Ngập lụt hôm 1/9 tại Đà Lạt
UBND thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức họp về triển khai công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục tình trạng ngập úng trên địa bàn.
Theo ông Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, một số vị trí bị ngập cục bộ khi xảy ra mưa lớn trong những ngày qua đã làm ảnh hưởng đến tài sản, đời sống của nhân dân, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của thành phố.
Điển hình như cơn mưa chiều 1-9 đã làm ngập úng cục bộ khu vực đường Phan Đình Phùng.
Nguyên nhân là do tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình, nhà kính vi phạm hành lang chỉ giới suối, làm thu hẹp dòng chảy; tình trạng vứt rác, đổ rác xuống suối vẫn xảy ra, kể cả rác thải sinh hoạt và rác thải nông nghiệp, phế thải xây dựng; một số mương suối chưa được phát quang, cống thoát nước chưa được nạo vét, một số hộ dân lấp các hố thu nước mưa… làm hạn chế thoát nước.
Bên cạnh đó, một số công trình thi công chậm tiến độ, không đồng bộ, chưa có giải pháp thi công phù hợp gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước.
Để xử lý tình trạng trên, UBND TP Đà Lạt chỉ đạo các phường, xã thành lập ngay tổ công tác, rà soát các vị trí, công trình lấn chiếm hành lang chỉ giới suối trên địa bàn quản lý; vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm.
Trường hợp không chấp hành, lập hồ sơ xử lý và cưỡng chế tháo dỡ theo quy định. Các địa phương rà soát, huy động lực lượng và vận động nhân dân khơi thông hệ thống mương nước, cống thoát nước, thu gom rác, phát quang bụi rậm trên các tuyến suối, đề phòng, tránh mưa lớn gây ngập úng nhà cửa, công trình, khu vực sản xuất, vùng trũng thấp; vận động, yêu cầu người dân cam kết bỏ rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp đúng nơi quy định.
Tại một số vị trí thường xảy ra tình trạng xả rác, lấn chiếm chỉ giới suối, chính quyền cơ sở sẽ lắp camera để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các cơ quan chức năng được giao thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như Phòng Quản lý đô thị khảo sát, tham mưu cho UBND thành phố triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng hệ thống thoát nước; tìm giải pháp thoát nước, khắc phục tình trạng ngập úng tại khu vực đường Phan Đình Phùng-Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác công trình thủy lợi Đà Lạt phối hợp với các xã, phường triển khai các giải pháp xử lý hành vi xây dựng công trình, lấn chiếm hành lang chỉ giới suối.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Đà Lạt khẩn trương rà soát, yêu cầu các đơn vị thi công công trình hạ tầng giao thông có biện pháp thi công phù hợp, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, không để vật liệu, đất đá tràn xuống mương, cống thoát nước gây ách tắc dòng chảy.
Công ty CP dịch vụ đô thị Đà Lạt tăng cường thu gom rác thải dọc theo các tuyến suối trên địa bàn thành phố; trước mắt thu gom rác, phát quang bụi rậm trên các tuyến phố, đặc biệt là suối Cam Ly đoạn chảy qua khu vực phường 5 để phòng tránh mưa lớn gây ngập úng nhà cửa, công trình, khu vực sản xuất.
Được biết, cách nay hơn 30 năm, Đà Lạt gần như rất ít nhà kính, nay trong tổng diện tích 18.000 ha đất sản xuất nông nghiệp có khoảng 10.000 ha nhà kính thì những trận mưa lớn tạo nên những dòng suối chảy xiết quanh các trang trại, trôi nhanh ra các con suối, trong khi nước ngầm lại cạn kiệt, đất đai bạc màu. Đó là chưa kể nhiều vùng ngoại ô Đà Lạt trước kia hoang vu, nay nhà cửa mọc chi chít kèm với đó là những ô nhà kính rợp trời.
Theo chuyên gia ngành thoát nước, Đà Lạt bị bê tông hóa. Đó là nguyên nhân làm cho nước mưa không thể thẩm thấu, đổ ầm ầm xuống dòng thác Cam Ly, tàn phá cảnh quan Đà Lạt, vốn được mệnh danh là nơi "cho người này niềm vui, cho người kia mát lành". Bê tông hóa với mật độ xây dựng quá cao ở vùng nội ô làm cho những cánh rừng thông bị đẩy ngày càng xa thành phố, biến Đà Lạt gần giống như những thành phố khác.
Đà Lạt đang đối mặt với tình trạng mưa thì có lũ; nắng thì hạn hán, kiệt nước, làm cho không khí Đà Lạt ngày càng khô khốc.
Cũng theo chuyên gia thoát nước, một nguyên nhân khác khiến Đà Lạt ngập lụt đó là rác. Người dân vô tư xả rác xuống thác Cam Ly, làm tuyến suối dài hơn 70km, chảy xuyên qua Đà Lạt ô nhiễm, sau đó đổ vào hệ thống sông Đồng Nai. Xử lý rác một cách căn cơ, phải cần những nhà máy điện rác, chớ không phải chôn lấp như nhiều đô thị, địa phương đang làm. Cứ nhìn những bãi biển Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hòa… sau một trận lũ lụt, lượng rác kinh hoàng phủ kín bãi biển mới thấy sự đe dọa khủng khiếp của nó.