nước thải không đạt chuẩn ra kênh tiêu Yên Phong, rồi chảy ra sông Ngũ Huyện Khê.

Được biết, phường Phong Khê, TP.Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) hiện có hai cụm công nghiệp làng nghề gồm: Cụm công nghiệp Phong Khê 1 và Cụm công nghiệp Phong Khê 2 với diện tích hơn 69 ha, trong đó có khoảng 290 doanh nghiệp sản xuất giấy.

Trong khu vực làng nghề có 167 cơ sở sản xuất, 1.000 hộ sản xuất kinh doanh các loại. Kinh tế phát triển kéo theo sự gia tăng các nguồn và các chất gây ô nhiễm môi trường nước thải, khí thải và chất thải rắn công nghiệp từ nhiều năm nay.

Bên cạnh những lợi ích kinh tế mang lại, sự phát triển của các làng nghề đã làm gia tăng các nguồn gây ô nhiễm môi trường như: nước thải sản xuất, khí thải phát sinh từ các lò hơi và chất thải rắn công nghiệp. Đáng chú ý, chất thải từ nhiều nhà máy đổ thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê khiến dòng sông này được ví như “dòng sông chết”.

Theo GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng, hiện trạng các làng nghề là khu vực ở nông thôn tồn tại nhiều bất cập về môi trường. Ô nhiễm môi trường tại làng nghề nói chung đa dạng do khí thải, nước thải, chất thải rắn và cả ô nhiễm nhiệt, tiếng ồn… ở nhiều làng nghề đã trở nên nghiêm trọng tại chính khu vực sản xuất, gây tác động trực tiếp đến sức khỏe người lao động và dân cư sống xen kẽ trong làng.

Cũng cho ý kiến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, các làng nghề chính là điểm nóng về môi trường hiện nay. Theo ông Long, số làng ung thư xuất hiện ngày càng nhiều là một thực trạng nan giải về tình trạng ô nhiễm môi trường nhất định cần phải có lời giải thích đáng.

Vì vậy, để từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề, cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ có tính bền vững. Về lâu dài, việc quy hoạch không gian làng nghề phải gắn được với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Trong đó, quy hoạch xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cụm công nghiệp tập trung và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. “Đặc biệt, cần mạnh dạn quy hoạch theo hướng lồng ghép các hoạt động du lịch với sản xuất làng nghề sinh thái”, ông Long nhấn mạnh.

Nguồn