Chiến Chiến ·
21 tuần trước
 9205

Báo chí hoà mình cùng dòng chảy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn coi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là những mục tiêu vụ quan trọng bậc nhất để đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Hưởng ứng điều đó, thời gian qua, báo chí Việt Nam đã không ngừng đổi mới, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, đồng thời tích cực tuyên truyền, lan toả thông điệp chuyển đổi xanh tới mọi mặt của đời sống xã hội.

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu. Và, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Đại hội XIII của Đảng đã xác định, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai chuyển đổi quan trọng nhất để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

Thủ tướng Chính phủ từng nhấn mạnh: “Chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh”.

Mới đây, phát biểu tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á (Vietnam - Asia DX Summit) năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định: “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế hướng tới phát triển bền vững là xu thế tất yếu của thế giới. Đây là con đường ngắn nhất, rẻ nhất đi đến tương lai tươi sáng cho Việt Nam.

Theo thống kê, năm 2020, kinh tế xanh đóng góp khoảng 2% GDP, kinh tế số đóng góp khoảng 12% GDP. Năm 2023, kinh tế số đóng góp khoảng 16,5% GDP và đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang có tốc độ tăng trưởng cao hơn GDP từ 2 - 4 lần.

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang có tốc độ tăng trưởng cao hơn GDP từ 2 - 4 lần.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ là 2 chuyển đổi quan trọng bậc nhất của nửa đầu thế kỷ XXI. Hai chuyển đổi này sẽ căn bản thay đổi cuộc sống của chúng ta.

Theo Tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược, là động lực chính tăng trưởng kinh tế.

Chiến lược Chuyển đổi số báo chí của báo chí Việt Nam

Ngày 6/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Quyết định nêu rõ, chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Chiến lược Chuyển đổi số báo chí xác định, đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó, 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí số;  phát triển nền tảng số; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh.

Đây có thể coi là văn bản quan trọng hỗ trợ báo chí chuyển đổi số báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Ngày 5/6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã công bố sự ra đời của trung tâm trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; thông tin về bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí và giới thiệu cổng kết nối trực tuyến công cụ phần mềm đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.

Theo đó, trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí là là đầu mối hỗ trợ cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để đồng hành với mục tiêu của chương trình hỗ trợ báo chí chuyển đổi số…

Mô hình đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí gồm 42 tiêu chí được chia thành 10 chỉ số thành phần và nhóm thành 5 trụ cột của chuyển đổi số báo chí, với số điểm tổng tối đa là 100 điểm. Dưới 50 điểm là ở mức yếu; từ 70-80 điểm ở mức tốt; trên 80 điểm ở mức xuất sắc.

Cơ quan báo chí sau khi đã được thẩm định, đánh giá sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Chứng nhận mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Việc công bố xếp hạng sẽ được thực hiện hàng năm. bao gồm: Chiến lược, hạ tầng số; nền tảng số và an toàn thông tin; sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn; độc giả, khán giả, thính giả và mức độ ứng dụng công nghệ số.

Theo Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2023 đã có 339 cơ quan báo chí hoàn thành đạt yêu cầu và được cấp tài khoản chính thức để thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023. Trong đó, có 273 cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình triển khai công tác đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Cụ thể, Khối Địa phương 59 đơn vị, Khối Trung ương 67, Khối Đài 60 và Khối Tạp chí Khoa học 87 đơn vị.

Tỷ lệ xếp hạng mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023.

Kết quả tỷ lệ xếp hạng mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023 cho thấy, có 3,66% cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc, 8,06% đạt mức tốt, 13,19% đạt mức khá, 12,09% đạt mức trung bình và 63% đạt mức yếu.

Trong đó mức xuất sắc Khối Trung ương chiếm tỉ lệ cao nhất với 50%, Khối Đài 40% và Khối Địa phương chiếm 10%. Riêng mức yếu, cao nhất thuộc về Khối Tạp chí Khoa học chiếm 45,35%, Khối Trung ương 31,82%, Khối Địa phương 17,44% và Khối Đài 12,79%.

Top 10 cơ quan báo chí đạt mức chuyển đổi số xuất sắc gồm có: Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Vnexpress, Báo Lao Động, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Điện tử Vietnamplus, Báo VietNamNet, Báo Điện tử VTCNews, Đài Phát thanh và truyền hình Vĩnh Long, Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, Báo Người Lao Động.

Top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối Báo chí Trung ương đạt mức xuất sắc là: Báo VNExpress; Báo Lao động; Báo Điện tử Vietnamplus; Báo Vietnamnet; Báo Điện tử VTC News.

Top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối báo chí địa phương là: Báo Người Lao động (mức xuất sắc); Báo Nghệ An, Báo Khánh Hòa, Báo Hà Nội Mới, Báo Sài Gòn giải phóng (mức tốt).

Top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối đài là: Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (mức xuất sắc); Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang (mức tốt).

Top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối tạp chí khoa học là: Tạp chí khoa học Đại học Cần Thơ (Đại học Đại học Cần Thơ) (mức tốt); Tạp chí khoa học Đại học Quốc tế Hồng Bàng (Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng); Tạp chí khoa học Đại học Mở TP Hồ Chí Minh (Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh), Tạp chí Khoa học xã hội - TP Hồ Chí Minh(Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ), Tạp chí Lý luận Chính trị (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (mức khá).

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết, các chỉ tiêu cần đạt được trong năm 2024 và năm 2025, đó là chuyển đổi số báo chí ở mức yếu, trung bình giảm từ 75% xuống còn 60% (năm 2024) và 40% năm 2025; ở mức khá, tốt từ 22% tăng lên thành 35% (năm 2024) và 50% (năm 2025); ở mức xuất sắc tăng từ 3,66% lên thành 5% (năm 2024) và 10% (năm 2025).

Báo chí đóng vai trò chủ lực tuyên truyền chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh

Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định trong các văn kiện hoạch định đường lối về phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Với vai trò của mình, trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, thông tin quá trình xây dựng và phản biện chính sách, góp phần xây dựng thể chế phát triển kinh tế, thực hiện các mục tiêu đề ra của chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.

Đã có rất nhiều tác phẩm báo chí tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh; tiết kiệm năng lượng năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; khuyến khích sử dụng năng lượng xanh, nguyên liệu thân thiện với môi trường trong sản xuất kinh doanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Nhờ báo chí mà bạn đọc Việt Nam được biết ở Mỹ đã sớm có chính sách tăng trưởng xanh để thúc đẩy phát triển kinh tế. Họ tuy giàu nhưng rất tiết kiệm năng lượng, đến năm 2025 năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện, đến năm 2030, nhu cầu điện trung bình sẽ giảm 15%.

Hay ở Đan Mạch đã đặt mục tiêu trở thành “quốc gia xanh nhất” tại châu Âu và trên thế giới với “Chiến lược năng lượng đến 2035” sẽ hoàn toàn nói không với nguyên liệu hóa thạch. Tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được cung cấp bởi các nguồn nhiêu liệu tái tạo. Vì thế Đan Mạch tăng thuế đặc biệt với việc xử lý chất thải nhằm giảm thiểu lượng rác sinh hoạt…

Không dừng lại ở những bài viết tuyên truyền, lan toả thông điệp về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, nhiều cơ quan báo chí còn tổ chức các chương trình hội thảo, toạ đàm về chủ đề này.

Đơn cử như Tạp chí Kinh tế Môi trường trong năm 2023 và 2024 đã tổ chức các chương trình hội thảo, toạ đàm về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh như: Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu Net – Zero vào năm 2050; Tiêu dùng xanh – Phát triển bền vững hướng tới Net Zero 2050; Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định CPTPP tại Việt Nam; Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam; … Các chương trình khoa học do Tạp chí đã thu hút được đông đảo đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tham gia đóng góp ý kiến, những kinh nghiệm, đề xuất các cơ chế, giải pháp đặc thù để khuyến khích chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Hội thảo chuyển đổi xanh và phát triển bền vững giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu Net – Zero vào năm 2050 do Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 5-6-2024.

Có thể thấy, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, thời gian qua báo chí Việt Nam đã đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng chiến lược truyền thông, nâng cao tính định hướng truyền thông chính sách về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh; phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông trong việc tạo ra nhận thức và lan tỏa thông điệp về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.

Trong thời gian tới, nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Tạp chí Kinh tế Môi trường khẳng định sẽ dành nhiều thời lượng và hình thức phù hợp để tuyên truyền về chủ đề liên quan đến phát triển xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện để phóng viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, ngoại ngữ để trở thành những cây bút giỏi nghiệp vụ, chắc chuyên môn, có thể xây dựng và triển khai các đề tài, tuyến bài tuyên truyền về chủ đề kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường…