Tình hình cung cấp than năm 2022
Trong 9 tháng năm 2022, đặc biệt là quý III/2022, tình hình chính trị - kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhu cầu than tăng cao; giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn TKV. Toàn tập đoàn sản xuất được 30,5 triệu tấn than nguyên khai đạt 78% kế hoạch năm, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu 3,14 triệu tấn than, đạt 66% kế hoạch; tiêu thụ được 35,84 triệu tấn than, đạt 83,4 kế hoạch năm.
Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. (Ảnh:ITN)
Tại cuộc họp giữa EVN và Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), trao đổi về tình hình cung cấp than năm 2022 và kế hoạch cấp than cho phát điện trong năm tới, Ban Kỹ thuật sản xuất EVN cho biết, trong 11 tháng, tổng khối lượng than TKV đã cấp cho các NMNĐ của EVN là 15,64 triệu tấn, bằng 98,4% tổng khối lượng hợp đồng. Nhìn chung, TKV đã cấp đủ khối lượng than theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, khối lượng than cung cấp các tháng cuối năm có xu hướng giảm dần. Trong quý IV/2022, khả năng cấp than của TKV đã bị giảm và tiếp tục cấp hoàn toàn than pha trộn nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo TKV dù rất nỗ lực nhưng một số nguyên nhân tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và cấp than cho điện, đó là khó khăn gia tăng sản lượng than (giới hạn các giấy phép khai thác); nhu cầu than cho phát triển kinh tế trong nước cao, trong khi giá than nhập khẩu liên tục tăng cao ở mức kỷ lục gây áp lực rất lớn.
Dự kiến tháng trong tháng 12 này, TKV cấp khoảng 1,27 triệu tấn than. Tính cả năm 2022, TKV sẽ cấp được 16,91 triệu tấn, bằng 97,1% hợp đồng cả năm.
Do nhu cầu huy động nhiệt điện than trong các tháng cuối năm cao, trong khi lượng than cấp giảm nên dẫn tới tình trạng, mức than tồn kho tại một số nhà máy như: NMNĐ Thái Bình 1, Nghi Sơn 1, Hải Phòng, Vĩnh Tân 2 đã giảm thấp hơn so với định mức.
Từ báo cáo của TKV cho thấy, lượng than tồn kho của Tập đoàn cuối năm 2022 chỉ còn khoảng 1,5 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Mức than tồn kho thấp tại TKV và tại các NMNĐ là tình trạng đáng lo, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng huy động phát điện của các nhà máy, đặc biệt là với nhu cầu cao trong 6 tháng đầu năm 2023.
Bài toán nguồn than năm 2023
EVN đã xây dựng kế hoạch sản xuất điện năm 2023 cho các nhà máy điện, tuy nhiên các nhà máy dự kiến sẽ huy động phát điện ở mức thấp. Theo đánh giá của Ban Kỹ thuật sản xuất EVN, có nhiều thách thức trong việc cấp than cho điện trong năm 2023 do khả năng sản xuất than trong nước giảm, trong khi nhu cầu nhiên liệu của các NMNĐ ngày càng tăng.
Theo tính toán về khả năng cấp than cho điện trong năm 2023 của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản và Tổng công ty Đông Bắc, tổng khối lượng than cho điện năm tới là 45,89 triệu tấn. Riêng đối với các nhà máy nhiệt điện của EVN, khối lượng than dự kiến cấp trong năm 2023 là 17,98 triệu tấn, thấp hơn hợp đồng than dài hạn khoảng 1,5 triệu tấn.
TKV nỗ lực tăng sản lượng than cấp cho các nhà máy ngay trong các tháng đầu năm 2023. (Ảnh: ITN)
Bên cạnh đó là yếu tố về chủng loại than. Năm 2023, TKV cấp cho các nhà máy của EVN dự kiến hoàn toàn là than pha trộn. Qua kinh nghiệm thực tế vận hành của các nhà máy, nguồn than pha trộn sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận hành ổn định, kinh tế của các nhà máy nhiệt điện, dễ gây nguy cơ tăng các sự cố, làm giảm khả dụng của các nhà máy điện, ảnh hưởng rất lớn đến cung cấp điện trong thời điểm có nhu cầu huy động cao trong mùa khô năm 2023.
Về giá nguyên vật liệu đầu vào, theo nhận định của TKV, những sự kiện của thế giới đang làm giá xăng dầu, sắt thép tăng rất cao so với giá kế hoạch dẫn đến hiệu quả kinh doanh của TKV sẽ giảm, thậm chí có thể không cân đối được tài chính. Nguồn than nhập khẩu khan hiếm, có thể không nhập khẩu được theo kế hoạch dẫn đến nguy cơ không đủ than để cấp cho khách hàng, đặc biệt là các nhà máy điện so với kế hoạch.
Do đó, bên cạnh việc TKV sẽ tiếp tục động viên khuyến khích người lao động làm thêm giờ, tăng năng suất lao động; đẩy mạnh sản xuất than trong nước; huy động tối đa than tồn kho để chế biến, pha trộn và tiêu thụ cho khách hàng theo hợp đồng đã ký kết… TKV cũng sẽ báo cáo các bộ, ngành xem xét để điều chỉnh giá bán than trong nước, đặc biệt là giá bán than cho các hộ điện (sản lượng than bán cho các hộ điện chiếm trên 80% sản lượng than tiêu thụ của TKV) để bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh than của TKV trong điều kiện giá dầu, giá nguyên vật liệu tăng cao).
TKV cũng tiếp tục đẩy mạnh khoan thăm dò, đánh giá trữ lượng than nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài; thực hiện đúng tiến độ đầu tư các dự án khai thác than theo hướng tập trung phát triển các mỏ than hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí "Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao", liên thông các mỏ lộ thiên để mở rộng không gian nhằm tăng năng suất và giảm bớt chi phí chung; chuẩn hoá, nâng cấp các kho cảng dịch vụ logistics phục vụ cho việc xuất nhập khẩu, pha trộn than.
Đồng thời, tiếp tục đầu tư đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và điều kiện làm việc cho người lao động, tăng năng suất lao động, giảm giá thành và giảm lao động trực tiếp trong hầm lò.
Trong thời gian tới, TKV và EVN sẽ tích cực phối hợp, vì mục tiêu chung phát triển bền vững của ngành năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.