Minh Anh ·
31 tuần trước
 10058

Bàn thảo nhiều vấn đề tại Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở VN

Nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra bàn thảo tại "Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam".

Chiều 20/9/2023, tại Hà Nội, được sự chỉ đạo của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức chương trình "Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam".

Đoàn Chủ tịch điều phối Diễn đàn gồm: PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng BCSI; PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế.

Toàn cảnh "Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam".

Tham dự chương trình, về phía Ban Tổ chức có PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam...

Về phía khách mời có TS. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế; TS. Nguyễn Thành Sơn - Chuyên gia năng lượng; PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường; TS. Ngô Đức Lâm - Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật và Môi trường (Bộ Công Thương); bà TitaThy Nguyen - Chủ tịch Hội đồng Năng lượng Thế giới; TS. George Mathew - CEO Công ty TeamSustain limited; ThS. Nguyễn Hữu Thái Hòa – Chuyên gia kinh tế; TS. Dư Văn Toán - Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo - Bộ Tài nguyên và Môi trường; cùng nhiều đại biểu, đại diện doanh nghiệp, hội, hiệp hội, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.

Đoàn Chủ tịch điều phối Diễn đàn gồm: PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường (giữa); TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng BCSI (bìa trái); PGS.TS Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế (bìa phải).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, từ khi loài người phát minh ra lửa, việc sử dụng năng lượng được coi là thước đo của sự tiến bộ nhân loại. Nó thể hiện năng lực phát triển của mỗi quốc gia.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và phấn đấu vươn lên trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Để thực hiện mục tiêu đó, vấn đề an ninh năng lượng cần phải được đảm bảo, cung cấp đầy đủ và an toàn cho sản xuất và tiêu dùng.

“Để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh hiện tại có thể nói là rất khó khăn, đặc biệt là sau cam kết của Việt Nam tại COP26. Chính vì vậy, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức Diễn đàn với chủ đề nóng, cần có sự đóng góp về tư duy và cách tiếp cận. Làm sao để Việt Nam đạt được mục tiêu kép là trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045 và đạt NetZero vào năm 2050”, PGS.TS Lưu Đức Hải chia sẻ.

PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Câu chuyện giá điện

Trao đổi tại Diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai thì cần có những giải pháp mang tính đột phá. Trong phát triển kinh tế - xã hội, nước ta có 02 vấn đề quan trọng cần đảm bảo, một là an ninh năng lượng, hai là an ninh lương thực. Trước đây, chúng ta đã có một quyết định quan trọng đó là chuyển giá gạo sang cơ chế thị trường, quyết định này đã có những hiệu quả có thể nói là diệu kỳ.

PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ về câu chuyện giá điện.

“Từ câu chuyện để thị trường quyết định giá gạo để nhìn lại câu chuyện giá điện hiện nay. Phải chăng đã đến lúc cần nhìn nhận một cách nghiêm túc việc tính giá điện theo cơ chế thị trường. Tôi cho rằng, đây chính là giải pháp mang tính đột phá để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Tất nhiên, đây không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà cần có sự chuẩn bị kỹ càng, cần hoàn thiện nhiều khung phổ pháp lý, chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra...

Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đó là xu hướng tất yếu. Trong khi đó, phát triển kinh tế phải gắn liền với vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng. Nếu chúng ta không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho sự phát triển kinh tế, cũng không bắt kịp xu hướng xanh hóa nguồn năng lượng, thì chúng ta sẽ bị tụt lại rất xa. Do đó, cần phải hiểu rõ, thời đại sẽ tác động như thế nào đến vấn đề an ninh năng lượng, làm sao để Việt Nam vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng, vừa có vị trí quan trọng trong bản đồ năng lượng toàn cầu.

Theo tính toán, để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế thì tốc độ tăng trưởng của năng lượng phải gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Việc thay đổi cấu trúc nguồn cung, chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đòi hỏi những nỗ lực phi thường. Việc thay đổi cấu trúc sử dụng năng lượng cũng gây nhiều áp lực, tuy nhiên vấn đề này chưa được đề cập đến và nhìn nhận một cách nghiêm túc”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường điều phối Diễn đàn.

Chuyển đổi năng lượng xanh

Cho ý kiến tại Diễn đàn, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đánh giá, Việt Nam may mắn có tiềm năng năng lượng tái tạo (năng lượng xanh) lớn, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời nên có đủ khả năng sử dụng trong quá trình chuyển đổi để phát điện, từng bước giảm điện năng sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, khi chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu điều tra nghiên cứu cơ bản, chưa sản xuất được thiết bị phát điện gió, điện mặt trời, thiết bị chuyển đổi và nối lưới làm tăng giá thành sản xuất điện.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trình bày tham luận.

“Trong quá trình chuyển đổi phải luôn có kế hoạch giám sát, theo dõi để sớm nhận biết những tác động để giải quyết. Mặc dù đã có Quy hoạch điện VIII, có lộ trình thực hiện nhưng vẫn phải sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh, đặc biệt là thiếu điện do nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Khi chuyển sang điện xanh, việc tăng giá điện sẽ không tránh khỏi nhưng cũng phải xem xét lộ trình để tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động kinh tế và đời sống nhân dân. Hy vọng, quá trình chuyển đổi sang điện xanh sẽ diễn ra thuận lợi suôn sẻ, những tác động bất lợi nếu nảy sinh sẽ được giải quyết hiệu quả”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ bày tỏ.

Tầm nhìn mới về điện khí LNG

Theo PGS.TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế, than đá, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên là ba loại nhiên liệu hóa thạch được sử dụng phổ biến để phát triển điện ở nhiều quốc gia. Trong đó, điện khí LNG là loại năng lượng kỳ vọng giúp giảm phát thải carbon, nhờ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực lên môi trường và bầu khí quyển.

Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được sử dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt thay thế khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện. Điện khí LNG còn có ưu điểm linh hoạt, đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn do yếu tố thời tiết. LNG được coi là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường hơn, nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng cho sự phát triển bền vững của các quốc gia.

Phát triển điện khí LNG giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, có nhiều biến số cho phát triển điện khí LNG ở Việt Nam, khi phải đối mặt với nhiều thách thức về thị trường, nguồn vốn và chính sách.

Theo Quy hoạch điện VIII, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí (trong đó có nhiệt điện LNG) rất cần thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG tại Việt Nam hiệu quả, cạnh tranh và bền vững. Khi ngành công nghiệp khí LNG phát triển thuận lợi sẽ đóng góp tích cực vào an ninh năng lượng và phát triển bền vững của đất nước.

PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế (đứng) chia sẻ tại Diễn đàn.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG, cần giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách. Sự phát triển của ngành khí LNG cần đi đôi với quản lý an toàn và bảo vệ môi trường nên cần tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn, quy trình… đảm bảo an toàn trong sản xuất, vận chuyển, tồn trữ và sử dụng khí tái hóa từ LNG.

Việc quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án nhập khẩu LNG (không phát triển dàn trải) giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG.

Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai quyền được thuê và sử dụng hạ tầng bên thứ ba, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện trước khi triển khai áp dụng. Xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn về xây dựng và vận hành kho cảng nhập khẩu LNG, các trang thiết bị vận chuyển LNG, bảo đảm về chất lượng, an toàn thiết kế, thi công, xây dựng và vận hành các công trình khí LNG.

Để đảm bảo phát triển ổn định của thị trường kinh doanh khí, Chính phủ và các cấp Bộ, ngành đưa ra lộ trình phù hợp và hài hòa nhằm đảm bảo hiệu quả và khuyến khích dòng vốn đầu tư vào các dự án điện khí LNG. Đồng thời cũng cần xây dựng hành lang pháp lý cho việc triển khai các Dự án hydrogen và cũng như xây dựng các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn quốc gia về hydrogen, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện phát triển các dự án hydrogen và thị trường hydrogen trong tương lai.

Cần có cơ chế giao cho các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước những đơn vị có đủ năng lực, uy tín và kinh nghiệm thực hiện vai trò chủ lực, dẫn dắt để triển khai đầu tư phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG quốc gia. Như vậy sẽ giúp tận dụng tối đa nguồn lực về cơ sở hạ tầng cảng biển, kho chứa, đường ống… đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng và lợi ích tổng thể quốc gia tránh gây lãng phí đầu tư hạ tầng phân tán/rời rạc và nguồn lực xã hội.

Cần xây dựng các cơ chế cụ thể để khuyến khích khai thác các nguồn khí trong nước, đặc biệt là nguồn khí đồng hành và mỏ nhỏ, mỏ cận biên trên cơ sở tính toán hiệu quả tổng thể từ thượng nguồn đến hộ tiêu thụ cũng như cân đối hài hòa giữa sản lượng nhập khẩu và sản lượng khai thác khí trong nước. Do giá LNG biến động mạnh, thiếu tính ổn định nên Chính phủ và các cấp thẩm quyền cần xây dựng cơ chế về giá khí LNG bán cho các hộ tiêu thụ điện phù hợp. Đây là điều kiện căn bản để đảm bảo hiệu quả và kích thích đầu tư cho các dự án điện khí LNG trong thời gian tới.

Các nhà máy điện khí thường được xây dựng theo cụm và có quy mô công suất lớn đến hàng nghìn MW, do vậy cần phải xem xét lựa chọn vị trí địa điểm phù hợp cho nhà máy điện khí LNG và đưa ra các giải pháp thiết kế mang tính khả thi với chi phí chấp nhận được để so sánh lựa chọn tìm ra địa điểm tối ưu.

Bà TitaThy Nguyen - Chủ tịch Hội đồng Năng lượng Thế giới trình bày tham luận tại diễn đàn.

"Cần thúc đẩy triển khai 13 dự án điện khí LNG. Thực tế cho thấy, để triển khai một dự án LNG từ lúc có quy hoạch đến khi có thể vận hành nhanh nhất cũng phải tới 8 năm, thậm chí có dự án trên 10 năm. Nếu việc triển khai các dự án chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến phát triển nguồn điện và ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh năng lượng quốc gia.

Vì vậy, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, ưu tiên để phát triển các nguồn điện nền tại Việt Nam đến năm 2030, trong đó có các dự án điện khí LNG. Bởi chỉ còn 7 năm để thực hiện cho lộ trình 10 năm (đến năm 2030), quy mô nguồn điện phải tăng gấp 2 lần so với hiện nay và cơ cấu nguồn điện thay đổi căn bản theo hướng sạch hơn, cân bằng, ổn định hơn.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, ưu tiên một cách khẩn trương, hiệu quả, chắc chắn, cần huy động được nhiều nguồn vốn, công nghệ và sự quyết tâm, vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương

Để tránh nhiều dự án bị chậm nhiều năm hoặc khó khăn không thể thực hiện được do năng lực chủ đầu tư, cần có cơ chế lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm; vấn đề này đã có quy định trong pháp luật về đấu thầu", PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý.

TS. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao ý nghĩa của "Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam". Ông Thi ghi nhận những ý kiến đóng góp xác đáng của các chuyên gia, nhà khoa học tại Diễn đàn.

Sử dụng hiệu quả năng lượng

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. George Mathew - CEO Công ty TeamSustain limited (Ấn Độ) cho biết, bản thân ông hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giải pháp công nghệ sạch, năng lượng xanh được 30 năm.

Ông George Mathew đánh giá, Việt Nam phải cố gắng nhiều hơn nữa mới có thể đạt mục tiêu Netzero vào năm 2050. Theo thống kê vào năm 2012, 66% phát thải carbon đến từ ngành năng lượng. 

"Tôi cho rằng, việc quan trọng nhất và hiệu quả nhất trong vấn đề năng lượng chính là sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng. Khi làm việc với khách hàng, việc đầu tiên chúng tôi sẽ hướng dẫn khách hàng làm sao để sử dụng hiệu quả và tối ưu nguồn năng lượng, sau đó là đề xuất cơ chế giám sát.

Nhằm thực hiện cam kết Netzero, tôi nghĩ Việt Nam cần đi từ việc sử dụng hiệu quả năng lượng tại các hộ gia đình, sau đó đến hệ thống văn phòng và khu công nghiệp.

Vấn đề tiếp theo là cải thiện sức mạnh nội tại, qua đó tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế. Hiện tại Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, nhiên liệu nhập khẩu, do vậy cần phải chủ động phát triển nội lực", ông George Mathew phân tích.

 TS. George Mathew - CEO Công ty TeamSustain limited (Ấn Độ) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng hiệu quả năng lượng.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, giới chuyên gia, tổ tư vấn Chính phủ cũng như Quốc hội cần làm rõ khái niệm thế nào là năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo..., để người dân và cán bộ quản lý hiểu và thực hiện một cách chính xác, cụ thể.

Bên cạnh đó, bà An kiến nghị Chính phủ báo cáo chi tiết, lộ trình kế hoạch cụ thể, trách nhiệm cụ thể của từng cán nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện quy hoạch điện VIII. Bên cạnh đó, cần có những buổi họp kiểm điểm tại nhằm đánh giá từng bước trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện VIII, khó khăn và thuận lợi đến đâu.

"Một vấn đề nữa mà tôi luôn trăn trở đó là khi nào thì bỏ độc quyền trong ngàng điện? Liệu rằng có thể cho xã hội hóa trong truyền tải điện được hay không?", PGS.TS Bùi Thị An đặt vấn đề.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, bà TitaThy Nguyen - Chủ tịch Hội đồng Năng lượng Thế giới đã trình bày tham luận về bộ ba năng lượng Trilemma và chuyển đổi năng lượng bền vững. Đại diện Tập đoàn dầu khí Việt nam trình bày tham luận về Xu hướng phát triển tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn về đề xuất định hướng phát triển bền vững. TS. Dư Văn Toán trình bày tham luận về tiềm năng và thách thức trong phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Phần thảo luận tại Diễn đàn diễn ra sôi nổi, nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra bàn thảo. Ban Tổ chức sẽ tổng hợp những ý kiến đóng góp từ chuyên gia, khách mời, từ đó gửi đến những cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách góp phần đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững.