·
3 năm trước
 2384

Bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam bằng cách nào?

Trong bối cảnh Covid-19 đã diễn biến khó lường, nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ chim hoang dã, chim di cư tràn lan hiện nay có thể là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng, làm bùng phát thêm các đại dịch. Vậy, bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam như thế nào?

18 tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế tại Việt Nam đã đồng loạt ký tên vào thư ngỏ gửi đến Thủ tướng Chính phủ về sự cấp bách và đề xuất các giải pháp cần thiết để bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam.

Thư ngỏ nêu rõ, trong bối cảnh Covid-19 đã diễn biến khó lường, nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ chim hoang dã, chim di cư tràn lan hiện nay có thể là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng, làm bùng phát thêm các đại dịch, nguy cơ tạo ra thảm hoạ dịch chồng dịch, huỷ hoại những nỗ lực và thành quả phòng chống đại dịch Covid-19. 

chim di cư

Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) đã có các bằng chứng khoa học khẳng định khoảng hơn 70% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật, đa phần trong đó là từ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng khiến đa dạng sinh học ở Việt Nam bị suy giảm, trong đó, nhiều loài chim đã bị tận diệt đến mức vắng bóng trong thiên nhiên.

Thư ngỏ cũng chỉ rõ một số điểm nóng liên quan đến tình trạng này như chợ chim Thạnh Hóa (Long An), chuỗi nhà hàng Chim to dần trên cả nước, chợ chim Tam Nông (Đồng Tháp). Thậm chí, những khu vực như vườn quốc gia Xuân Thủy, Cát Bà, Tràm Chim,...cũng là nơi tội phạm săn bắt chim hoạt động để cung cấp cho các chợ, nhà hàng chim hoang dã.

Bên cạnh những mối nguy về sức khỏe cộng đồng cũng như đa dạng sinh học, tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ chim hoang dã còn ảnh hưởng đến uy tín của  Việt Nam trên trường quốc tế bởi Việt Nam đã tham gia Chương trình Hợp tác Đối tác Đường bay Chim Di cư Châu Á – Úc Châu (EAAFP), Cam kết của các Nhà Lãnh Đạo thế giới vì Thiên nhiên cùng nhiều công ước, cam kết quốc tế khác về bảo vệ động vật hoang dã.

Đồng thời đề xuất 6 biện pháp bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam. 

Đó là, ban hành văn bản nghiêm cấm việc ăn thịt, giết mổ, tàng trữ, vận chuyển, mua, bán chim hoang dã, chim di cư; Xây dựng kế hoạch quốc gia về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư; Tham gia Công ước Quốc tế về các loài di cư (CMS); Ban hành văn bản nghiêm cấm việc quảng cáo, sử dụng, mua bán trực tiếp, trực tuyến các công cụ bẫy bắt, tận diệt chim hoang dã, chim di cư và các loại công cụ, phương tiện chuyên dùng, tự chế khác.

Đặc biệt phải thúc đẩy, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số các giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã: yêu cầu bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết đánh giá, kịp thời khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt và xử lý kỷ luật các đơn vị không thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Gắn trách nhiệm bảo vệ chim hoang dã, chim di cư cho Ủy ban Nhân dân các cấp;

Sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật có liên quan để bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư, đặc biệt là các loài có vai trò thụ phấn, thiên địch của chuột và côn trùng gây hại, cũng như tăng cường chế tài xử lý các vi phạm có liên quan.